Tại sao biển hiệu kiểu mẫu ở Hà Nội chỉ màu đỏ và xanh?

Việc đồng bộ hóa biển hiệu ở khu phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (Hà Nội) đang gây bàn cãi về ranh giới giữa nền nếp và cứng nhắc, giữa sáng tạo và giới hạn của mệnh lệnh hành chính.

Một loạt các cửa hàng trên phố Lê Trọng Tấn (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) đồng loạt có áo mới, biển mới. Các biển đều có mảng màu chính là xanh nước biển hoặc đỏ. Sắc độ xanh, đỏ này không có sự khác biệt. Các cửa hàng này có mặt hàng kinh doanh khá đa dạng, từ ăn uống đến may mặc, tín dụng, hàng không...; từ bún đậu đến phở, thời trang trong nước đến nước ngoài...
Tuyến phố này vừa được khánh thành, cũng được coi là tuyến phố kiểu mẫu của thủ đô.
1 khuôn cho 157 biển hiệu
Rõ ràng là nhà quản lý muốn không còn sự lộn xộn. Nhưng nếu giảm lộn xộn thì thiếu gì cách. Đằng này, họ lại chọn cách đổ khuôn một loạt những cửa hàng, trông xấu như nhau.
Bạn sẽ nghĩ thế nào khi ra đường và nhìn thấy một loạt người như sinh sản vô tính, thậm chí như là cùng đi thẩm mỹ viện theo một khuôn.
Nó giống nhau và giống cái xấu
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh
Theo bà Lê Mai Trang - Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân, việc sử dụng các màu này đã được P.Khương Mai hỏi ý kiến người dân thông qua kênh tổ dân phố. Quận cũng chỉ yêu cầu thay mới các biển quá xấu hoặc cũ nát. Hai màu xanh - đỏ, theo bà Trang, do quận đưa ra để người dân tự chọn và họ cũng đồng tình thì mới thực hiện.
Trong khi đó, báo cáo của Q.Thanh Xuân nêu rõ: “Để tạo sự chuyển biến đồng bộ về trật tự mỹ quan đô thị, tạo diện mạo văn minh, hiện đại theo đúng tinh thần của TP, quan điểm của quận là cần có sự đồng bộ, hài hòa về màu sắc của hệ thống biển hiệu dọc tuyến đường Lê Trọng Tấn với màu sơn của nhà dân là vàng nhạt và ghi xám, hệ thống cây xanh ven đường…”.
Cũng theo báo cáo này, hệ thống biển hiệu được chỉnh trang lắp đặt đồng bộ có chiều cao biển 1,1 m, màu sắc thiết kế cơ bản là nền xanh hoặc đỏ và chữ màu trắng. Đối với các tổ chức doanh nghiệp đã có logo quảng cáo và thương hiệu độc quyền được cấp phép, quận tôn trọng nhưng đề nghị thực hiện chỉnh trang kích thước để tạo đồng bộ.
Báo cáo của Q.Thanh Xuân cũng cho biết màu sơn do Q.Thanh Xuân thống nhất với Sở Quy hoạch - Kiến trúc gam màu cơ bản. Các biển hiệu hai bên đường, các biển hiệu cửa hàng được thiết kế đồng mức về chiều cao, đồng cấp, đồng chất liệu. Việc thực hiện được làm theo phương thức xã hội hóa, nói cách khác, nhân dân không phải bỏ tiền. Một tập đoàn đã ủng hộ 1,7 tỉ đồng làm 157 biển hiệu.
Xơ cứng, thiếu thẩm mỹ
Trong khi chính quyền bỏ công sức, doanh nghiệp bỏ tiền như vậy thì việc thực hiện đồng bộ hóa lại đang khiến nhiều người bàn luận.
Ông Trần Đức Anh, sáng lập viên của Học viện Đồ họa Monster Lab, cho biết việc đồng bộ biển hiệu như thế này là cách tốt nhất để... giết chết bản sắc của doanh nghiệp cũng như nghề thiết kế, quảng cáo. Ngay cả một hàng bún đậu bình dân cũng hoàn toàn có quyền trưng một biển hiệu với màu sắc, kiểu chữ mình ưa thích. Chưa kể, việc chỉnh trang đồng bộ phố như thế này vẫn chưa hoàn chỉnh.
Từ góc độ nhận diện thương hiệu, ông Đức Anh nói: “Nếu muốn đồng bộ thì không chỉ đồng bộ màu biển, mà màu đó còn phải đồng bộ trên cả thùng rác, sơn rào hàng cây nữa. Nên đồng bộ thế này thì vẫn là nửa vời!”. Theo ông, việc quy định của nhà nước chỉ nên dừng lại ở kích cỡ, độ nhô ra của biển. Phần nội dung biển nên để doanh nghiệp, cá nhân tự quyết định, miễn là không vi phạm pháp luật.
Một giảng viên Khoa Kiến trúc - Trường ĐH Kiến trúc (Hà Nội) nhận xét việc thay đổi màu của biển hiệu không phải việc ngẫu nhiên, thích thì làm. Chẳng hạn, khi ông tới Fiorentina, Ý, các cửa hàng McDonald ở đó có màu xanh thay vì đỏ như truyền thống. Điều đó, sau này được phát ngôn viên của hãng giải thích đó như là một thông điệp thân thiện.
Cũng theo giảng viên này, việc quản lý đô thị có thể rất kỹ lưỡng tới quy định từng lớp cửa. Chẳng hạn, ở Đức người sở hữu nhà phải chỉnh trang sửa chữa mặt tiền nhà 5 năm một lần. Tuy tốn cho việc chỉnh trang nhà nhưng vẫn phải làm nếu không muốn bị phạt. Vì thế, việc có quy chế quản lý biển hiệu cũng tốt. Chỉ có điều nội dung rất cần sự tham vấn của người làm chuyên môn.
Ông Lê Quốc Vinh, một chuyên gia thương hiệu, nhận xét trong việc xử lý đồng bộ màu sắc thế này cho thấy sự coi thường sáng tạo mỹ thuật. Cách nhìn của chính quyền chưa coi trọng sáng tạo. “Họ trao quyền sáng tạo vào tay những người chưa đủ năng lực để làm việc sáng tạo. Họ không tham vấn ai là người đủ năng lực làm điều đó”, ông Vinh nói.
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh đưa ý kiến: “Rõ ràng là nhà quản lý muốn không còn sự lộn xộn. Nhưng nếu giảm lộn xộn thì thiếu gì cách. Đằng này, họ lại chọn cách đổ khuôn một loạt những cửa hàng, trông xấu như nhau. Bạn sẽ nghĩ thế nào khi ra đường và nhìn thấy một loạt người như sinh sản vô tính, thậm chí như là cùng đi thẩm mỹ viện theo một khuôn. Nó giống nhau và giống cái xấu”.
Cũng theo ông Thanh, chỉ nên kiểm soát về những vấn đề an ninh, an toàn cảnh quan, chẳng hạn việc che tầm nhìn, độ phản cảm về văn hóa thôi. “Bản thân sự đa dạng đó chính là cái hay, là văn hóa chứ có phải đa dạng không hay đâu”, ông nói.
Về việc đồng bộ hóa biển hiệu ở đây, theo ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh văn phòng UBND TP.Hà Nội, Sở VH-TT đang tập hợp ý kiến thêm để báo cáo UBND TP. Về việc xem xét nhân rộng mô hình tuyến phố này, ông Thịnh cũng cho biết đang giao cho Sở VH-TT chủ trì.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.