Tầm vóc Lê Hoàn - Kỳ 3: Dựng Hùng triều ngọc phả, ra oai với nhà Tống

22/09/2014 07:00 GMT+7

(TNO) Kỳ trước chúng tôi có nhắc tới 'khung thời gian' của truyền thuyết Phù Đổng thiên vương. Điều này liên quan đến truyền thuyết về thời đại Hùng Vương.

(TNO) Kỳ trước chúng tôi có nhắc tới “khung thời gian” của truyền thuyết Phù Đổng thiên vương. Điều này liên quan đến truyền thuyết về thời đại Hùng Vương.

>> Tầm vóc Lê Hoàn - Kỳ 2: Định yên bờ cõi
>> Tầm vóc Lê Hoàn - Kỳ 1 : Mệnh nước

 
Đài tưởng niệm kênh nhà Lê tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An - Ảnh: Khánh Hoan

Truyền thuyết về họ Hồng Bàng và các vua Hùng chắc chắn đã có từ khi người Việt ta lập quốc, nhưng phải đến thời Trần mới được ghi trong “Lĩnh Nam chích quái”, sau đó đưa vào Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) với 18 đời Hùng Vương. Bối cảnh thời gian của câu chuyện Phù Đổng thiên vương được diễn ra vào đời Hùng Vương thứ 6, nghĩa là nó phải có sau hoặc ít nhất là đồng thời khi có bản Ngọc phả các vua Hùng. Hiện nay chúng ta đang tàng trữ được 4 bản Hùng triều ngọc phả, bản thứ nhất được chép năm Thiên phúc nguyên niên (980) thời vua Lê Đại Hành, bản thứ hai chép thời vua Lê Thánh Tôn (1475), bản thứ ba chép thời vua Lê Kính Tông (1601) và bản thứ tư chép thời vua Khải Định (1919). Như vậy Lê Đại Hành là ông vua đầu tiên dựng Hùng triều ngọc phả, đồng thời với tôn vinh Phù Đổng thiên vương từ một thổ thần làng Phù Đổng lên hàng quốc thần, ngay khi mới lên ngôi và đang chuẩn bị đánh Tống.

Việc dựng lại Hùng triều ngọc phả để khẳng định nguồn gốc dân tộc, khẳng định nước ta là một nước văn minh có chủ quyền từ rất lâu đời, nhất là khi cả nước đang đương đầu với ngoại xâm, là vô cùng quan trọng, vừa để xóa tan tâm lý nhược tiểu, nâng cao tầm vóc dân tộc, vừa để đáp trả thái độ xấc xược của nhà Tống coi nước ta là lãnh thổ phụ thuộc, coi dân ta là một đám man di mọi rợ cần được khai hóa. Đáp trả bằng một nền văn minh đồng thời đáp trả bằng mưu lược, sức mạnh và vũ khí.

Giữa những năm 1960, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra khốc liệt, chính Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trực tiếp chỉ đạo một cuộc khảo sát quy mô chưa từng thấy nhằm tái dựng diện mạo thời đại Hùng Vương, với tinh thần “bốn mươi thế kỷ cùng ra trận”, chính là sự tiếp nối việc làm có ý nghĩa mà vua Lê Đại Hành đã tiến hành từ ngàn năm trước.

Dựng Hùng triều ngọc phả, Lê Hoàn có cơ sở tin chắc thời đại Hùng Vương là có thật. Ngày nay, bằng những tài liệu lịch sử kết hợp với khai quật khảo cổ học, khảo sát điền dã và nghiên cứu thư tịch, chúng ta xác quyết niềm tin đó, chứng minh triều đại Hùng Vương không chỉ là truyền thuyết mà là một triều đại hiện hữu trong lịch sử, với một nền văn minh không thua kém bất cứ dân tộc nào, với cương thổ được xác định “phía đông giáp Nam Hải (biển Đông), phía tây giáp Ba Thục, phía bắc tới Động Đình hồ, phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành)”. 

Vì lẽ đó mà Lê Hoàn là ông vua tỏ rõ tư thế hiên ngang hiếm thấy trong quan hệ với Trung Quốc, trừ một bức thư giả làm thư của ấu chúa Đinh Toàn gửi cho vua Tống “xin nối ngôi cha, cầu nhà Tống ban chân mệnh” viết bằng lời lẽ nhu nhược nhằm “hoãn quân nhà Tống” như ĐVSKTT ghi nhận, đó là lúc vua Tống gửi thư đe dọa trước khi xuất binh “nếu quy phục thì ta tha cho, nếu trái lệnh thì ta quyết đánh”. 

 

Thực ra Cảo và Tắc không tin chuyện ông bị ngã ngựa đau chân, vì theo Tống sử, trong bức thư tường thuật gửi cho vua Tống về chuyến đi này, Tống Cảo sau khi kể lại việc ông nói đau chân không lạy, còn nói thêm rằng ngay sau đó ông cởi giày đi chân trần xuống ao xăm cá để làm vui cho khách. Vua Tống làm lơ không ý kiến.

Sau khi thua trận, nhà Tống từ bỏ ý định xâm chiếm nước ta, thay đổi hẳn giọng lưỡi. Trong chế sách phong Lê Hoàn làm “An Nam đô hộ Tĩnh hải quân tiết độ sứ” được phái bộ Lý Giác mang sang vào tháng 10 năm 986, vua Tống ca ngợi Lê Hoàn “tư cách gồm nghĩa dũng, bẩm tính vốn trung thuần, [17b] được lòng người trong nước”. Khi ấy, tức là 5 năm sau chiến tranh, Lê Hoàn mới trả tù binh, “đem bọn Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân trả cho về”. Trong bối cảnh thời đó và mãi cho đến thời Thanh - Nguyễn, việc sắc phong thực chất là công nhận chủ quyền.

