Tài xế xe ôm công nghệ bị cướp đâm chết: 'Khó nhận biết được cướp'

22/02/2021 19:39 GMT+7

Từ vụ tài xế xe ôm công nghệ bị một tên cướp đâm chết giữa đường vào tối mùng 1 tết hòng cướp xe máy. Nhiều tài xế cho rằng khó nhận biết được cướp và hãy tự bảo vệ tính mạng mình.

Hồi 21 giờ 20 ngày 12.2 vừa qua (tức mùng 1 Tết Tân Sửu 2021), khi đang trực tại cổng bệnh viện, anh Nguyễn Quốc Thành (nhân viên bảo vệ của Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 2, P.12, Q.5, TP.HCM) nghe tiếng truy hô cướp, cướp.
Anh Thành nhìn qua phía bên kia đường thì thấy Lý Hồng Quang (49 tuổi, thường trú Q.4) đang dùng dao bấm liên tục đâm nhiều nhát vào anh L.H.N (29 tuổi, thường trú huyện Bình Chánh; là tài xế xe ôm công nghệ) để cướp xe máy.
Sau nhiều nhát đâm, nạn nhân bị gục ngay tại chỗ. Tên cướp lấy chiếc xe máy của nạn nhân, định tháo chạy thì bị anh Thành dùng gậy tre lao tới, khống chế bắt giữ. Theo cơ quan công an, do anh N. bị tên cướp đâm vết thương quá nặng nên đã tử vong.

Bàng hoàng vụ tên cướp đâm chết tài xế xe ôm công nghệ Gojek ngay mùng 1 tết

Tài xế xe ôm bị tên cướp quật ngã trên đường

Cũng theo ghi nhận từ camera an ninh, tài xế xe ôm công nghệ khi chở khách đến cổng bệnh viện tên cướp bất ngờ vật tài xế xuống đường. Dù tài xế ra sức chống trả, giữ lấy xe nhưng trước sự tấn công của tên cướp, anh chỉ có thể chạy và né đòn. Không may, trong lúc giằn co tài xế xe ôm đã bị tên cướp đâm nhiều nhát dao vào người.

"Xe máy là tài sản, nhưng tính mạng quan trọng hơn"

Sau khi xem lại tình huống trong video clip nói trên, đa phần các tài xế xe ôm công nghệ trẻ đều cho rằng việc cướp giật với giới tài xế xảy ra không hiếm. Anh Nguyễn Thành Nhân (tài xế xe ôm công nghệ, ngụ đường Lê Quang Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Trường hợp này nếu là tôi thì nên bỏ chạy, la lớn rồi báo công an đến xử lý. Xe máy là tài sản, anh em chạy xe ai cũng tiếc nhưng tính mạng quan trọng hơn. Mất còn có thể mua xe mới chứ mất tính mạng thì coi như không còn gì”.
Cũng theo anh Nhân, tuy chỉ vừa vào nghề trong thời gian ngắn nhưng khi chạy xe đã học hỏi kinh nghiệm từ những anh em đi trước. Anh Nhân chỉ chọn chạy xe ban ngày, tránh làm việc về đêm bởi ban đêm là thời điểm lý tưởng cho những đối tượng cướp giật hoạt động.
Tuy vậy, theo anh Nhân không có nghĩa ban ngày sẽ không gặp nguy hiểm. Những lúc nghi vấn đó, Nhân xem xét hành trình, nếu khách có biểu hiện đi đến nơi vắng vẻ sẽ tìm cách từ chối khéo. Hoặc chỉ dừng ở nơi đông người, tránh chạy vào nơi vắng vẻ theo yêu cầu của khách.
Làm nghề xe ôm công nghệ đã được 4 năm nhưng anh Lương Văn Chiến (ngụ đường Trịnh Quang Nghị, Q.8, TP.HCM) cho rằng rất khó biết được ai là khách ai là người xấu. Sở dĩ như vậy vì khi bắt xe hành khách ai nấy cũng đàng hoàng lịch sự.
“Về cướp giật thật sự là hên xui, không loại trừ ngành nghề nào hay bất kỳ ai. Tuy nhiên, nghề tài xế xe ôm sẽ gặp rủi ro nhiều hơn, nên chúng tôi chấp nhận chuyện đó có thể xảy ra với mình. Anh em tài xế chỉ có cách phòng tránh chứ khó nhận biết được việc không may”, anh Chiến nói một cách thận trọng.
Theo anh Chiến, những anh em chạy xe chuyên nghiệp thường ít khi chạy đêm. Tài xế chạy xe đêm thường là người đi làm thêm hoặc mới vô nghề. Khi có cuốc đêm họ rất mừng, tiền cuốc xe cao, ít khi phán đoán tình huống, nơi sẽ đến và ít kinh nghiệm xử lý. Do đó, mỗi lần nhận cuốc đi xa, anh Chiến thận trọng, xem nơi đến để phán đoán có nên nhận cuốc hay không...

