Tản mạn chuyện người thành phố

13/09/2019 11:39 GMT+7

Tôi là người nhập cư cách đây hơn 20 năm, vui buồn đã trải với chốn này. Nhớ khi mới vô được vài năm, có anh bạn đồng môn là nhà thơ ở Hội An nhắn tin hỏi: “Nay định cư ở Sài Gòn rồi à?”.

1.Chao ơi, hai chữ “định cư” có vẻ như “ đóng dấu” cho mình nghiễm nhiên trở thành người Sài Gòn chính hiệu rồi sao!
Ấy là những ngày xuôi ngược đi và viết, để thể nghiệm thấy một điều, những người sống ven đầm dừa nước ở Thủ Đức ngày ấy, nay tách ra là quận 9, vẫn nhớ lại trong nghĩa tình.
Đó là vào một buổi chiều năm 1997, khi tôi đến ngỏ ý viết về cái dự án Vườn Cò ở xã Long Phước, nay xã đã lên phường, nhưng vẫn có tên gọi thân thuộc với người dân nơi đây, là Cù lao Long Phước, vì nó nhoi ra một phần phía bờ sông Tắc thơ mộng, một nhánh khá rộng của sông Sài Gòn. Ông chủ tịch xã hỉ hả một cách bỗ bã: “Để sau, tao đưa mày đi một vòng trên sông mới dễ nói dễ nghe”. Tôi ớ ra một chút, nhưng vội đồng ý với lời đề nghị thú vị ấy.

Bức ảnh chụp tấm poster ở một quán cà phê Q.3, TP.HCM khuyến cáo không dùng ống hút nhựa

Ảnh: A.P

Vậy là lên ghe. Ông chủ tịch xã phanh trần ngực áo để gió sông lồng lộng thổi, cả ngực đầy sẹo, nói rổn rảng: “Tao bị đạn trực thăng bắn xuống hồi nẳm lúc còn là du kích, chém vè ở mấy đám dừa nước này đó. Khó chết thấy bà nội, phải không?”. Rồi ông thao thao kể về những năm tháng ấy, đồng đội ai còn ai mất, ai đang cùng chí hướng thời hậu chiến là phải làm gì cho cái xứ “cắm mặt trồng lúa, cháy lưng câu cá” này lên đời!
Khi trở về bước qua con lộ nhỏ đến trụ sở Ủy ban xã, ông níu tay: “Mày vô đây làm bậy mấy ly rồi về, chút tao cho mấy thằng dẫn ra đường cái. Khỏi lo đi”. Vậy là sà xuống mâm rượu. Mấy chai đế, cá lóc nướng trui, thịt heo nướng và đủ thứ rau trong ánh điện của bóng đèn tròn vàng vọt. Nghe ễnh ương ngoài ruộng hòa điệu vọng vào. Ngồi hóng chuyện cho đến 10 giờ đêm, kiếm đủ tư liệu cho một bài phóng sự, rồi tạm biệt mọi người. Nhưng, trên đường về cứ nghĩ rằng, cái chính là “nhập môn” được cái tính cách hào sảng, bộc trực của người Sài Gòn, qua hình ảnh của ông chủ tịch xã chân chất ngày ấy và người dân xứ này.
2.Anh gốc người Huế, vô Sài Gòn từ những năm 60 của thế kỷ trước. Học Đại học Kiến trúc vắt từ trước qua sau năm 1975. Nhưng mỗi vùng đất anh đi qua, cái tính nhặt nhạnh ghi dấu mỗi nơi, thì tôi phải bái phục. Cứ nhìn cái kho tranh mà anh vẽ, bao gồm hàng trăm bức ký họa về Sài Gòn thì sẽ thấy anh yêu thành phố này đến mức nào. Không yêu sao được, khi mỗi ngày chứng kiến một sự đổi thay ở đây, là anh góp ý phản biện hay ủng hộ. Mất đi hàng cây trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng ở quận 1 là anh đau đáu nổi giận...

Những bức ký họa về sinh hoạt đời thường ở Sài Gòn của tác giả KTS N.N.D

Ảnh: A.P

Những cuốn sách mà anh đã viết, rất sâu về phố phường Sài Gòn, cũng như các thành phố nổi tiếng thế giới mà anh đã đi qua, lúc nào cũng kèm với những bức ký họa dễ thương và góc nhìn ngộ nghĩnh của một người mà tôi tự đặt tên là “gã lãng tử Sài Thành”. Tôi cứ hình dung: có thể trên đường mỗi ngày anh đi qua, nhưng chợt đôi khi khựng lại về một điều gì, một cảnh nào đó, rồi hí hoáy viết và vẽ. Những nắm bắt bất chợt ấy, không phải “xuất thần” giống như cái tứ trong bài thơ của một thi nhân, thì gọi là gì?

Sạp báo 20 năm trên đường Cây Trâm, Q.Gò Vấp, TP.HCM

Ảnh: A.P

3. Chị quê Quảng Ngãi. Vào Sài Gòn trước tôi, vì khi về làm nhà ở quận Gò Vấp, gần mấy mảnh vườn trồng rau và hoa, tôi đã thấy sạp báo của chị hiện diện bên con đường có cái tên ai cũng thích: đường Cây Trâm. Mỗi ngày đi làm, tôi đều thấy chị hí hoáy khi thì ghi ghi chép chép gì đó vào quyển sổ nhỏ, khi thì tất bật chạy ra chạy vào đưa báo cho khách. Hai vợ chồng cứ già đi theo năm tháng, riêng chị thì tóc bạc dần. Số lượng các loại báo chị bán chừng ấy năm có thể lên đến cả triệu bản.
Khi những con đường xung quanh đã vắng thưa dần những sạp báo, thì chị vẫn kiên trì trụ lại với cái “gian hàng tri thức” vỏn vẹn chừng hơn 1m2. Nhưng chưa lúc nào chị vắng nụ cười khi tôi sà xe vào hỏi chuyện. Tôi thích nhất cái câu hồn nhiên như thuở nào của chị: “còn sức thì còn bán báo thôi chú!”.
Cứ thế, dòng đời trôi đi trên thành phố, để rồi đọng lại trong tôi những khuôn mặt đã gặp đã nhớ, và những nhân vật tôi không nêu tên trong bài viết này, như một sự giản dị bình thường, nhưng chắc chắn một điều là còn rất nhiều nữa những câu chuyện của người tứ xứ đến đây, góp phần tạo dựng nên bản sắc của Sài Gòn, mà tôi chẳng bao giờ biết hết và kể hết.
Bởi, thành phố này là chốn tụ hội. Nếu chẳng bao dung nghĩa tình thì hà cớ gì nhiều người tìm đến?
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.