Tài xế Grab tụ tập phản ứng mức khấu trừ mới do tăng thuế VAT

Mai Hà
Mai Hà
07/12/2020 17:27 GMT+7

Hàng trăm tài xế từ sáng nay, 7.12, đã tụ tập trước trụ sở của Grap tại Hà Nội ở phố Duy Tân (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) để phản ứng Grab áp tăng thuế VAT.

Trên một số hội nhóm Facebook, nhiều tài xế Grabbike đã kêu gọi tắt ứng dụng, ngừng chạy để phản ứng tỷ lệ chiết khấu tăng cao. Lực lượng chức năng đã có mặt tại nhiều tuyến đường để giữ trật tự, yêu cầu các tài xế không được tụ tập. 
Trước đó, Grab cho biết, từ 5.12, ứng dụng này sẽ tăng giá 5 - 6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên cả nước, sau khi thuế VAT tăng theo Nghị định 126/2020.
Theo đó, trước đây, tài xế chỉ đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu thu về. Tuy nhiên, theo Nghị định 126/2020, các ứng dụng gọi xe như Grab, Gojek sẽ phải kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán cho mỗi chuyến xe.
Phần tăng thêm này được Grab chia cho cả tài xế và khách hàng thanh toán cùng chịu, theo đó, tỷ lệ chiết khấu với tài xế sẽ tăng lên và giá cước xe cũng tăng. Thuế VAT 10% và thuế thu nhập cá nhân 1,5% sẽ được khấu trừ chung với phí sử dụng ứng dụng, trên mỗi chuyến xe.
Dù phí sử dụng ứng dụng không thay đổi, nhưng mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế sẽ tăng lên lần lượt là 28,3% và 32,8%, tùy từng đối tác tài xế.

Tài xế Grabbike diễu hành livestreams phản ứng việc ứng dụng này tăng chiết khấu

Ảnh cắt từ clip

Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ chiết khấu đã nhận phải phản ứng gay gắt từ các tài xế Grab. Sáng và trưa nay, 7.12, nhiều tài xế đã tụ tập trước trụ sở doanh nghiệp này tại phố Duy Tân (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) để gửi đơn kiến nghị Công ty TNHH Grab chỉ giữ mức ứng dụng 20% thu về, đồng thời áp dụng tất cả các chính sách an sinh của nhà nước cho tất cả các tài xế đã đủ điều kiện là nhân viên chính thức.
Đơn kiến nghị tập thể này cũng yêu cầu Grab trả lại toàn bộ phí sử dụng ứng dụng đã thu chênh lệch từ ngày 5.12 đến nay (chênh lệch 7,23% so với trước kia) cho tài xế.
Đây không phải là lần đầu tiên các tài xế Grab kêu gọi tắt ứng dụng phản đối mức tăng chiết khấu. Việc này đã xảy ra nhiều lần trong các năm 2018, 2019, khi mức tăng chiết khấu của Grab tăng nhanh chóng kèm theo việc cắt giảm nhiều ưu đãi với tài xế hơn. 
Sau một thời gian dài hoạt động tại Việt Nam, dù chia sẻ thị trường cho các ứng dụng gọi xe khác như Gojek, Be,... song Grab vẫn là ứng dụng chiếm thị phần lớn nhất, với nhiều đối tác tài xế nhất. Không chỉ mức chiết khấu với tài xế, và nhiều lần tăng giá cước, nhiều loại phí khác cũng được ứng dụng này áp lên khách hàng, như phụ phí từ 11 giờ tối đến 6 giờ sáng, các loại phí nền tảng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.