Tầm nã tội phạm - Kỳ 5: Phút hối cải sau 25 năm trốn chạy

20/07/2012 03:25 GMT+7

Sau 25 năm trốn chạy, Đinh Thế Trị (64 tuổi, quê Xuân Thủy, H.Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) hối hận, quay về thú tội với cán bộ truy nã tội phạm để mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

>> Tầm nã tội phạm: Bước sa chân của một cán bộ phụ nữ
>> Tầm nã tội phạm - Kỳ 2: Cô giáo 17 năm trốn chạy
>> Tầm nã tội phạm - Kỳ 3: Hành trình của kẻ vượt ngục
>> Tầm nã tội phạm - Kỳ 4: Cuộc truy lùng 22 năm

Kẻ trộm cắp và 2 lần đào thoát

Tại cơ quan công an, Trị thành khẩn khai lại toàn bộ hành vi phạm tội cũng như quá trình đào tẩu khỏi trại giam. 29 năm trước, ngày 16.6.1983, Trị đột nhập cửa hàng công nghệ phẩm ở Hoàn Lão, H.Bố Trạch (Quảng Bình) lấy trộm một số tài sản thì bị công an bắt giữ. Chỉ 3 ngày sau, Trị trốn thoát khỏi trại tạm giam công an huyện, rồi lang thang phiêu dạt vào Huế và vẫn không từ bỏ thói đạo chích.

Đinh Thế Trị  
Đinh Thế Trị tại cơ quan công an - Ảnh: T.T

Tại Cầu Hai (Phú Lộc), Trị đột nhập vào cửa hàng công nghệ phẩm lấy trộm đồ, bị bắt và bị TAND tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) tuyên phạt 7 năm tù giam về tội “trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa”, thi hành án tại Trạm giam Đồng Sơn (Quảng Bình).

Ngày 11.11.1985, trong một lần đi lao động chặt cây, lợi dụng sơ hở của cán bộ quản giáo, Trị đào tẩu khỏi trại, rồi vào Tây nguyên. Sau đó, cơ quan công an phát lệnh truy nã Trị.

Trị kể, cuộc sống của một kẻ trốn trại nơi đất khách quê người vô cùng khốn khó, nhiều lúc tưởng chừng như không vượt qua nổi. Vừa phải tránh để lộ thân phận, vừa tìm cách kiếm sống qua ngày; chỉ có cách làm thuê làm mướn, may chăng đủ cơm lót dạ mỗi ngày. Trị cũng không dám làm ổn định một chỗ mà phải thường xuyên xê dịch từ tỉnh này sang tỉnh khác. Cuối cùng, Trị nghĩ ra cách làm ngoại hình khác đi và đổi tên thành Đỗ Thế Lâm, rồi đăng ký cư trú tại xã Cư An, H.Đăk Pơ, Gia Lai. Trị xin làm công nhân nhà máy gạch và sống không hôn thú với một nữ đồng nghiệp, rồi sinh con. Thời gian đằng đẵng trôi đi, Trị tránh không nhắc đến chuyện quá khứ, quê hương bản xứ với vợ, con. Sống ở Cư An, Trị không có hàng xóm láng giềng, cũng tuyệt không liên lạc về gia đình ở Quảng Bình.

Người vợ trước và gia đình nghĩ Trị đã mất tích, đi xem bói thầy cũng “phán” Trị đã chết nên họ chọn ngày Trị bị kết án để làm ngày giỗ…

Cuộc điện thoại hối cải

Với nhiều tội phạm truy nã, lực lượng công an phải dùng mưu trí, vũ lực để bắt chúng phải tra tay vào còng, nhưng cũng chính sự cảm hóa, chia sẻ của các cán bộ truy nã là động lực để tội phạm ra đầu thú.

