Xơ xác "Cù lao tỉ phú"

01/06/2008 22:49 GMT+7

Cứ bán 100 tấn cá thì lỗ 100 triệu, 200 tấn thì lỗ 200 triệu đồng... Hổm rày đi vùng Ô Môn, Thốt Nốt (Cần Thơ), rồi An Giang, nghe khách than quá trời", anh Trần Kê An, cán bộ Công ty Việt Long (Hậu Giang) cho biết.

Cù lao Tân Lộc thuộc xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ được mệnh danh là "Cù lao tỉ phú" bởi ở đây có không ít nông dân trở thành tỉ phú nhờ nghề nuôi cá tra. Vậy mà chỉ vài tháng trở lại đây, giá cá tra giảm thê thảm khiến cho hàng trăm hộ nuôi cá tại đây đang đứng trước nguy cơ trắng tay.  
 "Hằng năm, chúng tôi xuất khẩu mang về cho đất nước lượng ngoại tệ khá lớn. Làm ra ngoại tệ, tại sao nay lại không cho chúng tôi vay?" - ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, bức xúc. Như Thanh Niên đã phản ánh, rắc rối nằm ở chỗ Quyết định 09 ngày 10.4.2008 của Ngân hàng Nhà nước quy định chỉ có 3 trường hợp được vay ngoại tệ là thanh toán nhập khẩu, trả nợ nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài. Vay USD không được, vay tiền đồng cũng chẳng dễ. Ông Nguyễn Duy Nhứt, Giám đốc tài chính của Công ty cổ phần Nam Việt (An Giang), cho biết từ đầu năm đến nay công ty không vay được một đồng nào từ ngân hàng. Chưa kể các khó khăn do chi phí đầu vào tăng, rồi còn cúp điện liên miên...

Sáng 29.5, chúng tôi đến Cù lao Tân Lộc, một không khí ảm đạm bao trùm cả vùng trọng điểm nuôi cá tra của huyện Thốt Nốt, với diện tích hơn 6.800 ha nuôi cá tra, sản lượng xuất khẩu hằng năm lên đến trên 63 ngàn tấn. Hơn nửa giờ đi quanh cù lao, điều làm chúng tôi ngạc nhiên là trên dòng sông trù phú này hầu như vắng bóng những chiếc ca nô thường đưa các "đại gia" đi thăm ao cá. Những chiếc máy bơm nước công suất lớn nằm im lìm bên những ao cá rộng vài ha vì hầm cá đã bị "treo". Lác đác trên Cù lao Tân Lộc chỉ còn một số ít ao cá đang "gồng mình" chờ cho cá lớn đủ trọng lượng để bán hoặc đang nuôi chút hy vọng chờ cho cá lên giá, hầu gỡ lại vốn đầu tư vay ngân hàng trong vụ nuôi cá vừa qua.  

Theo các cơ quan chức năng, hiện 90% số hộ nuôi cá tra với quy mô nhỏ đã "treo hầm" sau khi thu hoạch, không đầu tư nuôi tiếp, trong đó có 70% hộ không có vốn để tái đầu tư. Với giá cá hiện nay là 13.800 đồng/kg, người nuôi cá lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg cá. Anh Nguyễn Nhật T., một người nuôi cá tra lâu năm, cho biết hiện hầm anh còn hơn 100 tấn cá đã đến ngày cân để chế biến, cách đây 10 ngày anh đã ký được hợp đồng bán cá cho một công ty chế biến với giá 14.200 đồng/kg, nhưng không hiểu sao đến nay nơi mua hàng vẫn chưa chịu đến cân. Tính ra với 100 tấn cá đang "treo", mỗi ngày anh T. phải tiếp tục cho cá ăn ít nhất là 2 tấn thức ăn trị giá 16 triệu đồng. Một số hộ nuôi cá tại 2 xã Thới Thạnh và Thới Thuận, do không bán được cá, các đại lý bán thức ăn cho cá không cho mua chịu nên đành để cá nhịn đói hơn 10 ngày qua, hậu quả là cá chết vì đói trắng cả cánh đồng.

Anh Đào Tấn L., chủ đại lý lớn thức ăn cho cá ở Thốt Nốt cho biết, vào thời giá cá tra đang ổn định, trung bình mỗi ngày anh bán được 200 tấn thức ăn nhưng nay bán 10 tấn là thấy nhiều rồi. Hiện anh L. bị nhiều người nuôi cá nợ không dưới 10 tỉ đồng, bằng 90% vốn lưu động của đại lý. Anh L. nói, trước đây anh thường cho bà con nuôi cá nợ đến 50% giá trị lượng thức ăn, đến khi bán cá thì thanh toán nhưng giờ thì không thể. Nếu trước đây các doanh nghiệp chế biến thường trả 30% hợp đồng, khoản còn lại sẽ trả trong 10 ngày đến 2 tuần sau đó thì bây giờ thì họ nợ tới 45 ngày, thậm chí 2 tháng.

Mai Trâm - L.Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.