Tản mạn về một người bạn

11/03/2006 12:14 GMT+7

(Nhân đọc "Gõ cửa đêm giao thừa thế kỷ") 1. Nhân kỷ niệm 20 năm ngày báo Thanh Niên ra đời, Nguyễn Công Khế tặng tôi cuốn Gõ cửa đêm giao thừa thế kỷ. Đây là tuyển tập thứ hai những bài báo của anh, sau tập Lời cám ơn ngọn lửa xuất bản cách đây 7 năm. Sách dày dặn, gần 400 trang: rõ ràng, Nguyễn Công Khế không chỉ làm báo mà còn viết báo - có lẽ anh là một trong những tổng biên tập viết báo nhiều nhất hiện nay.

Khế viết nhiều như vậy chắc chắn không phải vì... nhuận bút. Mà vì nhà báo, theo anh "là một công dân - cũng có những dồn nén, vui sướng, đau khổ, bất bình nhưng không phải nén lại mà phải thể hiện các cảm xúc đó với công chúng trên mặt báo diễn ra hằng ngày". Đó không chỉ là quan điểm hành nghề, mà còn là quan điểm sống. Thực hành triệt để phương châm này, những bài báo của anh luôn đậm tính công dân. Nhà báo lão thành Trần Bạch Đằng nhận xét ngắn gọn "Nguyễn Công Khế viết trong dòng chảy của thời cuộc".

2. Từ nhỏ, Nguyễn Công Khế đã có khuynh hướng gắn bó với thời cuộc. Tôi, Nguyễn Công Khế và nhạc sĩ Phan Văn Minh (tác giả ca khúc thiếu nhi nổi tiếng Cả nhà thương nhau) hồi cấp hai học chung một lớp. Năm lớp 8 chúng tôi cùng vài người bạn yêu văn chương khác rủ nhau thành lập bút nhóm Mặt trời khuya. Bút nhóm học trò đó viết đủ thứ đề tài, thể loại, tự ấn hành các tập san và gửi bài đăng trên các báo ở Sài Gòn. Lên lớp 9, bắt đầu viết "rung động đầu đời", đa số thành viên bút nhóm thích viết về tình yêu, riêng Khế nghiêng về tình tự dân tộc. Bút danh của Khế lúc đó là Thương Việt Linh, "thương việt" - gọi là tuyên ngôn thì hơi quá nhưng đủ nói lên sự chọn lựa của anh ngay từ hồi đó. Lên cấp 3, tôi vào Tam Kỳ, Khế ra Đà Nẵng. Anh học trường Phan Chu Trinh, hoạt động trong phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên, và tiếp tục viết bài trên các báo HSSV và một số tờ báo phản chiến tại Sài Gòn, với bút danh mới: Nguyễn Bình Nguyên.

3. Bình Nguyên là tên một xã của huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Ở đó có trường Tiểu La mà chúng tôi theo học. Trường Tiểu La nằm ở thị trấn Hà Lam, trong khi nhà Khế ở Liễu Trì, mỗi ngày đi về phải cuốc bộ gần chục cây số, nên hồi đó Khế hay ở lại nhà tôi - ba má tôi và các em tôi coi Khế như thành viên trong gia đình một cách tự nhiên. Dưới chế độ miền Nam lúc đó, ba tôi là trưởng chi thông tin huyện, còn ba Khế đi tập kết, thuộc gia đình cách mạng, nhưng hai anh em vẫn chơi với nhau rất thân - đó cũng là điểm đặc biệt của con người và thế sự Việt Nam. Sau ngày 30/4/1975, gia đình tôi dọn về quê, ba tôi đi học tập cải tạo, còn Khế bấy giờ là anh cán bộ cách mạng sinh hoạt ở Hội Văn nghệ Trung Trung Bộ, lặn lội vào tận Cẩm Lũy để thăm má tôi và các em tôi. Sau đó Khế vào Sài Gòn tìm tôi, lúc này đang thất nghiệp vì không được phân bổ nhiệm sở sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm do vấn đề lý lịch. Sau bao nhiêu năm xa cách, Khế và tôi gặp nhau trong hai hoàn cảnh khác nhau vẫn mừng rỡ, hồn nhiên, thân thiết như ngày nào, có cảm giác như không hề có cuộc chiến nào chảy qua giữa tình bạn của chúng tôi. Lúc tôi lấy vợ, chính Khế là người tích cực lo xe cộ và lẽo đẽo cùng tôi đến họ nhà gái, trong vai trò như một chàng phụ rể.

