Mới đây, Mỹ đã thử nghiệm thành công thiết bị bay nhanh xấp xỉ 7 lần tốc độ âm thanh để phục vụ chương trình vũ khí mới.
Ngày 17.11, Bộ Tư lệnh chống tên lửa và phòng không cùng Bộ Tư lệnh chiến lược thuộc lục quân Mỹ thử nghiệm thiết bị bay có tên Vũ khí siêu thanh tiên tiến (AHW), theo Tổ chức nghiên cứu an ninh quốc phòng Global Security.
Nhanh và chính xác
Trong lần thử nghiệm này, vũ khí AHW đã được phóng đi từ căn cứ ở Hawaii và đánh trúng mục tiêu ở Khu vực thử nghiệm Reagan, thuộc quần đảo Marshall cách đó 4.000 km. Lầu Năm Góc không cung cấp thông tin chi tiết mà chỉ tuyên bố cuộc thử nghiệm thành công mỹ mãn. Theo Global Security, AHW bay nhanh gấp 7 lần tốc độ âm thanh, đủ sức vượt 6.000 km chỉ trong 35 phút. Vũ khí này dài 10,3m, đường kính rộng 1,35m và được tích hợp bộ đẩy 3 giai đoạn, theo trang Gizmodo.com.
Không chỉ nhanh, AHW còn cực kỳ chính xác khi độ chênh lệch so với mục tiêu không quá 10m. Vì thế, giới chuyên gia cho rằng loại vũ khí này sẽ tác chiến hữu hiệu trong các trường hợp khẩn cấp, giúp Mỹ nhanh chóng tiêu diệt những mục tiêu nằm xa các căn cứ ngay khi nhận được thông tin tình báo.
Thiết bị AHW sẽ được phát triển thành nhiều dạng tấn công khác nhau. AHW có thể là tên lửa hay đầu đạn đánh phá trực tiếp, mang theo các vũ khí khác để triển khai tấn công khi tiếp cận mục tiêu hoặc trở thành vũ khí đánh chặn cực nhanh. Nó cũng có thể được phát triển thành thiết bị do thám, đảm trách khóa mục tiêu cho các loại vũ khí khác.
Tháng 3.2006, các chỉ huy cấp cao của Lầu Năm Góc thuyết phục quốc hội nhanh chóng thông qua kế hoạch cho phép phát triển vũ khí tấn công tức thời và AHW được tiến hành song song với việc thử nghiệm thiết bị bay bội siêu thanh (tức gấp 5 lần tốc độ âm thanh) mang tên HTV-2. Năm 2010, Lầu Năm Góc đề nghị quốc hội thông qua khoản ngân sách trị giá 46,9 triệu USD cho AHW bên cạnh 91,5 triệu USD dành cho HTV-2. Theo mục tiêu đề ra, quân đội Mỹ phải tiến hành thử nghiệm AHW trong năm 2011 và đã thành công. Trong năm nay, quốc hội Mỹ tiếp tục thông qua các khoản ngân sách hàng trăm triệu USD để tiếp tục thực hiện những chương trình nghiên cứu vũ khí có tốc độ “khủng”.
|
Tấn công toàn cầu tức thời
Theo báo cáo do Lầu Năm Góc gửi lên quốc hội hồi tháng 3, HTV-2 và AHW nằm trong Chương trình tấn công toàn cầu tức thời (PGS). Chương trình này đặt ra mục tiêu phát triển toàn diện, lấy yếu tố tốc độ làm trọng tâm, cho phép quân đội Mỹ nhanh chóng tổ chức tác chiến ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Nhờ đó, nước này có thể giảm bớt số lượng căn cứ quân sự nhưng vẫn đảm bảo tốc độ tấn công.
Cũng trong khuôn khổ PGS, quân đội Mỹ hồi năm ngoái đã thử nghiệm thành công tên lửa hành trình cho phép bắn đến bất cứ điểm nào trên thế giới trong vòng 60 phút. Bên cạnh đó là việc phát triển hệ thống cho phép không quân nhanh chóng tham chiến. Sau khi tấn công bằng tên lửa bội siêu thanh, không quân Mỹ sau 48 giờ sẽ triển khai tác chiến ở mọi nơi trên thế giới. Tiếp đến, chỉ sau 96 giờ thì lực lượng hỗn hợp các hạm đội cùng tàu sân bay và lục quân sẽ triển khai tấn công toàn diện. Như vậy, quân đội Mỹ có thể lập tức tấn công ngay khi phát lệnh và một cuộc chiến tranh tổng lực sẽ bắt đầu chỉ sau 96 giờ.
Theo Lầu Năm Góc, PGS là chiến lược phù hợp với bối cảnh Mỹ cần phản ứng nhanh chóng để đảm bảo những lợi ích trên toàn cầu, đồng thời giúp nước này giữ vững sức mạnh sau khi thực hiện cắt giảm vũ khí chiến lược theo các cam kết với Nga. Dưới thời Tổng thống George W.Bush, Washington chưa tích cực đẩy mạnh chương trình PGS vì e ngại Moscow có thể phản ứng bằng cách trì hoãn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START). Tuy nhiên, sau khi nhậm chức và ký kết START với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đẩy mạnh chương trình này. Năm 2011, ông Obama đã được quốc hội chấp thuận đề nghị đối với khoản ngân sách 240 triệu USD dành cho phát triển PGS.
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)