Tầm vóc Lê Hoàn - Kỳ 2: Định yên bờ cõi

21/09/2014 13:05 GMT+7

(TNO) "Vua (Lê Đại Hành) đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy" - sử thần Ngô Sĩ Liên.

>> Tầm vóc Lê Hoàn - Kỳ 1 : Mệnh nước

Hình ảnh Lê Hoàn trong sách giáo khoa và trên sân khấu cải lương
Hình ảnh Thập đạo tướng quân Lê Hoàn trong sách giáo khoa - Ảnh tư liệu

Lên ngôi không bao lâu, Lê Hoàn đã phải ra trận. “Vua tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông Chi Lăng. Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Hầu Nhân Bảo, đem chém. Bọn Khâm Tộ nghe tin quân thủy thua trận, dẫn quân về. Vua đem các tướng đánh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chất đầy đồng, bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Từ đó trong nước rất yên” (Đại Việt sử ký toàn thư - ĐVSKTT).

Đây là trận thắng đầu tiên của cuộc chiến tranh vệ quốc giữa một nước Việt độc lập nhưng bé nhỏ và non trẻ chống lại cuộc xâm lăng của một nhà nước Trung Hoa thống nhất, thắng lợi mà sử gia Lê Văn Hưu cho rằng “dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được”.

Chiến thắng lịch sử đó, cùng với những nỗ lực củng cố quốc lực của Lê Hoàn, đã giúp cho đất nước giữ được nền hòa bình gần 100 năm. Đây là bài học quý giá cho công cuộc vệ quốc ngày nay của một nước Việt lớn hơn và dày dạn trận mạc hơn, trước mưu đồ không đổi của một nhà nước Trung Quốc hiện đại hùng mạnh nhất trong lịch sử của họ. Tiếc là ngày nay chúng ta biết quá ít chi tiết về cuộc chiến, mặc dù mấy chục năm gần đây các nhà nghiên cứu đã có nhiều nỗ lực tái hiện.

Sau khi thắng quân Tống, mặc dù biết rõ Chiêm Thành vẫn nuôi ảo mộng xâm chiếm nước ta nhưng Lê Hoàn vẫn tỏ ra hòa hiếu bằng cách cử sứ giả sang Chiêm. Do vua Chiêm bắt giữ sử giả với ý đồ gây chiến, ông tức giận sai đóng chiến thuyền, sửa sang binh khí, rồi thân chinh đi đánh Chiêm Thành, giết chết vua Chiêm, sang phẳng thành trì, đúng 1 năm mới kéo quân về nước. Từ đó Chiêm Thành mới không quấy nhiễu nữa. Ngoài ra, ông còn dễ dàng dẹp yên mọi âm mưu phiến loạn ở trong nước.

Xung quanh cuộc kháng chiến chống Tống có nhiều điều thú vị. Mặc dù tình thế rất ngặt nghèo gấp rút, nhưng Lê Hoàn đã chuẩn bị rất chu đáo, không chỉ về nhân tài vật lực mà còn về tư tưởng. Trong bộ tham mưu của Lê Hoàn, ta thấy có ba vị thiền sư nổi tiếng trong lịch sử: Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh.

Như trên đã nói, Lê Hoàn không nghĩ đến “nhà”, tức không lo làm sao cho họ Lê của ông “hưởng nước lâu dài” như các sử gia thường nhắc tới, mà chỉ lo cho sự tồn vong của đất nước. Bởi thế ông đã hỏi thiền sư Pháp Thuận rằng vận nước dài hay ngắn, làm thế nào để đất nước tồn tại dài lâu. Pháp Thuận đã trả lời ông bằng một bài thơ - bài Quốc tộ (Vận nước) nổi tiếng, là bài thơ có tác giả sớm nhất được biết trong văn học sử:

Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức binh đao

(Vận nước như mây cuốn
Trời nam mở thái bình
Vô vi trên điện các
Xứ xứ hết binh đao
- bản dịch của Lê Mạnh Thát)

Bài Quốc tộ được coi là “Tuyên ngôn hòa bình” của Lê Hoàn, một tuyên ngôn hòa bình giữa lúc đang có chiến tranh.

