Tâm sự buồn ngày chạy xe cuối cùng của tài xế Uber ở Sài thành

Phạm Hữu
Phạm Hữu
08/04/2018 10:33 GMT+7

Trong ngày cuối trước khi Uber Đông Nam Á thuộc sở hữu của Grab, nhiều tài xế Uber vẫn tranh thủ chạy những cuốc xe đìu hiu, sau đó họ sẽ bỏ nghề hoặc chuyển sang chạy ở công ty khác.

Ngày 8.4, Uber khu vực Đông Nam Á sẽ ngừng các hoạt động kinh doanh và sẽ chuyển giao công nghệ sang nền tảng Grab. Điều này đồng nghĩa với việc các tài xế Uber sẽ không còn hoạt động cùng thương hiệu này.
Trong những ngày cận kề sáp nhập, đường phố Sài Gòn gần như ít hẳn bóng dáng tài xế Uber. Trên ứng dụng Uber, việc định vị tài xế xung quanh cũng đìu hiu hơn.
Người chọn nghỉ chạy, người đổi công ty
Sáng 7.4, chúng tôi đặt một chuyến Uber trên ứng dụng. Mất một lúc lâu, tài xế có tên Phước Trung xác nhận chuyến đi và đến đón. Người này cho biết đây là ngày chạy xe cuối cùng của anh trên danh nghĩa đối tác của Uber. Anh Trung là một trong số ít tài xế còn chạy xe trong ngày 7.4. Vậy nên anh tranh thủ chạy những cuốc cuối cùng đến tận đêm để kiếm thêm thu nhập.
Anh Trung cho biết đã gắn bó với Uber tròn một năm. Từng là một tài xế xe ôm truyền thống, khi công nghệ đặt xe xuất hiện, anh Trung cũng đã "chuyển mình" để mưu sinh. Tuy nhiên, khi biết tin sáp nhập, anh cũng cảm thấy rất buồn nhưng không biết phải làm sao, cảm giác như bị Uber “bỏ con giữa chợ”. Còn những nhóm bạn Uber của anh Trung bây giờ cũng tứ tán, không biết đi về phương nào. Chỉ riêng anh nhất quyết không đầu quân về với Grab, mặc dù được phía Grab nhiều lần kêu gọi.
“Tối nay chạy xong, chắc tôi treo cái áo và nón lên tường để làm kỷ niệm. Có thể tôi sẽ nghỉ chạy và kiếm nghề khác để làm chứ sẽ không về với Grab đâu”, anh Trung chia sẻ.
Còn tài xế Đạt (43 tuổi, ngụ Q.1) cho biết anh vừa là nhân viên giao hàng của một thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng vừa chạy xe Uber. Anh Đạt chọn chạy xe Uber trong những lúc rảnh rỗi để tăng thêm thu nhập. Như để chứng minh cho lời nói của mình, anh móc ngay chiếc điện thoại mở nhật ký rồi khoe: “Tôi mới vừa chạy được một chuyến 30.000 đồng xong đây này. Tuần trước, tôi chạy được đến hơn hai triệu, cũng coi như là có thêm một khoản thu nhập nhỏ cho gia đình”.
Ngày 8.4 Uber chính thức chuyển giao về với Grab Phạm Hữu
Về việc Uber chuẩn bị sáp nhập vào Grab, anh Đạt cũng đã biết từ lâu. Anh vẫn chưa chuẩn bị tinh thần gì về việc này. Tuy vậy, anh nhất định bỏ nghề chứ không đầu quân cho Grab hoặc một Công ty vận tải nào khác.
“Bên Grab chiết khấu cao mà các ưu đãi cho tài xế lại gần như không có. Đôi lúc lại có thái độ không tốt với các đối tác của mình. Tôi thà nghỉ việc, kiếm chuyện làm thêm khác chứ nhất định không chạy cho Grab”, anh Đạt lý giải.
Rồi anh kể: "Bên Uber tôn trọng tài xế lắm. Mỗi dịp lễ, tết thì các tài xế luôn có quà, kèm theo thư cảm ơn vì đã tin tưởng trở thành đối tác của Uber trong khi tài xế Grab thì không có gì. Các nhân viên phòng chăm sóc khách hàng cũng rất thân thiện, niềm nở khi giải quyết một vấn đề phát sinh nào đó".
“Làm việc cho Uber, tôi cảm thấy hài lòng và thoải mái. Chính sự tôn trọng lẫn nhau giữa đôi bên mà tôi cộng tác với họ. Quan trọng nhất là cách đối xử cũng như thiện chí mong muốn cùng nhau sinh tồn đã làm tôi chọn Uber”, anh Đạt chia sẻ.
