Tài liệu chưa từng công bố của chính quyền Sài Gòn

19/04/2010 00:21 GMT+7

35 năm qua, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả trong, ngoài nước về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Tuy vậy, để hiểu một cách tường tận sự kiện chấn động thế giới này, vẫn cần phải làm rõ những “bí mật liên quan đến mưu toan, quyết sách, sự kiện, diễn biến thực tế của phía đối địch với cách mạng” (đại tá, PGS-TS Hồ Sơn Đài).

 Mời nghe đọc bài

Và trong nỗ lực khai mở những bí ẩn của quá khứ, tập thể tác giả đang công tác tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã biên soạn cuốn sách Về đại thắng mùa xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn. Được sự đồng ý của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, từ số báo này Thanh Niên lược thuật những sự kiện quan trọng mà cuốn sách đề cập, trong đó có những tài liệu trong giai đoạn 1973 - 1975 chưa từng công bố.

Đối phó với “thảm họa về cơ cấu”

m mưu

Ngày 27.1.1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN gồm 9 chương, 23 điều được bốn bên tham gia Hội nghị Paris về VN ký kết.

Hiệp định đã tạo bước ngoặt trong giải quyết vấn đề hòa bình ở VN. Đồng thời, cũng tạo ra sự thay đổi thế và lực của các bên tham chiến ở miền Nam VN theo hướng ngày càng thuận lợi cho quân giải phóng. Ngược lại, Chính phủ Mỹ đang vấp phải làn sóng phản kháng không chỉ của tầng lớp nhân dân yêu chuộng hòa bình mà của cả quốc hội, các quan chức và chính khách Mỹ, buộc phải xem xét lại toàn bộ chính sách đối với VN. Ở Sài Gòn, việc Mỹ rút quân và cắt giảm viện trợ đã tạo ra lỗ hổng lớn và đặt chính quyền Sài Gòn trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng.

Chưa chấp nhận thất bại, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã đưa ra đối sách thực hiện tham vọng độc chiếm miền Nam VN, chia cắt lâu dài đất nước tập trung vào các nội dung:

1) Sử dụng tiền viện trợ để tạo viễn tưởng một xã hội trong vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn ổn định và phát triển với nền kinh tế tự lập.

2) Tạo được đội quân đông với vũ khí, phương tiện Mỹ nhằm có thể thay thế vai trò của quân viễn chinh Mỹ và chư hầu trên chiến trường miền Nam VN. Sử dụng lực lượng quân sự tiến hành chiến tranh “giành dân, lấn đất” và giành lại thế chủ động trên chiến trường, tạo thế mạnh trên bàn đàm phán.

3) Trên bàn đàm phán giữa hai bên, miền Nam VN sử dụng kế hoãn binh, không đi vào giải quyết thực chất vấn đề nhằm kéo dài thời gian cho đến khi đạt được ưu thế về quân sự và chính trị.

Trước đó, ngày 24.1 (thời điểm các điều khoản của Hiệp định Paris đã được các bên thống nhất), ông Thiệu đã khẳng định rõ thái độ với việc thực thi hiệp định trong bài phát biểu trên hệ thống thông tin. Kể cả trước và sau khi ký kết hiệp định, ông lặp đi lặp lại nhiều lần rằng: miền Bắc và miền Nam là “hai quốc gia riêng biệt”; chính quyền Sài Gòn là “chính quyền hợp pháp, hợp hiến duy nhất ở miền Nam VN”; sẽ không có một chính phủ liên hiệp hay chính phủ ba thành phần nào ở miền Nam VN... “Cho đến hôm nay Cộng sản cũng không đòi được chúng ta và cũng không có vấn đề nhân dân miền Nam chúng ta buộc phải chấp nhận có hai chánh phủ hợp pháp song song tại miền Nam này, từ trước đến giờ họ vẫn tự cho họ một chánh phủ mà họ gọi là Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN, họ buộc mình phải nhìn nhận cái chánh phủ đó coi như tại miền Nam này có hai chánh quyền song song (...). Không khi nào chúng ta chấp nhận là trên miền Nam này, tại miền Nam này có hai chánh phủ song song, mà chúng ta vẫn chỉ nói rằng tại miền Nam VN này chỉ có một chánh quyền hợp hiến hợp pháp duy nhất mà thôi...” (trích bài nói chuyện của Nguyễn Văn Thiệu ngày 24.1.1973).