4. Nhân chuyện thời cuộc, cũng nên nhắc thêm về số phận của bút nhóm văn chương đầu đời của bọn tôi: cho tới 1975, Nguyễn Hữu Sơn và Nguyễn Công Long rớt tú tài, đi lính Cộng hòa và chết trận. Nguyễn Công Khế thì bị chế độ Sài Gòn bắt tù năm 1972, Huỳnh Văn Hoa (bây giờ là Thành ủy viên Đà Nẵng, Giám đốc Sở Giáo dục) cũng tham gia phong trào HSSV đấu tranh như Khế, phải bỏ trường Phan Chu Trinh, chạy vô học Trần Quý Cáp ở Hội An. Chỉ có tôi, Nguyễn Tấn Lê, Phan Văn Minh và Hồng Vân Tiên là không gặp biến động lớn. Hồi học cấp hai, tôi cũng thường đến chơi nhà Khế - căn nhà tuềnh toàng, trống huếch trống hoác, gió thổi lộng, hai đứa nướng khoai ăn rồi nằm lăn ra ngủ trên bộ phản trong khi mẹ Khế đội nón xăn quần mải mê cặm cụi bên vạt ruộng sau nhà. Cái hình ảnh người mẹ già lủi thủi tần tảo nuôi đứa con côi cút như cánh cò cô đơn lặn lội trong ca dao đó đến bây giờ vẫn còn ám ảnh tôi ghê gớm. Còn Khế, nhớ đến má tôi, bao giờ Khế cũng nhớ đến món cá nục kho dưa trong những bữa cơm với đàn con đông đúc bu quanh. Đến bây giờ tuần nào Khế cũng ghé quán Đo Đo để ăn cơm với món cá nục thời thơ ấu, lý do "ăn để nhớ bà già mi".

5. Do vai trò và công việc của một tổng biên tập, con người tình cảm của Nguyễn Công Khế hằng ngày chắc ít có điều kiện bộc lộ. Do việc viết lách bận bịu, tôi cũng ít gặp Khế dù tôi phụ trách một mục trên tờ Thanh Niên của anh suốt mười lăm năm nay. Nhưng qua những lần tâm sự hiếm hoi, qua những gì bằng hữu văn nghệ nhắc về anh, qua cách đối xử của anh với bạn học thời thơ ấu và thái độ khiêm cung và trân trọng đối với các thầy cô giáo cũ, tôi biết Khế là con người chu đáo trong tình cảm. Trong cuốn sách anh mới tặng tôi, bài Tập sách của một người thầy khiến tôi rất xúc động. Thầy giáo Đạo, thầy giáo Cương, thầy Quốc mà anh nhắc đến với lòng biết ơn sâu sắc là những người thầy mà chúng tôi từng học. Các ông thầy giáo làng, các thầy trường huyện khiêm tốn trong con mắt của Khế là những bậc tôn sư mà không có họ, anh tin là cả một lớp học trò sẽ không có ngày hôm nay. Khế đã tâm tình thay cho cả một thế hệ.

