Tầm vóc một người cộng sản

11/09/2011 22:11 GMT+7

(TNO) Tiểu sử và công lao của nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công - một nguyên thủ quốc gia - đã quá quen thuộc. Nhưng nếu tìm hiểu về tầm vóc hay tính cách một con người như ông Năm Công thì hẳn còn nhiều câu chuyện thú vị, nhất là khi ông đặt dấu ấn quan trọng vào những thời điểm quan trọng.

1. Hồi đầu tháng 8.2011, mừng sinh nhật lần thứ 100 của nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, ông Hoàng Minh Thắng đã thổ lộ nhiều cảm xúc và chia sẻ một số thông tin thú vị về người mà ông gọi thân mật là “anh Năm Công”.

Từng là Chính ủy Trường quân chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng cũ (sau này là Bộ trưởng Bộ Thương mại), ông Thắng có giai đoạn làm việc cạnh ông Năm Công từ tháng 4.1964, khi ông Võ Chí Công được Trung ương điều từ Trung ương Cục miền Nam về giữ chức Bí thư khu ủy Khu 5 kiêm Chính ủy quân khu. Ngoài những kỷ niệm về phong thái, tình cảm của người lãnh đạo, ông Thắng tự vấn: “Nghĩ lại, nếu không có anh, không có sự lãnh đạo sâu sắc và sáng suốt ấy, thậm chí táo bạo của khu ủy và quân khu, không rõ chiến trường khu 5 ấy sẽ diễn ra theo kịch bản nào?”.


Lễ viếng ông Võ Chí Công tại hội trường Tỉnh ủy Quảng Nam sáng 10.9 - Ảnh: D.T.Trí

Điều gì khiến ông Hoàng Minh Thắng tỏ ra tôn kính và ngưỡng mộ ông Năm Công đến vậy?

Theo một số nhà phân tích, có thể dùng cụm từ “con người của lịch sử” khi nhắc đến vai trò của ông Võ Chí Công ở vào những thời khắc quyết định, nhất là ở vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng hay trong phạm vi khu 5. Là bởi ông từng đặt dấu ấn quan trọng trong sự kiện khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An hồi tháng 8.1945, sau lan rộng ra Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Trà My…, để rồi Quảng Nam trở thành một trong bốn tỉnh giành được chính quyền sớm của cả nước. Kể cả khi ủng hộ chủ trương chuyển hướng đấu tranh và tham gia xây dựng Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, hay các sự kiện trận đầu thắng Mỹ 1964, xuân Mậu Thân 1968, giải phóng Đà Nẵng 1975…

Riêng sự kiện Chiến thắng Núi Thành 1965 đã trở thành kỷ niệm sâu sắc nhất đối với ông Hoàng Minh Thắng. Khi đó, từ tháng 3.1965, quân viễn chinh Mỹ trực tiếp đổ bộ vào Đà Nẵng và tại địa bàn H.Núi Thành (Quảng Nam). Hàng loạt câu hỏi “Có đánh được Mỹ không? Đánh bằng cách nào?” xuất hiện, đương nhiên những người đang có mặt tại chiến trường khu 5 càng rối bời.

Tuy nhiên, như ông Thắng nhớ lại, qua chỉ đạo sâu sắc và cụ thể của ông Năm Công và chỉ thị từ khu ủy, họ đã củng cố thêm ý chí “không kẻ thù nào được coi là mạnh tuyệt đối, là bất khả chiến bại”. Lúc đó, ông Năm Công nói đại ý: “Lực lượng vật chất chỉ có thể đánh bại lực lượng vật chất khi lực lượng vật chất ấy thâm nhập quần chúng”. Một con người dày dạn trận mạc, kinh qua nhiều chức vụ như ông Thắng vẫn phải thừa nhận mình “vỡ” ra nhiều điều từ lối chỉ đạo đó, mà rất lâu sau này mới biết ông Năm Công đã viện dẫn câu nói ấy từ kinh điển triết học để ứng dụng trong binh pháp. Câu chuyện này từng được ông Hoàng Minh Thắng kể trong cuốn hồi ký Nơi ấy tôi đã sống.

Và chỉ 4 tháng sau trận đầu thắng Mỹ vang dội ấy, tháng 9.1965, ông Năm Công tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu cách đánh Mỹ trên vành đai diệt Mỹ Chu Lai và ở H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) để phổ biến kinh nghiệm cho cả miền Nam, gói gọn trong cụm từ “Hai chân, ba mũi giáp công” - cách đánh mà có ý kiến nhận xét nên tiếp tục nghiên cứu vì có thể chưa có trong các học thuyết quân sự.

2. Nhà văn Hồ Duy Lệ (nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam) khi làm phóng viên của báo Giải phóng Quảng Đà từng có dịp được “thoáng gặp” Bí thư khu ủy Võ Chí Công. Đó là khoảng năm 1974, ông Năm Công đến căn cứ Hòn Tàu (H.Duy Xuyên) truyền đạt chủ trương của Trung ương. Trong ký ức của nhà báo rất trẻ ngày ấy, vị Bí thư khu ủy “trông vĩ đại lắm, oai vệ, da dẻ hồng hào dễ thương”. “Ở ông Năm Công có sự xông xáo, quyết đoán, cách mạng” - ông Lệ nêu nhận xét khi nghe tin buồn.