Lịch sử còn một bài thơ Thần được coi là “Tuyên ngôn độc lập” lần đầu tiên của nước ta, là bài Nam quốc sơn hà được ĐVSKTT ghi là xuất hiện trong thời gian Lý Thường Kiệt đánh Tống. Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu sau khi khảo sát các tài liệu có liên quan, đã đề nghị “trả” bài thơ này về cho thời kỳ Lê Hoàn (*). Quả vậy, Ngô Sĩ Liên ghi bài thơ này vào ĐVSKTT với lời dẫn từ nguồn “thế truyền” (lời truyền trong dân gian), nhưng nguồn thông tin đầu tiên về bài thơ đã xuất hiện trong Lĩnh Nam chích quái (cũng là cuốn sách cổ nhất viết vào thời Trần còn truyền bản), trong đó ghi câu chuyện vua Lê Đại Hành và tướng quân Phạm Cự Lượng đóng quân giữ lũy ở sông Đồ Lỗ để chống quân Tống, cũng là chuyện anh em Trương Hống, Trương Hát hóa thần ứng mộng về hỗ trợ vua đánh giặc, sau đó thần xuất hiện đọc bài thơ Nam quốc sơn hà, khiến cho quân Tống “đại bại rút lui”. Hai cuốn sử viết bằng quốc âm vào thế kỷ thứ 16 và 17 là Việt sử diễn âmThiên Nam ngữ lục cũng ghi nhận như vậy. Do đó có thể Ngô Sĩ Liên đã nhầm lẫn.

Giáo sư Lê Mạnh Thát khẳng định bài thơ Thần chắc chắn xuất hiện vào thời Lê Đại Hành trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 981, nhưng theo ông, dù là thơ Thần đi chăng nữa cũng nhất định phải do con người làm ra, vậy ai có khả năng làm ra bài thơ đó? Trong bộ tham mưu của Lê Hoàn không ai gần gũi vua hơn thiền sư Pháp Thuận, người viết bài thơ Quốc tộ, đồng thời cũng là người giúp vua soạn các văn bản ngoại giao. Đối chiếu với hệ tư tưởng chính trị thời Lê Hoàn và bài thơ Quốc tộ, Giáo sư Thát cho rằng có khả năng chính vua Lê Đại Hành đã đề nghị thiền sư Pháp Thuận viết bài thơ trên để khẳng định chủ quyền nhằm động viên tinh thần quân sĩ và dân chúng ra sức giữ nước.

Điểm cuốn hút nữa, theo Thiền uyển tập anh (một trong những cuốn sách cổ nhất viết vào thời Trần còn truyền bản), trước khi xuất binh Lê Hoàn đã nhờ thiền sư Khuông Việt đến đền thờ Tì Sa Môn Thiên Vương ở núi Vệ Linh để cầu nguyện. “Quân giặc kinh hãi, bèn rút về giữ sông Hữu Ninh. Lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ”. Ta nên bỏ qua điều linh thiêng ghi trong sách, mà cần biết núi Vệ Linh, cũng có tên là núi Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội), chính là nơi tương truyền Phù Đổng  thiên vương sau khi đánh xong giặc Ân đã bay lên trời. Tì Sa Môn thiên vương hay Sóc thiên vương, theo Giáo sư Lê Mạnh Thát, chính là Phù Đổng thiên vương. Mọi người Việt Nam ngày nay đều biết truyện thần thoại Phù Đổng thiên vương thể hiện sức mạnh kỳ diệu toàn dân đánh giặc. Truyện được Ngô Sĩ Liên đưa vào ĐVSKTT, trước đó xuất hiện sớm nhất trong Việt điện u linh tập Lĩnh nam chích quái. Đáng lưu ý, theo Việt điện u linh tập, Phù Đổng thiên vương “hiển thánh” trước thiền sư Đa Bảo, mà Đa Bảo thì trụ trì chùa Kiến Sơ (Hà Nội) trong khoảng những ngăm 980 - 985, thời kỳ đầu vua Lê Đại Hành. Bên cạnh chùa Kiến Sơ hiện nay vẫn còn đền thờ Phù Đổng. Như vậy có thể thấy, truyền thuyết về Phù Đổng thiên vương có thể có từ trước, nhưng đến cuộc chiến tranh vệ quốc năm 891, mới được dựng thành một câu chuyện hoàn chỉnh, có khung thời gian, có đền thờ, nơi đức Phù Đổng sinh ra và nơi ngài về trời. Điều này có ý nghĩa gì? Nó cho thấy Lê Hoàn là ông vua đầu tiên biết sử dụng sức mạnh của hùng thiêng sông núi để huy động toàn dân đánh giặc, đồng thời cũng cho thấy không chỉ có tướng sĩ của triều đình mà có cả đông đảo người dân tham gia chiến tranh vệ quốc, mặc dù sử sách không nhắc tới…

Hoàng Hải Vân

(*) Tham khảo thêm: Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn, NXB Hà Nội, 2005.

>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 6: Cần tôn vinh kênh nhà Lê
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 5: Nơi xuất phát những đoàn quân
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 4: Con đường nam chinh, bắc tuần
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 3: 800 năm đào kênh Sắt
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 2: "Dự án kinh tế - quân sự" của Lê Hoàn
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm: Khởi nguồn cho sự nghiệp nam tiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.