6. Thực ra hầu hết những bài trong tập Gõ cửa đêm giao thừa thế kỷ đều đề cập đến những vấn đề thời sự có phạm vi rất rộng, từ chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục đến các vấn đề quốc tế. Tôi đã đọc những bài này của Nguyễn Công Khế khi in trên báo và nhiều người đã nhắc tới. Có lẽ điều đáng nói nhất - vì nó xuyên suốt trong các bài viết của anh - đó là sự trăn trở của một nhà báo, trước hết là của một công dân. Với Khế, không có bất công nào là nhỏ - vì bất công nào cũng cản trở sự tiến bộ của xã hội. Việc chỉ đưa một con cá heo vô biểu diễn ở Việt Nam để phục vụ ngành du lịch mà hàng đống cơ quan như kế hoạch - đầu tư, văn hóa - thông tin, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông công chính, văn phòng kiến trúc sư... phải xét duyệt đến 2 năm trời với trên 20 con dấu đối với Khế cũng đáng bức xúc như những bất cập trong chính sách thuế, chính sách xuất khẩu nông sản hay thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Anh mừng khi một làng quê nghèo có điện, các phương tiện y tế, giáo dục, giao thông được cải thiện nhưng anh cũng sẵn sàng "giãy nảy" lên khi biết được cũng chính cái làng quê đó còn tồn tại không ít những bất công.

7. Tôi vẫn cho rằng một trong những chức năng quan trọng nhất của báo chí là bắt rễ vào nhân dân. Nhà báo phải là chiếc cần ăngten cắm sâu vào đời sống, thu bắt những tín hiệu vui buồn của nhân dân để trình bày trung thực, nhiều chiều và có trách nhiệm những điều đó trên mặt báo, trước công luận. Báo Thanh Niên của Nguyễn Công Khế đã làm được nhiều việc theo xu thế đó qua vụ Nguyễn Mạnh Huy, qua vụ Năm Cam - là vụ mà anh phải đánh cược bằng cả sinh mạng chính trị lẫn tính mạng của mình. "Làm báo, tôi chỉ sợ mỗi một điều là ta làm việc gì đó để cho người tốt, người trung thực ghét mình, xa lánh mình và coi thường mình chứ tôi tuyệt đối không sợ người xấu ghét bỏ và thù hằn mình". Với tính cách đó, với kiểu làm báo đó, chắc chắn Nguyễn Công Khế bị không ít người "thù hằn" và "ghét bỏ" - như lời chúc ngày nào của phóng viên  APN của Liên Xô cũ Evgeny Leng: "Chúc báo Thanh Niên sẽ có kẻ thù".

8. Nguyễn Công Khế có kẻ thù, chắc thế. Nhiều lúc anh tỏ ra rất mệt mỏi, đặc biệt trong thời gian báo Thanh Niên đang tấn công mạnh vụ Năm Cam và anh đang chịu rất nhiều áp lực, từ nhiều phía. Một lần trên chặng đường từ Sài Gòn đi Thủ Đức, lần đầu tiên tôi nghe Khế nói bằng cái giọng bùi ngùi như mượn của ai "Tau muốn đổi cái chức tổng biên tập báo để làm một nhà văn viết cho thiếu nhi như mi quá, Ánh ơi!". Nhưng có lẽ đó là phút yếu lòng hiếm hoi của Khế. Con người tình cảm hay yếu lòng, nhưng chỉ thoáng chốc. Rồi Khế lại vững tin, lại quên phắt những tổn thương, những bất trắc. Anh lại xông vào trận địa với sự quả cảm, vì lý tưởng của mình. Cái kiểu người đó, tôi cũng từng bắt gặp nơi những anh em làm báo xuất thân từ phong trào HSSV mà tôi đã có dịp cộng tác gần gũi như Võ Như Lanh, Kim Hạnh, Lê Văn Nuôi, Lê Hoàng... Mà phải như thế chứ, đã "gõ cửa đêm giao thừa thế kỷ", cửa đã mở rồi, thì lúc đó Khế phải... "gồng mình" làm báo tiếp, để "tổn thọ" vì đấu tranh cho dân giàu nước mạnh nhưng cũng để được sung sướng "xin nghìn lần cảm ơn ngọn lửa đem lại cho con người nồi cơm" chứ không lẽ một con người như Khế lại có thể trốn đi đâu trong thế kỷ này?

Tháng 2/2006
Theo Nguyễn Nhật Ánh/báo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.