Hiện nay nhiều người trẻ làm thêm bằng cách chạy xe ôm công nghệ 

“Tốt nhất khi phát hiện hung thủ có dao nên bỏ xe chạy thật nhanh. Trên các app có nút gọi khẩn cấp nên khi gặp chuyện tài xế nên áp dụng chuyện này để bảo vệ mình”, anh Chiến cho hay.

Bình tĩnh, tự bảo vệ mình

Hiệp sĩ Nguyễn Văn Hoàng (Đội trưởng đội hiệp sĩ Q.Tân Bình, TP.HCM) cho rằng các đối tượng cướp giật hiện nay rất khó nhận biết. Tùy theo góc nhìn, kinh nghiệm của mỗi tài xế sẽ phán đoán khách đi xe của mình thuộc đối tượng nào. Việc phán đoán này cũng chỉ là vô chừng, cảm tính.
Nói như vậy, với đối tượng cướp không có nghĩa hết đường nhận biết. Theo anh Hoàng, đối tượng cướp thường có hành vi khác với người bình thường ở ánh mắt và cử chỉ lắm lét. Trong đôi mắt luôn có biểu hiện của sự gian xảo. Mắt thường nhìn trước sau, thường xuyên quan sát tài xế, tình hình đường sá để tiện việc ra tay.
“Khi xảy ra sự việc bị cướp tài xế xe ôm nên bình tĩnh, nếu bị kề dao vào người hay bị khống chế không nên phản kháng. Làm theo yêu cầu của tên cướp để chờ thời cơ đối tượng mất cảnh giác, tài xế đẩy xe, tháo chạy rồi la lớn cho nhiều người đến giúp. Nếu đường không có người càng không nên áp sát tên cướp”, anh Hoàng chia sẻ.
Cũng theo anh Hoàng, đừng chăm chăm bảo vệ tài sản sẽ dẫn đến nguy hiểm tính mạng bản thân. 

Cảm phục tinh thần dũng cảm của anh bảo vệ

Nguyễn Đức Huy (sinh viên năm 4, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết sau khi xem thông tin về anh Nguyễn Quốc Thành (nhân viên bảo vệ của Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 2), Huy cảm phục hành động dũng cảm này của anh. Huy nói thêm: “Tinh thần không sợ nguy hiểm của anh Thành thật đáng khâm phục”.
Lư Dư Thảo (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) bày tỏ: “Mình rất cảm phục hành động nghĩa hiệp của anh nhân viên bảo vệ đã không ngại hiểm nguy ra tay khống chế, giúp lực lượng chức năng nhanh chóng bắt giữ đối tượng phạm tội...”.
Thảo bày tỏ thêm, hành động dũng cảm của anh bảo vệ chính là tấm gương sáng để những người trẻ như Thảo noi theo.
  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.