Năm sau, phái bộ Lý Giác lại sang, vua sai thiền sư Pháp Thuận giả làm giang lệnh (người coi sông) ra đón, hai bên đối đáp văn thơ, khi về đến sứ quán Lý Giác gửi tặng một bài thơ, trong đó có hai câu “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu/Khê đàm ba tịnh kiến thiềm thu” (Ngoài trời còn có trời soi nữa/Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu). Thiền sư dâng bài thơ lên vua, vua gọi thiền sư Khuông Việt đến xem, Khuông Việt nói: “Thơ này tôn bệ hạ không khác gì vua Tống”.

Nhà Tống liên tục gia phong tước vị cho Lê Hoàn. Năm 990, lại sai Tống Cảo và Vương Thế Tắc mang chế sách sang phong thêm. “Vua sai Nha nội chỉ huy sứ là Đinh Thừa Chính đem 9 chiếc thuyền dẫn 300 người đến quân Thái Bình đón, theo cửa biển mà vào, nửa tháng đến sông Bạch Đằng, theo nước triều mà đi. Mùa thu, tháng 9, đến trạm Nại Chinh ở Trường Châu. Vua ra ngoài giao để đón, bày thủy quân và chiến cụ để khoe. Vua cầm cương ngựa cùng đi với sứ thần. Đến cửa Minh Đức, vua bưng chế thư để lên trên điện, không lạy, nói dối là năm vừa rồi đi đánh giặc Man, bị ngã ngựa đau chân. Cảo và Tắc tin là thực. Sau đó bày yến tiệc thết đãi. Vua bảo Cảo rằng: "Sau này có quốc thư thì cho giao nhận ở đầu địa giới, khỏi phiền sứ thần đến tận đây nữa". Cảo về tâu, vua Tống bằng lòng” (ĐVSKTT).

Thực ra Cảo và Tắc không tin chuyện ông bị ngã ngựa đau chân, vì theo Tống sử, trong bức thư tường thuật gửi cho vua Tống về chuyến đi này, Tống Cảo sau khi kể lại việc ông nói đau chân không lạy, còn nói thêm rằng ngay sau đó ông cởi giày đi chân trần xuống ao xăm cá để làm vui cho khách. Vua Tống làm lơ không ý kiến.

Năm 996, khi quan trấn thủ địa phương báo với vua Tống “chiến thuyền Giao Chỉ hơn trăm chiếc” vào xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc (trấn Như Hồng thuộc Khâm Châu), vua Tống không những làm lơ mà còn sai sứ giả là Lý Nhược Chuyết mang chiếu thư và đai ngọc sang ban cho Lê Hoàn. Khi Nhược Chuyết đến, vua ra đón, lần này không cần nói dối mà “tỏ ý ngạo mạn không làm lễ”, bảo với sứ giả rằng: “Việc cướp trấn Như Hồng là do bọn giặc biển ở ngoài, Hoàng đế có biết đó không phải là quân của Giao Châu không? Nếu Giao Châu có làm phản thì đầu tiên đánh vào Phiên Ngung, thứ đến đánh Mân Việt, há chỉ dừng ở trấn Như Hồng mà thôi đâu". (ĐVSKTT).

Phiên Ngung là địa danh thuộc tỉnh Quảng Châu, còn Mân Việt là tỉnh Phúc Kiến ngày nay. Lê Hoàn thẳng thừng nhắc cho vua Tống biết những vùng đó là lãnh thổ cũ của các vua Hùng “phía tây giáp Tây Thục, phía bắc tới Động Đình Hồ”.

Trong lịch sử ngoại giao giữa các hoàng đế nước ta với các hoàng đế Trung Quốc, có lúc cứng có lúc mềm, tùy tình thế và tùy thực lực, mục đích là giữ cho được bờ cõi không để cho người ta xâm phạm. “Ra oai” với Trung Quốc được như Lê Hoàn không phải là chuyện dễ, đòi hỏi không chỉ ở tinh thần kiên cường ý chí bất khuất mà còn phải có thực lực. Lê Hoàn ở ngôi 24 năm, trong 24 năm ngắn ngủi đó ông không chỉ đập tan một đội quân xâm lược sừng sỏ mà còn tăng cường quốc lực làm cho nước Việt ta mạnh lên, kiến tạo nền móng vững chắc làm nền tảng cho nền văn minh Lý - Trần rực rỡ sau đó. Các sử gia phong kiến lấy làm khó hiểu khi thấy ông hết đánh đông dẹp bắc lại lo đào sông đắp đập mà không lo chuyện “hưởng nước lâu dài” cho con cháu, chỉ có bề tôi biết đánh giặc và biết lo cho nước mạnh mà không có được một bề tôi nho học để lo chuyện lễ nghi, đến nỗi dòng họ mất ngôi, bản thân thì 1000 năm vẫn chỉ được gọi là “Đại Hành” không có được một thụy hiệu (bất cứ ông vua nào mới chết chưa đưa vào lăng gọi là Đại Hành, sau đó phải đặt thụy hiệu, Lê Văn Hưu cho rằng Lê Hoàn không có bầy tôi nho học để đặt thụy hiệu)… (Còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 1: Khởi nguồn cho sự nghiệp nam tiến
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 2: "Dự án kinh tế - quân sự" của Lê Hoàn
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 3: 800 năm đào kênh Sắt
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 4: Con đường nam chinh, bắc tuần
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 5: Nơi xuất phát những đoàn quân
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 6: Cần tôn vinh kênh nhà Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.