Sau đó, trong bài thuyết trình ngày 28.1, ông Thiệu cố gắng giải thích việc ký kết Hiệp định Paris như là một “thắng lợi to lớn” của chính quyền Sài Gòn. Thế nhưng biên bản phiên họp của Ủy ban Liên bộ hậu phương yểm trợ tiền tuyến ngày 29.1.1973 đã cho thấy, việc “ký hiệp định thì phải công nhận là chúng ta (chính quyền Sài Gòn - TG) đang đứng trước một thảm họa về cơ cấu”. Về tinh thần “có ba khuynh hướng: những người có khuynh hướng theo Cộng sản thì phấn khởi. Các chiến sĩ vì đã chiến đấu quá gian khổ và lâu dài cảm thấy như được trút một gánh nặng và mong sớm buông súng. Những người chống Cộng sản thì chán nản vì hiệp định ngừng bắn đem lại cho Cộng sản nhiều điều thuận lợi”.

Cầu viện

Thực tế, trong lòng chính quyền Sài Gòn lúc này đang nổi lên những mâu thuẫn trầm trọng.

Trên chính trường xuất hiện lực lượng tự xưng là “thực thể chánh trị thứ ba” gồm các thành phần đối lập với Nguyễn Văn Thiệu do tướng Dương Văn Minh cầm đầu có sự hậu thuẫn của tình báo Mỹ. Trong quân đội nổi lên thế lực của tướng Nguyễn Cao Kỳ, cộng với lực lượng tôn giáo dưới bàn tay của Mỹ ngấm ngầm âm mưu lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Nền kinh tế của chế độ Sài Gòn vốn dựa chủ yếu vào viện trợ Mỹ, nay trở nên kiệt quệ.

Để đối phó, chính quyền Sài Gòn đề ra chương trình “Tái thiết và phát triển quốc gia” (Nguyễn Văn Thiệu công bố chính thức ngày 20.5.1973), đồng thời lên kế hoạch cầu viện Mỹ và các nước trong “khối tự do”.

Ngày 2.4.1973, Nguyễn Văn Thiệu cùng nhiều quan chức chính quyền Sài Gòn bắt đầu “chuyến đi hợp tác trong hòa bình” (Việt Tấn xã - cơ quan thông tấn của chính quyền Sài Gòn - đưa tin ngày 1.4.1973) tới Mỹ và một số nước, lãnh thổ đồng minh (Anh, Đại Hàn, Đài Loan...).

Ngày 2 và 3.4, ông Thiệu và phái đoàn chính quyền Sài Gòn đã có cuộc tiếp xúc thượng đỉnh với phái đoàn Mỹ dưới sự chủ tọa của Tổng thống Richard M. Nixon. Với việc nhận được cam kết của Nixon: “Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ cho VN cộng hòa để phát triển kinh tế hậu chiến” và “Tổng thống VN cộng hòa đã được cam kết về một sự trợ giúp quân sự”, ông Thiệu được ca ngợi “đã có đầy đủ cái khôn ngoan... để thuyết phục các lãnh tụ Hoa Kỳ” (Việt Tấn xã ngày 12, 13.4.1973).

Cái cách thuyết phục “khôn ngoan” của ông Thiệu được thể hiện như thế nào ? Việt Tấn xã ngày 13.4 tường thuật chi tiết: “Người dân Mỹ vốn từng liên hệ chặt chẽ với vận mệnh VN đã đón nhận lời cảm ơn của tổng thống VN cộng hòa... Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng dành phần lớn thời gian để thăm viếng các gia đình tù binh Mỹ để đích thân nói vài lời cảm ơn... Trước khi rời Hoa Kỳ để đi Italy, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và phu nhân có ghé Texas để thăm mộ cố Tổng thống Mỹ Johnson..., vị tổng thống đã quyết định đưa quân đội Mỹ vào miền Nam...”.

Tờ Thái Bình số 2 tháng 5.1973 của Liên hiệp Việt kiều tại Mỹ đã bình luận chua chát về chuyến công du của ông Thiệu: “Người VN không ai có thể bày tỏ “lòng biết ơn sâu xa” đối với Nixon, khi những tội ác của chính phủ và quân đội viễn chinh gây ra ở hai miền Nam Bắc VN vẫn còn in dấu nóng hổi trong trái tim của mỗi người dân Việt. Nhưng ông Nguyễn Văn Thiệu lại không để ý đến chuyện đó. Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vừa qua, ông Thiệu đã nhân danh người Việt để “cảm ơn” người bạn đồng minh Mỹ, Đại Hàn,... đã giúp ném bom các làng mạc, đốt phá trường học, nhà thương; đã giúp khai quang không biết bao nhiêu miền đất quê hương, đã giúp giết từng người mẹ, người chị, người em, đã giúp làm ung hoại xã hội miền Nam”. (Còn tiếp)

Hải Thành

(Lược trích Về đại thắng mùa xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn (NXB Chính trị quốc gia 2010), tựa bài do Thanh Niên đặt)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.