XÓM 3 NÓC NHÀ
Thiếu thốn đủ đường, người ‘dân lắc’ đầu với khu tái định cư
Khu định canh, định cư thuộc thôn Trung, xã Trà Sơn (H.Trà Bồng) rộng khoảng 1 ha, được xây dựng rất bài bản theo kiểu 2 tầng dọc sườn núi. Theo quan sát của chúng tôi, tầng trên khu đất này có bãi đất rộng, có hệ thống cung cấp nước sạch nhưng bị hỏng, giờ là nơi chăn thả gia súc của người dân. Gần đó, có 2 ngôi nhà được xây dựng bằng bê tông, gạch kiên cố nhưng đã bị sụp đổ, cây cối mọc um tùm bao phủ cả căn nhà, có lẽ do bỏ hoang quá lâu.
Còn tầng bên dưới, từ ngoài đi vào phía bên trái có 2 căn nhà bị bỏ hoang chỉ còn lại cột bê tông và tường gạch. Xung quanh nhà hoang, cây cối um tùm và chất đầy củi, lá keo khô. Một lúc sau, chúng tôi thấy có 3 căn nhà có người dân sinh sống. Khung cảnh thật hiu quạnh, chỉ nghe tiếng xe máy từ QL24A vọng vào và tiếng gió thổi bên kia sườn đồi.
Anh Hồ Văn Lách (30 tuổi, trú thôn Trung) cho biết ở đây không có nước để dùng nên đời sống rất khó khăn. Theo anh Lách, trước kia ở đây không có điện nước nên nhiều người dân xây nhà xong không ở được, đành bỏ đi nơi khác. Đến năm 2019, ở đây mới có điện, nhưng nước sạch chưa có. "Một số hộ đã có nhà ở ổn định nơi khác nên họ không đến đây ở nữa. Hiện cả khu vực rộng lớn này chỉ có 3 hộ ở", anh Lách nói.
Bà Hồ Thị Khương (63 tuổi, trú thôn Trung) cho hay bà sống ở đây đã lâu nhưng nước không có, phải lấy nguồn từ dòng suối xa dẫn về uống. Hiện nay nước suối còn, nhưng đến mùa hè nắng gắt lại thiếu nước. "Mong các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để người dân sinh sống, làm ăn ổn định, chứ ở đây bà con khổ lắm", bà Khương bày tỏ.
Có ý kiến cho rằng, ngoài thiếu nước, điện thì do yếu tố tâm linh nên người dân không ở đây. Đó là phía trên khu dân cư này có khu an táng của người bản địa; người trẻ không ngại, nhưng người lớn tuổi thì suy nghĩ khác.
Liên quan vấn đề này, lãnh đạo UBND xã Trà Sơn cho biết do lúc trước khu định canh, định cư ở thôn Trung không có nước nên mặc dù đã bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, nhưng vẫn không ai đến ở. Họ bỏ đi nơi khác sinh sống, làm ăn.
"UBND xã Trà Sơn cũng đề nghị các hộ dân có sổ đỏ lên làm nhà tại khu định canh, định cư để ở vì hiện nay ở đây đã có điện; nhưng các hộ dân nay đã có nhà cửa ổn định ở nơi khác hết rồi, nên họ không chịu lên", lãnh đạo UBND xã Trà Sơn cho biết thêm.
NHÀ KHANG TRANG NHƯNG KHÔNG Ở
Sau nhiều trận mưa bão, tình trạng sạt lở đã đe dọa tính mạng, tài sản của những hộ dân sinh sống ở tổ 1 và tổ 3, thôn Tây, xã Trà Sơn. Trước tình hình này, UBND H.Trà Bồng đã đầu tư
9 tỉ đồng để xây dựng khu tái định cư Gò Nổi ở tổ 2, thôn Tây để người dân chuyển về sinh sống, tránh gây thiệt hại về tính mạng và tài sản mỗi khi thiên tai xảy ra.
