Xử án tham nhũng: T.Ư không nghiêm nên rất khó làm gương cho địa phương

18/09/2013 16:10 GMT+7

(TNO) Sáng 18.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ trong năm 2013.

(TNO) Sáng 18.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ trong năm 2013.

>> Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị then chốt

 Nhiều vụ tham nhũng gây thất thoát lớn nhưng tài sản thu hồi rất ít
Nhiều vụ tham nhũng gây thất thoát lớn nhưng tài sản thu hồi rất ít. Vụ thất thoát tài sản công tại tập đoàn Vinashin được Viện KSND Tối cao liệt vào 10 "đại án" tham nhũng phức tạp - Ảnh: Hoàng Trang

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng đã tăng so với năm trước nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

 
... Công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề cập đến vụ lãnh đạo doanh nghiệp công ích tại TP.HCM nhận lương "khủng"

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng thẳng thắn đánh giá Chính phủ chưa có sự đánh giá, phân tích sâu sắc nguyên nhân của những việc chưa làm được, hạn chế, yếu kém, nhất là những hạn chế, yếu kém mà qua nhiều năm vẫn chưa được khắc phục.

Đi vào một số vấn đề cụ thể, Ủy ban Tư pháp cho rằng một số biện pháp về phòng chống tham nhũng còn mang tính hình thức, chưa phát huy được hiệu quả. Trong đó việc tổ chức khen thưởng đối với người tố cáo tham nhũng chưa được dư luận đồng tình như trường hợp tố cáo tham nhũng tại Bệnh viện đa khoa H.Hoài Đức, TP.Hà Nội (được Sở Y tế Hà Nội thưởng 320.000 đồng mỗi người).

Bên cạnh đó, có trường hợp người tố cáo tham nhũng từ chối khen thưởng, vì cho rằng vụ việc tham nhũng chưa giải quyết đến nơi, đến chốn, vẫn còn biểu hiện bao che như vụ tố cáo tham nhũng tại Trung tâm y tế H.Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

“Thời gian qua, có nhiều trường hợp lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích được nhận lương hàng tỉ đồng/năm, có nơi đến 2,6 tỉ đồng/người/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nói.

Nhiều vụ án lớn qua chỉ đạo thì xẹp xuống

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng báo cáo của Chính phủ cần phải nêu được bức tranh toàn cảnh về phòng chống tham nhũng trong năm 2013. Trong đó phải lưu ý làm rõ các vụ án tiêu cực vì sao lại kéo dài, bị hoãn nhiều lần hoặc bị đình chỉ.

 
Có vụ án tham nhũng lớn nhưng qua chỉ đạo thì bị xẹp xuống, dân người ta mất lòng tin là vì thế
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc
Ksor Phước

“Phải thể hiện được các lực lượng phòng chống tham nhũng đã làm hết trách nhiệm hay chưa, có hay không chuyện tiêu cực, tham nhũng trong chính lực lượng này. Báo cáo trước Quốc hội, trước toàn dân phải thể hiện rõ điều này”, ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Quốc hội Ksor Phước cho rằng trong báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ cần phải làm rõ hiện tượng chỉ đạo, can thiệp của lãnh đạo vào việc điều tra án tham nhũng. Đối với những hiện tượng này cần phải công bố danh tính người can thiệp. “Có vụ án tham nhũng lớn nhưng qua chỉ đạo thì bị xẹp xuống, dân người ta mất lòng tin là vì thế”, ông Ksor Phước nói.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho biết theo các cuộc giám sát của ủy ban này, trong khoảng thời gian 2 năm 6 tháng (từ tháng 10.2010 đến tháng 4.2013), Viện KSND Tối cao đã đình chỉ 4 vụ với 27 bị can và đình chỉ 11 bị can trong các vụ án tham nhũng khác (toàn ngành kiểm sát đình chỉ 16 vụ với 91 bị can phạm tội tham nhũng, chiếm 2,11%).

Việc áp dụng nhiều lần tình tiết giảm nhẹ để xét xử dưới khung hình phạt, sau đó cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ còn chiếm tỷ lệ cao (bị cáo cho hưởng án treo và phạt cải tạo không giam giữ chiếm 31,16% tổng số bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã xét xử).

“Dư luận nhân dân cho rằng, với việc xử lý kỷ luật hành chính, đình chỉ điều tra, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đối với tội phạm về tham nhũng như hiện nay có biểu hiện chưa nghiêm minh, bao che, nương nhẹ và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Có địa phương cho rằng, các vụ án tham nhũng phức tạp do các cơ quan ở T.Ư điều tra, truy tố hoặc chỉ đạo xử lý không nghiêm minh nên rất khó làm gương cho các địa phương trong việc xử lý các vụ án tham nhũng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh.

Thái Sơn

>> Không 'bung' tham nhũng vì sợ mất uy tín
>> Kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại Đồng Nai
>> Ông Nguyễn Bá Thanh: Siết lại việc cho tội phạm tham nhũng hưởng án treo
>> Dạy phòng chống tham nhũng trong bậc TCCN
>> Tham nhũng chưa giảm
>> Đi dọc Hà Nội - Kỳ 5: Xử vụ tham nhũng nổi tiếng thời chống Pháp
>> Đi dọc Hà Nội - Kỳ 4: Sĩ phu chống tham nhũng
>> Ban Nội chính yêu cầu làm rõ vụ nữ hộ sinh tố cáo tham nhũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.