Tầm soát và điều trị miễn phí cho bệnh nhân viêm gan C kiểu gen 1

04/11/2017 11:00 GMT+7

Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã chính thức triển khai “Chương trình thí điểm quản lý toàn diện người bệnh viêm gan siêu vi C (VGSV C)”.

Theo đó, hơn 1.000 người dân thuộc đối tượng khó khăn tại tỉnh Kiên Giang - nơi thí điểm đầu tiên đã được khám sàng lọc miễn phí tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang.
Vượt qua ám ảnh VGSV C
Cơ thể phải hứng chịu những đau đớn vì những tác dụng phụ của thuốc, quá trình trị liệu kéo dài, chi phí cho việc khám và chữa bệnh ngày một cao là những ám ảnh mà người bệnh VGSV C gặp phải, nhất là những người có gia cảnh khó khăn, điều kiện kinh tế hạn chế. Vì thế, thay vì điều trị đến cùng, nhiều bệnh nhân phải bỏ dở điều trị khiến bệnh biến chứng thành xơ gan, ung thư gan. Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có số ca mắc viêm gan vi rút B và C ở mức cao nhất, đứng thứ 9 trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Do vậy, "Chương trình thí điểm quản lý toàn diện người bệnh VGSV C" là sự kiện đánh dấu sự quyết tâm của ngành y tế Việt Nam trong cuộc chiến đấu phòng chống bệnh VGSV C.
Bước đầu, Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế phối hợp với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang và Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang tổ chức thí điểm tại tỉnh Kiên Giang. Cho đến nay, trong vòng chưa đầy 3 tháng, đã có hơn 1.000 đối tượng nghèo hoặc cận nghèo tại tỉnh Kiên Giang được tầm soát bệnh VGSV C miễn phí.
Trước năm 2015, việc điều trị VGSV C có thể nói gặp khá nhiều khó khăn vì thông tin về bệnh hạn chế, phác đồ điều trị không đa dạng và thời gian điều trị kéo dài, tác dụng phụ của thuốc gây đau đớn và gánh nặng kinh tế là những trở ngại khiến nhiều bệnh nhân bỏ điều trị giữa chừng. Tuy nhiên, với "cuộc cách mạng" đẩy lùi căn bệnh VGSV C do Bộ Y tế khởi xướng, các bệnh nhân sẽ được thực hiện phác đồ điều trị DAAs, chi trả bảo hiểm... Với cơ hội mở ra như vậy, căn bệnh "giết người thầm lặng" này không còn là nỗi ám ảnh đối với những người bệnh.
Bước tiến của y khoa
Không chỉ tiến hành những hoạt động khám và tầm soát VGSV C cho người dân, Bộ Y tế còn phối hợp cùng với Hội Gan mật Việt Nam tổ chức những sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về bệnh VGSV C. Tiêu biểu là sự kiện "Yêu lá gan" diễn ra đã diễn ra vào ngày 29.7 tại TP.HCM và ngày 5.8 tại Kiên Giang đã thu hút sự chú ý của gần 1.000 người tham dự. Tại sự kiện, người tham dự đã được tham gia tư vấn với các chuyên gia y tế, bác sĩ đầu ngành cùng các khách mời về bệnh VGSV C. Thông qua đó, người dân được trang bị kiến thức về bệnh, lịch trình khám định kỳ để rà soát bệnh, cách phòng tránh hiệu quả cũng như cách chăm sóc bệnh nhân và các phác đồ điều trị tối ưu.
TS-BS Đinh Quý Lan - Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam chia sẻ: “VGSV C là căn bệnh vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của đa số chúng ta, cũng như, đa số chúng ta vẫn còn có rất nhiều những ngộ nhận, những hiểu lầm về căn bệnh trầm kha này, khiến cho số người mắc mới mỗi năm vẫn tăng cao, cũng như phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh VGSV C vẫn chưa có đủ thông tin để tiếp nhận đầy đủ các liệu trình điều trị tốt nhất cho bản thân”.
TS-BS Đinh Quý Lan (đứng thứ 3 từ bên trái) chia sẻ: Người dân vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về bệnh VGSV C, khiến tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng
TS-BS Đinh Quý Lan (đứng thứ 3 từ bên trái) chia sẻ: Người dân vẫn chưa có nhận thức đúng đắn về bệnh VGSV C, khiến tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng
Có thể nói, chương trình thí điểm quản lý toàn diện người bệnh VGSV C là sự kiện đầu tiên kết hợp toàn diện các hoạt động từ nâng cao kiến thức của cộng đồng qua các sự kiện thu hút đến năng lực của cán bộ y tế song song với khám chữa bệnh miễn phí cho người dân. Không chỉ vận dụng truyền thông vào công cuộc thay đổi nhận thức của người dân về VGSV C, mà Bộ Y tế còn áp dụng công nghệ thông tin để theo dõi quá trình trị liệu và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ban đầu cho bệnh VGSV C sau này. Đây chính là bước tiến mới trong việc quản lý bệnh VGSV C những nỗ lực không ngừng của ngành y tế Việt Nam và các ban ngành địa phương trong việc chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.