Tâm dịch Trung Quốc giờ ra sao?

13/05/2021 08:00 GMT+7

Từ nơi khởi phát của đại dịch Covid -19, Trung Quốc giờ chỉ đứng thứ 96 trên thế giới về số ca nhiễm và tuyên bố không còn nơi nào được xem là vùng dịch.

Tháng 12.2019, các ca bệnh viêm phổi lạ xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc và chỉ một thời gian ngắn đã lan ra khắp nơi trên thế giới, trở thành đại dịch mà đến nay vẫn là nỗi ám ảnh toàn cầu.

Mơ hồ số liệu

Ngày 12.5, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) báo cáo 16 ca bệnh Covid-19 mới, đều là người về từ nước ngoài, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 90.799 với 4.636 ca tử vong. Từ ngày 22.4 đến nay, nước này không xác nhận ca nhiễm trong cộng đồng nào. Trên thực tế, mỗi ngày Trung Quốc vẫn chính thức ghi nhận trên dưới 10 ca dương tính Covid-19 không biểu hiện triệu chứng, nhưng những trường hợp này không được chính quyền Bắc Kinh tính là ca bệnh mà gọi bằng thuật ngữ “ca không triệu chứng”.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các ca nhiễm không triệu chứng vẫn có khả năng lây bệnh, vì vậy có nghi ngờ Trung Quốc chưa ghi nhận chính xác tình hình Covid-19 trong nước. Giáo sư Stanley Rosen của Đại học Nam California (Mỹ) bình luận với Fox News: “Rất khó để biết được số liệu Trung Quốc đưa ra chính xác đến mức nào. Sự sai lệch có thể đến từ các quan chức địa phương”.

Trung Quốc đạt "đỉnh cao" ngăn chặn Covid-19 bằng đường phân cách trên Everest

Trung Quốc từng bị các nước bên ngoài cho là giấu giếm thông tin ở giai đoạn đầu đại dịch. Nước này từng điều chỉnh số người tử vong vì Covid-19 ở Vũ Hán từ 2.579 thành 3.869, tức tăng gấp rưỡi, hồi tháng 4.2020. Ngoài ra, nghiên cứu công bố hồi tháng 6.2020 của Mỹ về cơ sở hỏa táng ở Vũ Hán cho thấy 36.000 người đã tử vong, gấp 10 lần con số chính thức Trung Quốc đưa ra. Đài CNN dẫn các nghiên cứu trong nước công bố tháng 12.2020 chỉ ra rằng số người mang SARS-CoV-2 ở Trung Quốc có thể cao hơn nhiều so với những gì được ghi nhận. Theo đó, khoảng 500.000 người ở Vũ Hán có thể đã mắc Covid-19. Vào tháng 2, Trung Quốc cũng bị cáo buộc từ chối cung cấp dữ liệu cho nhóm điều tra Covid-19 của WHO.

Cuộc sống đã quay lại bình thường ?

Dù còn nhiều hoài nghi nhưng phần lớn hoạt động trong nước ở Trung Quốc đã được khôi phục. Bộ Văn hóa và Du lịch nước này ước tính sẽ có hơn 4 tỉ chuyến đi được thực hiện trên khắp Trung Quốc vào năm 2021. Trong kỳ nghỉ lễ từ ngày 1 - 5.5 vừa qua, hàng trăm ngàn du khách đã chen chúc nhau trên các bậc thang ở Vạn Lý Trường Thành. Nhà ga, bến tàu, sân bay và các địa điểm du lịch nổi tiếng tại những nơi từng là tâm dịch như Vũ Hán, Bắc Kinh đều đông đúc.
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Vũ Ngọc Bích, sống ở Vũ Hán từ năm 2018 đến nay, cho biết: “Nhịp sống tại thành phố này đã trở về bình thường từ tháng 6.2020. Phố đi bộ ở đây đã mở cửa lại từ lâu và rất đông người đến vui chơi”. Theo chị Bích, chính quyền tại đây vẫn phòng dịch nghiêm ngặt. Tại nơi công cộng như bến xe, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang và được kiểm tra. Những nơi này cũng có máy quét thân nhiệt tự động. “Ngoài việc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài, tôi thấy cuộc sống không khác gì lúc chưa có dịch”, chị Bích nhấn mạnh.
Cũng theo chị Bích, ý thức của người dân Vũ Hán trong thời gian phong tỏa trước đây rất tốt và chính quyền thường xuyên xét nghiệm Covid-19. Nhân viên y tế đã được tiêm vắc xin Covid-19 từ lâu, còn người dân Vũ Hán bắt đầu được chủng ngừa từ 2 tháng trước.

Tiệc bể bơi đông người ở Vũ Hán cho thấy "thắng lợi chiến lược" trước Covid-19

Sau bài học từ Vũ Hán, Trung Quốc áp dụng triệt để biện pháp nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, xét nghiệm diện rộng và có thể phong tỏa ngay mỗi khi xuất hiện ca nhiễm hoặc cụm lây nhiễm. Để ngăn Covid-19 từ bên ngoài xâm nhập, Trung Quốc áp dụng cấm nhập cảnh với tất cả người nước ngoài từ tháng 3.2020, sau đó nới lỏng có điều kiện. Hiện Trung Quốc chỉ cho phép hành khách từ 23 quốc gia (trong đó có Việt Nam) nhập cảnh để làm việc, đoàn tụ gia đình, hoặc công dân, người cư trú tại Trung Quốc quay về. Theo CNN, tất cả đối tượng trên phải xuất trình được chứng nhận tiêm đủ vắc xin do Trung Quốc hoặc Mỹ sản xuất cách đó ít nhất 2 tuần, có 2 kết quả xét nghiệm âm tính (PCR và kháng thể) trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành. Hôm 9.5, Trung Quốc tuyên bố lập “dải phân cách” trên đỉnh Everest để ngăn dịch lây lan từ người leo núi bên phía Nepal. Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh tiêm vắc xin với mục tiêu chủng ngừa cho 40% dân số (khoảng 560 triệu người) trước tháng 6. Trung Quốc đến nay đã tiêm hơn 330 triệu liều, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.