25 năm là quãng thời gian không ngắn với một đời người, nhất là khi phải sống lẩn trốn tha phương. Đến giờ, Trị chẳng nhớ mình đã thức trắng bao nhiêu đêm với nỗi suy tư, sợ hãi. Những đêm ấy, Trị trằn mình muốn tìm một lối thoát cho bản thân. Không ít lần, ý nghĩ ra đầu thú xuất hiện trong đầu, nhưng nỗi sợ đối diện cảnh tù tội đã ngăn cản Trị. Trị cũng không thể bày tỏ với ai, bao nỗi niềm giằng xé trong tâm khảm và thời gian cứ thế trôi đi…

Một ngày đầu tháng 9.2010, điện thoại bàn làm việc của thượng tá Nguyễn Hà Đông, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Quảng Bình, đổ chuông. Đầu dây bên kia chính là Đinh Thế Trị, người mang án truy nã đang lẩn trốn ở một phương trời nào đó không ai hay. Lần gọi này, giọng của Trị xem ra ăn năn, cầu khẩn lắm và quyết tâm ra đầu thú để mong hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Vẫn giữ giọng nhẹ nhàng, khuyên răn có tình có lý, vị cán bộ truy nã đã nói chuyện rất nhiều với Trị. Đầu dây bên kia, Trị xin được một lần gọi tên thật của mình và hẹn ngày về để đặt chân lên mảnh đất quê hương.

Trước đó, một số lần Trị đã gọi điện về tâm sự với thượng tá Đông, nhưng dường như tâm lý chưa ổn định nên sau đó Trị lặn biệt tăm. Đã nhiều lần trinh sát lần theo số điện thoại mà Trị gọi về, nhưng tung tích của Trị vẫn là ẩn số.

Vài ngày sau cuộc điện thoại với thượng tá Đông, tại phòng làm việc của PC52, Công an Quảng Bình xuất hiện một người đàn ông dáng gầy nhỏ, da nhăn nheo, nếp nhăn hiện đầy trên khuôn mặt với đôi mắt sâu phờ phạc, rụt rè, lo lắng. Người đó chính là Đinh Thế Trị.

Sau khi hoàn tất thủ tục hồ sơ, Trị tâm sự với cán bộ truy nã: “25 năm qua, cuộc sống của tôi đầy tủi nhục, day dứt; lúc nào cũng thấy mệt mỏi vì nơm nớp lo sợ, phải trốn chạy, lừa dối vợ con và với chính bản thân mình. Giấc ngủ lúc nào cũng đầy sợ hãi khi cứ nghĩ đến cảnh một ngày bị bắt… nên tôi quyết định trở về đầu thú”.

Trò chuyện với chúng tôi về trường hợp này, đại úy Hoàng Tiểu Phương (PC52 - Công an Quảng Bình) vui vẻ tâm sự: “Đơn vị vừa thành lập được mấy ngày thì Đinh Thế Trị ra đầu thú. Thời gian ông lẩn trốn rất lâu vì thiếu hiểu biết nên khi được chúng tôi tâm tình, ông đã nhận ra đúng sai, và trở về với lẽ phải”.

Được miễn chấp hành án

Ngày 13.9.2010, Trại giam Đồng Sơn đã có quyết định đình nã đối với Đinh Thế Trị. Ngày 15.12.2010, Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình có quyết định miễn chấp hành hình phạt 7 năm tù về tội “trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa” tại bản án hình sự sơ thẩm ngày 26.7.1985 của TAND tỉnh Bình Trị Thiên đối với Đinh Thế Trị. Quyết định này căn cứ các quy định hiện hành; đồng thời theo đề nghị của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình và của Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh Quảng Bình xét thấy Đinh Thế Trị đủ điều kiện được miễn chấp hành hình phạt tù...

Sau khi nhận được quyết định khoan hồng, Trị về quê nhà ở Lệ Thủy, thăm viếng gia đình họ hàng, làng xóm. Tất cả mọi người ở quê đều vô cùng ngạc nhiên. Nhiều người sững sờ khi nghe Trị kể về hành trình trốn chạy và sự bao dung của luật pháp; có người còn không tin đó là sự thật. Nhưng dần dà mọi người cũng hiểu và thông cảm cho chặng đường lầm lỡ của Trị.

Ở quê nhà được một thời gian, Trị trở lại Gia Lai sinh sống với vợ và con. Trước khi rời Quảng Bình, ông không quên cảm ơn các cán bộ PC52 Công an Quảng Bình, những người đã làm cầu nối cho ông trở lại con người thật, trở lại với ánh sáng xã hội.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.