Xăng, dầu giảm giá 'đẩy' sản lượng khai thác hải sản tăng trong dịch Covid-19

14/07/2020 16:43 GMT+7

Giá xăng, dầu giảm sâu so với thời điểm cuối năm 2019 đã tác động tích cực đến ngành khai thác hải sản khi sản lượng gia tăng, không có tàu cá nằm bờ trong thời gian chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 .

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) công bố tại hội nghị sơ kết công thác 6 tháng đầu năm diễn ra hôm nay, 14.7, cho thấy dịch Covid-19 tác động toàn diện đến ngành này. Nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực như cá tra bị giảm sút, thị trường xuất khẩu đóng băng đã khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước tính 3,56 tỉ USD, chỉ đạt 35,6% kế hoạch cả năm.
Tuy nhiên, đáng chú ý, khai thác hải sản nằm trong số ít những ngành giữ được đà tăng trưởng, do tác động tích cực từ giảm giá xăng, dầu so với cuối năm 2019 khiến ngư dân tích cực bám biển sản xuất. Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, đã có 4.185 tổ, đội gồm 29.295 tàu cá với trên 177.700 lao động duy trì hoạt động sản xuất trên các vùng biển xa. Sản lượng hải sản khai thác ước đạt 1,88 triệu tấn, tăng 1,4% so với năm 2019, trong đó, khai thác biển đạt 1,8 triệu tấn, khai thác nội địa đạt gần 79.000 tấn.
Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ở các địa phương gần như không có tình trạng tàu cá nằm bờ, dù giá cá có giảm. Điển hình là sản phẩm cá ngừ khai thác ở thị trường trong nước tháng 6 vẫn tiếp tục giảm. Giá cá ngừ các loại tại Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng đang giảm 5.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại so với tháng trước.

Khuyến cáo giảm tần suất khai thác, ngăn giảm giá hải sản

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết để giải quyết ảnh hưởng của dịch Covid-19, hải sản khai thác giảm giá do tiêu thụ chậm, chưa xuất khẩu được, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo các cơ sở chế biến tập trung đẩy mạnh chế biến hải sản thành các sản phẩm đóng hộp, làm nước mắm, sản phẩm khô, chả cá...
Đối với ngư dân, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo giảm bớt thời gian các chuyến đi biển, liên kết với các tàu dịch vụ hoặc tăng cường áp dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau khai thác, kịp thời vận chuyển hải sản về bờ, đảm bảo chất lượng, cung cấp các sản phẩm hải sản tươi tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Đối với các địa phương có tàu cá hiệu quả sản xuất thấp, Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương hướng dẫn ngư dân trong thời gian này có thể tạm thời không đi khai thác, tranh thủ sửa chữa, bảo dưỡng tàu và ngư lưới cụ, góp phần giảm cường lực khai thác trong ngắn hạn, để nguồn lợi thủy sản có thời gian phục hồi. Sau khi dịch Covid-19 chấm dứt, hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu phục hồi các tàu tiếp tục đi khai thác sẽ có hiệu quả sản xuất cao hơn.
"Các tàu cá tạm dừng khai thác sẽ đăng ký với chính quyền địa phương để hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước", ông Luân nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.