Tam giác vàng và đường dây ma túy xuyên quốc gia - Kỳ 2: Ma túy - cung và cầu

27/09/2005 23:18 GMT+7

Tam giác vàng cạn kiệt? Một vài quan chức cao cấp tự hỏi, có phải việc trồng cần sa trong vùng Tam giác vàng đang cạn kiệt dần hay người ta đang chuyển đổi sang một phương thức buôn lậu ma túy mới trong khu vực?

Theo các chuyên gia Ủy ban Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (ODC), việc trồng cần sa sẽ phải sớm biến mất khỏi Tam giác vàng. Thái Lan đã bắt đầu truy quét được một thời gian; năm nay Lào cũng đã thành công trong việc giảm một diện tích trồng ma túy khá lớn; và Myanmar cũng đang đi theo hướng này. Một cuộc điều tra chung do các nước trong vùng và Myanmar thực hiện năm vừa qua cũng cho thấy diện tích trồng cần sa đã giảm được một phần ba, còn lại khoảng 30.900 mẫu. ODC đã khẳng định, nhịp độ hiện nay và việc giảm sản xuất ma túy hằng năm trong vùng cho phép dự đoán khả năng hoạt động sản xuất ma túy sẽ biến mất tại vùng Tam giác vàng, khép lại chương bi thảm nhất trong lịch sử.

Đó hẳn là một tin tốt lành. Thế nhưng, không phải tất cả các dự đoán đều lạc quan như thế. Thực sự, nhu cầu sử dụng ma túy vẫn còn rất lớn tại châu Á. Cũng theo ODC, trong năm 2004, sự khan hiếm nha phiến và bạch phiến tại Tam giác vàng gần như đã làm giá của mặt hàng này tăng gấp đôi trong khu vực. Trong những năm vừa qua, UWSA và hội Tam hoàng 14K có thể đã lập những kho dự trữ bạch phiến lớn, nhờ đó hiện nay bọn chúng có khả năng cung cấp hàng trắng cho một thị trường béo bở đang khát hàng. Và vì vậy các cuộc truy quét vẫn tiếp diễn. Vào tháng giêng, hải quan Campuchia đã bắt được một tên buôn lậu ma túy từ Singapore với 8kg ma túy bó chặt quanh đùi. Cũng cùng thời điểm đó, Myanmar đã bắt tên trùm ma túy Ma Sunshu và giao hắn cho chính quyền Trung Quốc. Yang Fengrui, người phát ngôn của Bộ Công an Trung Quốc đã khẳng định hiện nay đất nước này có 1,14 triệu con nghiện bạch phiến và các loại ma túy tổng hợp. Số liệu này cho thấy, buôn lậu ma túy và những siêu lợi nhuận từ nó vẫn luôn đầy hấp lực và dường như không bao giờ kết thúc.

Thị trường Đông và Nam Á - những con số biết nói

Đối với những kẻ buôn lậu ma túy, châu Á đang trở thành một thị trường tiêu thụ ngày càng hấp dẫn.

Với thời gian, Thái Lan đã trở thành thị trường quan trọng nhất, đặc biệt là métamphetamine, một loại ma túy tổng hợp. Tờ Bangkok Post cho rằng yaba (thuộc nhóm thuốc lắc) hay còn được gọi là viên nén Thái khét tiếng đã gây ra nhiều tác hại trong một đất nước mà phần đông dân số, đặc biệt là thanh niên, tìm cách thoát khỏi sức ép xã hội rất lớn mà họ phải chịu đựng. Chính vì lý do này mà Chính phủ Thái Lan đã tuyên chiến với bọn buôn lậu ma túy vào năm 2003. Trong những chiến dịch được thực hiện năm đó, cảnh sát đã bắt giữ khoảng 40 triệu viên nén Thái và đưa 750 kẻ buôn lậu ra hầu tòa, 92.500 con nghiện phải xộ khám. Không dưới 1.300 quan chức đã bị bắt vì phạm tội đồng lõa trong những vụ buôn lậu béo bở này. Những chiến dịch trấn áp dường như cũng có chút hiệu lực, thế nhưng, các quan sát viên nhận thấy cơn khát "hàng" trên đất nước đầy biến động này vẫn còn rất lớn.

Tại các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, sức tiêu thụ cũng tăng rõ rệt. Ở Philippines, thuốc lắc ecstasy bán rất chạy trong các câu lạc bộ và quán rượu tại những thành phố lớn, đối tượng tiêu thụ chủ yếu là thanh niên. Ở Indonesia, việc buôn lậu ma túy do người Nepal và châu Phi nắm giữ, họ nhập một phần hàng trắng từ Thái Lan.
Trung Quốc cũng là một thị trường tiêu thụ ma túy khổng lồ. Theo những nguồn chính thức do báo chí Trung Quốc thống kê, năm 2004, Trung Quốc có 791.000 người sử dụng các chất gây nghiện, tăng 7% so với năm trước đó. Hơn 70% người nghiện dưới 35 tuổi, mất 2,7 tỉ euro/năm vào bạch phiến. Vân Nam và Quảng Đông là nơi sức thống trị của ma túy hùng mạnh nhất.

Từ Tam giác vàng đến Lưỡi liềm vàng

Tam giác vàng không chiếm vị trí độc tôn trong mạng lưới cung cấp ma túy toàn cầu vì nó còn phải chia thị phần cho những vùng khác, nhất là Lưỡi liềm vàng - gồm bộ ba Afghanistan, Iran và Pakistan với địa hình núi non là một đường cong lưỡi liềm trên bản đồ. Nước đầu tiên trong khu vực này, Afghanistan, hiện nay là nguồn thuốc phiện chủ yếu của thế giới với mức sản xuất năm 2004 đạt 4.200 tấn. Hai nước còn lại trong khu vực làm địa bàn quá cảnh cho thuốc phiện. Theo các chuyên gia về ma túy, vùng Lưỡi liềm vàng chỉ thật sự đi vào hoạt động vào khoảng năm 1979, thời điểm xảy ra cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran và quân Liên Xô cũ được triển khai tại Afghanistan.

Việc sản xuất thuốc phiện tại khu vực này đã phát triển hết sức nhanh chóng theo một quy mô lớn. Ấn Độ là mắt xích quan trọng giữa Tam giác vàng và Lưỡi liềm vàng. Ma túy, gồm bạch phiến (chủ yếu đến từ Afghanistan) và cocain (từ châu Mỹ Latinh) đã được quá cảnh tại đây để sang Sri Lanka, Trung Đông, Maldives và các nước khác. Tuy nhiên, nước này cũng có "cổ phần" sản xuất riêng trong "vành đai thuốc phiện" bao gồm các vùng Madhya Pradesh, Rajasthan và Đông Uttar Pradesh. Theo nhật báo The Hindu, trước tình hình tiêu thụ cocain ngày càng gia tăng và với nguồn dự trữ bạch phiến dồi dào ở Afghanistan, các tay buôn lậu thuốc phiện nước này đang chuyển sang hình thức trao đổi bạch phiến với thị trường Mỹ hoặc châu u để lấy cocain (1kg cocain đổi được 5kg bạch phiến).

Nhật An
(Theo Courrier International)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.