H.Trà Bồng kỳ vọng khu tái định cư này sẽ trở thành điểm sáng về tái định cư, giúp người dân ổn định đời sống, yên tâm sản xuất, không còn nỗi lo về sạt lở mỗi khi vào mùa mưa bão. Trong đó, có 59 hộ dân được bố trí tái định cư, mỗi hộ nhận gần 300 m2 đất và một căn nhà trị giá 45 triệu đồng. Ngoài ra, khu tái định cư này cũng được đầu tư tương đối bài bản với hệ thống đường giao thông bê tông, nước sạch, điện thắp sáng cùng các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng..., đảm bảo phục vụ tốt đời sống dân trí, dân sinh.
Tuy nhiên, trong số 59 hộ được tái định cư thì chỉ có 35 hộ đã dọn đến ở, còn 24 hộ vẫn không chịu dọn về khiến hàng chục ngôi nhà vẫn để không, cửa đóng then cài. Rồi một số hộ đến sinh sống thời gian ngắn sau đó lại bỏ về nơi ở cũ.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Hồ Văn Ký (trú thôn Tây, xã Trà Sơn), nơi này được đầu tư có đường, có điện nhưng không có đất làm ăn nên người dân không đến ở, họ về làng cũ để gần chỗ đất làm ăn hơn.
Ông Hồ Văn Thái, Trưởng thôn Tây, cho biết sau khi khu tái định cư được xây dựng xong, các hộ dân ở tổ 3 (thôn Tây) không chịu chuyển về ở, mặc dù tại địa điểm cũ từng xảy ra một vụ sạt lở vào năm 2020 rất nguy hiểm. Theo ông Thái, việc người dân không chịu về khu tái định cư để sinh sống là do phong tục tập quán và không có đất sản xuất.
Cũng theo ông Thái, một nguyên nhân nữa là khu tái định cư lại cách xa nương rẫy của người dân, mỗi lần đi làm rẫy phải mất nửa ngày đường. Việc người dân không về khu tái định cư để ở đã gây ra nhiều khó khăn cho con trẻ là các em học sinh. Do ở xa nên mỗi ngày các em phải đi bộ từ 4 giờ sáng để đến trường. Đó là chưa kể những ngày mưa lũ, giao thông bị chia cắt, các em đành phải nghỉ học.
Người dân thất nghiệp, sống khổ vì nhường đất cho thuỷ điện A Lưới
ĐỐI THOẠI VỚI DÂN
Theo lãnh đạo UBND xã Trà Sơn, đã nhiều lần lãnh đạo H.Trà Bồng cùng chính quyền xã Trà Sơn đến tận tổ 2, thôn Tây để vận động người dân về khu tái định cư mới. Cách đây khoảng một năm, lãnh đạo H.Trà Bồng khi đến thăm người dân đã ký cam kết với địa phương và người dân tổ 3 về việc sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho khu tái định cư để bà con an tâm sinh sống. "Sau đó, một số hộ dân đã xuống làm nhà bếp, làm rào chắn xung quanh nhà để không cho gia súc vào phá, nhưng vẫn chưa về ở", ông Thái thông tin thêm.
Trước tình hình này, lãnh đạo Huyện ủy Trà Bồng cùng với lãnh đạo xã Trà Sơn và cán bộ thôn Tây đã đến tổ 3 (thôn Tây), nơi 24 hộ dân đang sinh sống, để đối thoại trực tiếp với bà con. Với thái độ cầu thị, lãnh đạo H.Trà Bồng đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, nhằm đưa ra những giải pháp, phương án tốt nhất để giải quyết vấn đề này.
Ông Đặng Minh Thảo, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng, cho biết việc người dân không chịu về khu tái định cư Gò Nổi ở là do đất sản xuất của họ cách xa nơi ở nên người dân không chịu xuống. Lãnh đạo các cấp của địa phương đã lên đến tận nơi để đối thoại với bà con, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, qua đó đã được bà con đồng ý.
"Hiện tại, các căn nhà mà người dân không ở, bị hư hỏng do bão đã được các đoàn viên thanh niên dọn dẹp, sửa chữa và sơn lại rất đẹp. Một số hộ dân đã xuống khu tái định cư làm tường rào, nhà bếp để chuẩn bị xuống ở. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu nhỏ không phải đi học xa, nguy hiểm. Còn đất sản xuất thì người dân vẫn có thể quay về nơi ở cũ làm nương rẫy", ông Thảo nói.
Bình luận (0)