Năm 2008, cuốn Võ Chí Công, Người con ưu tú của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng dày 800 trang xuất bản tại Quảng Nam với nhiều đánh giá quan trọng về cuộc đời, sự nghiệp Võ Chí Công.

Trong sách, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười nhớ về những ngày sau giải phóng miền Nam 1975, tình hình lương thực, vật tư và hàng tiêu dùng của cả nước hết sức khó khăn cùng tình trạng ngăn sông, cấm chợ diễn ra khắp nơi càng làm cho lưu thông hàng hóa thêm ách tắc. Giữa bối cảnh đó, “đồng chí Võ Chí Công tính tình sôi nổi hay tranh luận và làm việc hết sức mình, (…) đã xuống nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nam Ninh… để tìm hiểu thực tiễn khó khăn, những vấn đề về cơ chế “trói buộc” nông dân, từ đó có những kiến nghị với Trung ương, từng bước tháo gỡ tạo đà cho việc hình thành tư tưởng “khoán” trong nông nghiệp, mở đầu cho thời kỳ đổi mới diệu kỳ của đất nước”.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thì nhìn nhận: “Sẽ là một thiếu sót nếu như chúng ta không nhắc đến việc đóng góp rất có ý nghĩa đáng được trân trọng của đồng chí trong sự đổi mới hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao”. Điều này được ông Đống Ngạc (thư ký riêng của Tổng bí thư Lê Duẩn) bổ khuyết khi đánh giá rằng, trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đầu tiên trong thời kỳ đổi mới, ông Năm Công là người đã đưa qui chế dân chủ vào hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử khác, làm cho dân chủ trở thành sức sống… Với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Năm Công là nhà lãnh đạo thực tiễn phong phú, “nói đến anh Năm Công là nói đến nghĩa tình sâu nặng và sự gắn bó máu thịt với đồng chí, đồng bào miền Nam, với Trung ương Cục và Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, với Khu ủy và Bộ Tư lệnh quân khu 5, với các chiến trường B1, B2 và B3”.

3. Từ 8 giờ sáng hôm 10.9, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và người dân khu vực miền Trung - Tây nguyên chờ đến lượt vào viếng ông Năm Công tại Hội trường Tỉnh ủy Quảng Nam. Đông đến nỗi có đoàn phải chờ vài tiếng đồng hồ mới đến lượt. Đối với một người từng hai lần giữ chức vụ bí thư tỉnh ủy (tháng 3.1940 Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam, tháng 3.1952 làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng), sự ngưỡng mộ và thân thiết là lẽ đương nhiên. Chưa kể, nếu dẫn theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, thời điểm tháng 6.1942, ông Võ Chí Công còn được điều về giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam sau khi đương kim bí thư Trương Hoàn bị bắt.

Trong đông đảo người đến chia buồn ông Năm Công hôm 10.9, có sự hiện diện của các cán bộ ở Tiểu đoàn 10 Ban An ninh khu 5 một thời phục vụ ông, giờ đã tuổi cao sức yếu. Trong số họ, có ông Huỳnh Văn Chanh, nguyên Đại đội trưởng C32 thuộc Tiểu đoàn 10, trung tá, người từng 2 lần lấy thân mình che chắn bảo vệ ông Năm Công khi bị địch thả bom trúng đội hình, và 1 lần phá âm mưu ám sát vị Bí thư khu ủy.

Tại làng Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1 (H.Núi Thành), những ngày qua cũng chứng kiến một không khí buồn bã, tiếc thương người con ưu tú vốn rất nặng lòng với quê hương. Ở đó, từ năm 2004, một nhà lưu niệm đã được dựng nên, lưu giữ hàng trăm kỷ vật của nhà cách mạng họ Võ. Người dân trong làng nhớ lại, lần nào về thăm quê, ông Năm Công đều dạo quanh xóm thăm hỏi mọi người, thăm những cơ sở cách mạng đã che chở, nuôi giấu thời kháng chiến. Vẫn còn đó những kỷ vật lưu giữ nhắc nhớ về một thời binh nghiệp của ông Năm Công, như chiếc túi vải dùng đựng tài liệu ở khu 5, khẩu súng ngắn, chiếc đèn dầu tự chế, đôi dép cao su, cả bình đông đựng thuốc bắc, chiếc điện thoại bàn ông sử dụng ở nhà riêng khi tiếp quản Đà Nẵng hồi tháng 4.1975, radio để nghe tin tức chiến trường…

… Chưa đầy nửa tháng trước ngày ông Năm Công trút hơi thở cuối cùng, hôm 25.8.2011 có hai cây đa quý được trồng tại Đền tưởng niệm liệt sĩ H.Duy Xuyên (Quảng Nam). Người dân xem đấy là món quà tinh thần đặc biệt, bởi một cây trong số đó do ông Năm Công gửi tặng, cây còn lại là của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều chỉ huy quân đội ở Quảng Nam bảo, ở chiến trường ngày trước chỉ cần một lời động viên của vị thủ trưởng Năm Công thôi đã khiến sức mạnh anh em tăng gấp 10 lần. Giờ thì nguồn động viên được “gửi gắm” qua cây đa, như một biểu tượng của sự bền vững.

“Món quà” ấy đang bén rễ trên đất lành Duy Xuyên.

Hứa Xuyên Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.