Tâm sự nhận 'mưa tim' của một người ở phố Trúc Bạch phải cách ly

09/03/2020 09:12 GMT+7

“Mọi người yên tâm, tôi sẽ làm đúng theo những gì được yêu cầu vì đây là trách nhiệm với cá nhân và cả cộng đồng”, anh Phạm Quang Long (42 tuổi, ở phố Trúc Bạch) viết.

Anh Long là quản lý một quán rượu vang tại Hà Nội. Do gần nhà với nữ bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17, anh cùng nhiều cư dân sống ở phố Trúc Bạch (Q.Ba Đình, Hà Nội) phải cách ly 14 ngày theo quy định. Tinh thần tự giác, cùng những chia sẻ của anh từ khu cách ly được cư dân mạng thả tim tới tấp.

Phóng viên trắng đêm “chốt” phố Trúc Bạch vì cô gái nhiễm Covid-19

“Không chạy trốn, sẵn sàng cách ly”

Tâm sự ngày 8.3, anh Long viết: “Lúc đầu khi nghe tin có công an quây ở nhà, phản xạ tự nhiên của tôi là trốn chạy, sợ phải cách ly tập trung. Một vài người bạn của tôi cũng bảo trốn đi. Tuy nhiên, sau khi bình tĩnh lại, tôi nghĩ giải quyết xong việc đang dở lúc đấy rồi sẽ về đi cách ly, làm đúng như cơ quan chức năng yêu cầu để phòng chống dịch bệnh”, anh Long nói về cảm giác khi nghe tin mình phải đi cách ly.
Đồ ăn được bệnh viện chuẩn bị kỹ càng cho những người trong khu cách ly

Đồ ăn được bệnh viện chuẩn bị kỹ càng cho những người trong khu cách ly

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Long cho biết, trước khi di chuyển đến khu cách ly, anh sắp xếp công việc cho nhân viên và giải thích vì nhà ở khu Trúc Bạch nên bắt buộc phải đi cách ly. Anh suy nghĩ khả năng mình bị dính Covid-19 dưới 0,1%, vì ngày nào cũng 3 giờ sáng mới về và ra ngoài vào buổi trưa, không tiếp xúc nói chuyện với ai. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, anh chấp hành việc đi cách ly tập trung khi có yêu cầu.
Với suy nghĩ, 14 ngày cách ly sợ nhất là nỗi buồn, anh chuẩn bị đầy đủ mọi nhu yếu phẩm di chuyển đến nơi tập trung và “xách theo cái đàn guitar”. “Về nhà nhét đồ vào vali, tắm rửa sạch sẽ và liên hệ bên phường về việc đã sẵn sàng cách ly. 10 phút sau, xe cứu thương đến đón tôi sang khu cách ly tập trung ở BV Nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh”, anh Long viết.
Anh Long trong khu cách ly tập trung

Anh Long trong khu cách ly tập trung

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chia sẻ với PV Thanh Niên, anh Long cho biết mình đến khu vực cách ly lúc 3 giờ sáng 7.3, được lấy thông tin cá nhân, nằm một mình một phòng ở tầng 8. Ở đây được trang bị đầy đủ ổ cắm điện, wifi, khu vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng.
11 giờ trưa, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, anh Long được đưa sang phòng 4 người, ở cùng em trai và 2 người hàng xóm. Phòng cách ly rộng khoảng 40 m2, được lắp điều hòa và có khu nhỏ để hút thuốc, phơi quần áo. “Nói chung, điều kiện y như đi nghỉ dưỡng. Khi ăn cơm trưa, tôi bất ngờ về độ ngon của cơm. Tôi cam đoan cơm ở đây ngon hơn tất cả cơm bụi vỉa hè. Cơm được bọc trong giấy bạc để giữ nhiệt với 2 món mặn, 1 món xào”, anh Long cho biết.

Phải hủy đám cưới vì gần nhà cô gái bệnh nhân số 17 nhiễm Covid-19

“Đừng nhìn chúng tôi như những vật bị cách ly”

Việc phải sống ở khu cách ly tập trung ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và công việc của anh Long. “Việc phải đi cách ly, tôi có buồn, có bực mình nhưng cố gắng để làm sao vui vẻ nhất. Thật sự tôi muốn chia sẻ, việc cách ly không đáng sợ hay ghê gớm gì hết. Chỉ là sinh hoạt trong một khu vực nhất định, không bị cấm cản về thông tin hay ăn uống không đầy đủ như nhiều người nghĩ”, anh Long cho hay và “khoe” vợ con anh ở TP.HCM thường gọi điện động viên nên anh cũng ấm lòng. Tuy nhiên, trong thời gian này, anh liên tục được khách hàng hỏi thăm tình hình, tỏ ý lo ngại dù không dám nói thẳng.
“Tôi nhận ra tất cả nằm ở 2 từ: cách ly. Hai từ cách ly thật sự nặng nề với những người trong này. Nó như kiểu một thứ gì đó xấu xa, phải cách ly với xã hội, như là những người bệnh, phải giấu mình đi sợ xã hội đấu tố, khinh bỉ, xa lánh. Có nên chăng mọi người nên dùng từ cách ly thành “thực hiện trách nhiệm xã hội”.
Chúng tôi ở đây gò bó, tù túng quanh những bức tường nhưng đó là mình đang làm nhiệm vụ cho cộng đồng. Hoàn toàn không thấy bóng dáng công an hay cảnh vệ trông chừng, các bác sĩ, y tá nhẹ nhàng, không coi chúng tôi là bệnh nhân”, anh Long chia sẻ chân thành; đồng thời nhắn nhủ mọi người phải biết chọn lọc thông tin, đọc những nguồn chính thống, luôn nhìn về những điều tích cực.

Hà Nội sau đêm có những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên

Nếu có lỡ phải cách ly đừng quá lo lắng, chủ động chuẩn bị mọi thứ đầy đủ. “Hãy lan tỏa thái độ tích cực tới những người còn hoang mang, niềm tin và thái độ tích cực là vũ khí quan trọng nhất để chúng ta vượt qua dịch bệnh vào lúc này”, anh Long “đúc kết”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.