Tám chuyện bấm còi xe

12/04/2015 08:00 GMT+7

Vlog Chuyện giao thông của nhóm Đu Đồ Đút (Doodle Dude) được dân mạng yêu thích không chỉ vì hài hước mà còn phản ánh những thực trạng đang tồn tại của giao thông VN.

Vlog Chuyện giao thông của nhóm Đu Đồ Đút (Doodle Dude) được dân mạng yêu thích không chỉ vì hài hước mà còn phản ánh những thực trạng đang tồn tại của giao thông VN. 

Những hình ảnh trong vlog Chuyện giao thông
“Mổ xẻ” giao thông VN
Đu Đồ Đút được xem là những anh chàng vlogger bí ẩn nhất trong làng vlog Việt. Bởi những sản phẩm vlog của Đu Đồ Đút không bao giờ có sự xuất hiện của chính tác giả mà nhóm chọn cách vẽ minh họa bằng bút lông, bảng trắng để diễn đạt vấn đề. Được biết Đu Đồ Đút gồm hai thành viên cùng 24 tuổi, người vẽ đang du học tại Mỹ, chịu trách nhiệm về hình ảnh. Còn người đọc là du học sinh Singapore, có nhiệm vụ lồng tiếng và đảm nhận phần âm thanh nền cho vlog. Đu Đồ Đút để lại ấn tượng với dân mạng qua những vlog như: Lì xì thì làm gì, Muốn lấy vợ thì làm gì, Ôn thi thì làm gì, Hè thì làm gì...
Vlog được minh họa bằng những nét vẽ đơn giản, mượn câu chuyện của một học sinh kể về trường lớp. Người xem không thể nhịn được cười với những ví von vô cùng hài hước trong vlog, kiểu như “trường học cũng giống như ở ngoài đường. Có đứa thì gầy đứa thì béo. Có những đứa thích thể thao, có đứa thì lười” (ý nói hình dáng mỗi loại xe, kiểu xe ở ngoài đường là khác nhau - PV).
Tuy nhiên, bên cạnh những tiếng cười sảng khoái, người xem sẽ thấy trong vlog này cả những vấn đề đáng buồn của giao thông tại VN đã và đang tồn tại.
Đó là tình trạng không ít xe buýt vô tư phóng nhanh, vượt ẩu, trở thành hung thần trong mắt mọi người. Khi thấy xe buýt, ai nấy đều sợ nên phải nhường đường. Hay một bộ phận cảnh sát giao thông thi hành công vụ có những lúc chưa minh bạch…
Nhưng điểm nhấn đáng chú ý nhất của vlog chính là đoạn: “Có những đứa thì còi rất to, có những đứa thì mãi mới thấy còi bé tí, có những đứa thì to nhưng còi rất bé, có những đứa thì bé nhưng còi rất to… Có những đứa cần thì mới bấm còi, có những đứa thích là bấm”. Người nghe tủm tỉm cười bởi những so sánh hài hước, thú vị. Thế nhưng khi suy ngẫm lại, những câu chữ ấy đã đề cập đến vấn nạn bấm còi xe bừa bãi. “Thoạt nghe tưởng chừng là một câu chuyện của con nít, một câu chuyện gây cười, thế nhưng đó là cười ra nước mắt. Rất đồng tình với tác giả khi nói về thực trạng bấm còi ầm ĩ của một bộ phận người tham gia giao thông như hiện nay”, thành viên Vân Trường bình luận trên Facebook.
Đu Đồ Đút cho biết thực hiện vlog này với mong muốn “vì một văn hóa giao thông tốt đẹp hơn ở VN”, hy vọng ý thức tham gia giao thông của mọi người tốt hơn.
Gây nguy hiểm cho người khác
Nhiều thành viên đồng tình với những vấn đề “đặc sắc” của giao thông VN mà vlog Chuyện giao thông đề cập, đặc biệt là nạn bấm còi xe vô tội vạ. Đây cũng là đề tài dân mạng “tám chuyện” với nhau.
“Mỗi lần hết giờ làm về. Sau một ngày mệt nhọc mà nghe bấm còi ầm ĩ là muốn điên luôn. Mà lạ lắm, nhiều người không có ý thức, bấm còi tùy thích”, thành viên Lan Hương ta thán trên fan page Người lịch sự không bóp còi inh ỏi.
Thành viên Quốc Thiên bổ sung: “Người VN bấm còi tùy thích. Bấm liên tục để có thể vượt qua những phương tiện khác. Thậm chí có người bấm còi liên hồi để tạo thành… giai điệu nhạc. Hay có người (hoặc tài xế ô tô) cố ý bấm còi cho người khác hết hồn”.
Tương tự, thành viên Lê Văn cho rằng có những người sử dụng còi xe rất “không đúng lúc đúng chỗ”, như khi đang dừng đèn đỏ, hay khi đang bị kẹt xe đông nghịt, hoặc đang lưu thông khó khăn trên tuyến đường bị ngập nước… mà người ở phía sau vẫn bấm còi inh ỏi.
Trên fan page K0 còi, thành viên Hoàng Quý nhận định bấm còi xe vô tội vạ, bừa bãi không chỉ gây ra tình trạng ô nhiễm tiếng ồn mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.
Bình luận
“Hãy là một người tham gia giao thông có văn hóa. Bắt đầu từ việc hạn chế bấm còi xe”. (Trần Hà/Facebook)
“Tiếng còi xe đang bị lạm dụng quá nhiều. Mỗi người lái xe cần tiết kiệm tối đa những tiếng còi”.(vungocduong/tinhte.vn)
“Không ít mâu thuẫn, thậm chí dẫn đến đánh nhau chỉ vì tiếng còi xe. Chính vì thế chúng ta đừng bấm còi xe vô tội vạ”. (Lê Văn Thắng/Facebook)
“Bấm còi một cách tùy thích là xúc phạm người khác”. (Hoanh Le/YouTube)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.