Tân thủ khoa làm thêm gửi tiền về quê phụ bố nuôi em ăn học

Lê Thanh
Lê Thanh
17/12/2019 15:50 GMT+7

Nhiều người không khỏi nghẹn ngào và rưng rưng nước mắt khi nghe những câu chuyện xúc động của các tân thủ khoa trong chương trình 'Nâng bước thủ khoa'.

Mỗi bạn có một hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu trung lại là dù sống trong nghịch cảnh với nhiều khó khăn nhưng các bạn đều có thành tích học tập xuất sắc và có những ước mơ cháy bỏng.

Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Ngọc Lương (bên phải) và Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư tại TP.HCM Đặng Mạnh Trung trao học bổng “Nâng bước thủ khoa” cho các tân sinh viên năm học 2019-2020

Lê Thanh

Lấy đá lạnh thoa lên mắt để không ngủ gục

Nguyễn Thị Quỳnh Trang (tân thủ khoa của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) năm học 2019-2020, không chỉ tự ý thức làm thêm mọi việc để tự nuôi sống bản thân nơi đất khách quê người, mà hằng tháng Trang còn tích lũy ít tiền từ việc làm thêm để gửi về quê cùng với bố và chị nuôi 2 em đang còn học phổ thông ở quê nhà tại xã Phú Phong, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Tân thủ khoa Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (giữa) và tân thủ khoa Phan Lê Chiêu Anh, Trường ĐH Tây Nguyên (bìa phải) thể hiện quyết tâm trên con đường chinh phục ước mơ dù khó khăn

Lê Thanh

Quỳnh Trang chia sẻ: “Do mẹ mất sớm nên những năm tháng học ở bậc THPT tại quê nhà, em phải thay bố đảm đương công việc nội trợ, chăm sóc cho 2 em. Chính vì vậy, để có thời gian học bài, em phải rút ngắn thời gian ngủ. Em chỉ có thể ngồi vào bàn học khi cả nhà đã đi ngủ, thường là khoảng 9-10 giờ đêm. Em học liên tục đến 2-3 giờ sáng, nhiều khi buồn ngủ quá phải lấy đá lạnh viên thoa lên mắt để không ngủ gục, sáng khoảng 5-6 giờ thì em phải dậy để phụ giúp gia đình”.
Quỳnh Trang chia sẻ thêm: “Chị gái của em dù đậu đại học nhưng vì thương em nên không nhập học mà phải nghỉ để đi làm, nhường cho em đến trường. Sự giúp đỡ của chị, tình thương của bố là động lực giúp em vượt qua khó khăn. Chính vì vậy, em phải cố gắng thật nhiều trong học tập và muốn mình sẽ trở thành một hướng dẫn viên du lịch giỏi trong tương lai”.

Mong trở thành giáo viên tiếng Anh thật giỏi

12 năm liền là học sinh giỏi, Phan Lê Chiêu Anh, ngụ tại phường Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, thủ khoa của Trường ĐH Tây Nguyên, nghẹn ngào: “Ba em không còn trên cõi đời này nữa. Còn mẹ em thì hiện mắc căn bệnh ung thư vú”.
Nhưng theo Chiêu Anh, mẹ là người luôn quan tâm, truyền cảm hứng, tạo động lực và niềm tin cho em nhiều nhất cuộc đời này. “Bởi, trên mỗi chặng đường học tập của em đều in đậm bóng dáng dìu dắt của mẹ khiến em không bị gục ngã mà ngược lại em thấy bản thân mình ngày càng mạnh mẽ hơn, cứng cỏi hơn để sẵn sàng đối đầu vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Với em, mẹ không chỉ là người sinh em ra, bên cạnh em, mà mẹ còn là người bạn duy nhất của em. Em luôn tự nhủ với bản thân mình là phải luôn luôn cố gắng học tập thật tốt, vì chỉ có học tập mới là con đường nhanh nhất để báo hiếu được cho mẹ”, Chiêu Anh trải lòng.

Các tân thủ khoa được vinh danh tại chương trình "Nâng bước thủ khoa" năm học 2019-2020 diễn ra tại TP.HCM ngày 17.12

Lê Thanh

Chia sẻ về ước mơ của mình, Chiêu Anh nói: “Em muốn trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh thật giỏi, sau khi ra trường có việc làm ổn định để phụ giúp và báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ. Song song đó là mang tâm huyết, kiến thức của mình tích lũy được trong quá trình học tập dạy lại cho các em học sinh, đặc biệt là những học sinh người đồng bào dân tộc thiếu số ở những bản làng xa xôi của vùng đất Tây Nguyên. Với ước mơ giúp các em có thể hòa nhập với cuộc sống hiện đại và bước ra thế giới rộng lớn hơn, như cái cách truyền cảm hứng của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H'Hen Niê từng làm cho thế hệ trẻ ở vùng Tây Nguyên vậy”.

Niềm vui của các tân thủ khoa dự lễ vinh danh

Lê Thanh

Chương trình "Nâng bước thủ khoa" do Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam (T.Ư Đoàn) và Báo Tiền Phong tổ chức, nhằm vinh danh, khen thưởng và trao học bổng cho 50 sinh viên tiêu biểu thủ khoa đầu vào kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm học 2019-2020, từ tỉnh Thừa Thiên-Huế trở vào. Mỗi sinh viên được trao một suất học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt và một phần quà dụng cụ học tập trị giá 2 triệu đồng. Đây được xem như một sự động viên, khích lệ tinh thần học tập, tạo cảm hứng, niềm vui cũng như sự đồng hành của xã hội “tiếp sức” cho sinh viên hiện thực hóa ước mơ của mình trên giảng đường đại học.
Tham dự chương trình có Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Ngọc Lương; Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư tại TP HCM Đặng Mạnh Trung, các nhà hảo cựu tân thủ khoa các năm trước đó...
Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam chính thức ra đời vào năm 1993 do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch danh dự, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn làm Chủ tịch Hội đồng điều hành. Trong 26 năm qua, Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp nhiều nguồn lực, kịp thời trao tặng, hỗ trợ học sinh, sinh viên tài năng có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.