Ngược lại, anh Văn Cường (43 tuổi, ngụ tại Q.10) cho biết, anh chạy Uber từ ngày dịch vụ xe ôm công nghệ này mới vào Việt Nam. “Tôi chạy Uber đã lâu, hôm qua nghe người ta nói Uber sắp đóng cửa mà tôi không có tin. Sáng nay mới đọc báo, hóa ra là thật”, anh Cường chia sẻ.
Việc chạy xe Uber là công việc chính của anh Cường, vì thu nhập rất tốt. Sau khi trừ đi phần chiết khấu, mỗi tuần anh kiếm được từ 1 đến 2 triệu. Số tiền này đủ cho anh trang trải chi phí sinh hoạt gia đình.
“Tự dưng đùng một cái, Uber ngừng hoạt động mà chuyển sang Grab làm tôi bối rối lắm. Giờ mà chuyển sang chạy Grab thì chắc chắn số tiền kiếm được sẽ không bằng mình chạy cho Uber do chiết khấu cao hơn. Chính việc nắm giữ thị trường lớn của Grab sẽ làm cho tài xế chúng tôi trở nên khó khăn”, anh Cường nói giọng buồn buồn.
Tài xế Uber Phước Trung cố gắng chạy những cuốc xe trong ngày cuối cùng H.T
Anh cho hay, sắp tới cũng chưa biết có tiếp tục chạy xe ôm bằng công nghệ hay không. Giờ nghỉ luôn thì không biết làm nghề gì, mà muốn tiếp tục chạy thì phải chuyển sang Grab. Anh hi vọng, nếu trở thành đối tác với Grab thì mức chiết khấu sẽ không chênh lệch quá nhiều so với Uber trước đây.
Tài xế Grab lo bị cạnh tranh
Ở phía ngược lại, các tài xế Grab dường như cũng lo lắng sau thương vụ giữa Grab và Uber. Nguyên nhân chính là càng nhiều tài xế, thu nhập sẽ giảm dần, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Anh Nhuần (ngụ Q.Thủ Đức) cho biết thời gian đầu, một ngày các tài xế Grab có thể chạy từ 15 đến 20 chuyến, thu nhập đỉnh điểm từ 10 đến 15 triệu đồng mỗi tháng. Thế nhưng, dần dà số chuyến giảm dần, thu nhập của anh Nhuần cũng bấp bênh theo. Cụ thể nhất là trong vòng 1 tuần trở lại anh chỉ chạy được hơn 400.000 đồng, nhưng tuần vừa rồi anh chạy giảm xuống còn 100.000 đồng.
Vì chạy xe Grab là nghề chính nên anh Nhuần cũng rất lo lắng bởi thu nhập như hiện nay không thể đủ trang trải cuộc sống. Nhưng nếu giờ nghỉ chạy, anh cũng không có việc để làm. Anh cũng bày tỏ sự thông cảm với các tài xế Uber chuyển sang vì anh hiểu ai cũng vì miếng cơm manh áo của mình. Anh hi vọng rằng Grab sẽ cải thiện tốt hơn nữa về cả app lẫn ưu đãi cho tài xế để các tài xế yên tâm hơn khi là đối tác của Grab.
Các tài xế được định vị trên ứng dụng Uber ở trung tâm thành phố cũng ít lại vào hôm 7.4 Phạm Hữu
Còn anh Bình (ngụ Q.Thủ Đức) và một số tài xế Grab khác cũng có cùng ý kiến với anh Nhuần khi nhận thấy lượng khách đã giảm dần từ khi có thông tin Grab mua lại Uber Đông Nam Á. Anh Bình tâm sự rằng cả tuần nay, có những ngày anh không có khách. Bên cạnh đó, dù có khách thì cũng chỉ chạy một vài cuốc rất ngắn, tầm 10.000 đến 15.000 đồng.
Còn những tài xế khác cũng than thở rằng gần đây, họ bị hủy chuyến khá nhiều do khách đặt nhưng đã có tài xế gần hơn tới đón hoặc một vài lý do khác. Có trường hợp tài xế Uber đã đăng ký sang Grab nhưng vẫn đồng thời giữ app Uber để chạy, tranh thủ kiếm thêm từ những khách ruột của Uber. Các tài xế cho rằng, dù Grab đang độc quyền, nhưng với lượng tài xế quá đông như hiện nay thì họ không thể có thu nhập cao bằng những ngày trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.