Các quan chức cấp cao (SOM) của EU, Úc, Hàn Quốc, New Zealand và các bên liên quan khác vào ngày 21.7 tham dự phiên trù bị, góp ý để chuẩn bị cho cuộc họp cấp ngoại trưởng giữa Mỹ và các nước Tiểu vùng Mê Kông (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar) diễn ra ngày 22.7 ở Bali, Indonesia. Sáng kiến Hạ vùng Mê Kông do Mỹ đề xuất nhằm hỗ trợ các nước Tiểu vùng Mê Kông trong các lĩnh vực y tế, môi trường, giáo dục và xây dựng cơ bản, bắt đầu thực hiện từ năm 2009 đã thu hút sự quan tâm của nhiều nước. Dự kiến, trong cuộc họp hôm nay, hai bên sẽ thông qua chương trình hành động và Sáng kiến Hạ vùng Mê Kông sẽ tiếp tục mở ra nhiều triển vọng hợp tác mới.
|
Trước Mỹ, Nhật Bản đã đưa ra sáng kiến hỗ trợ Tiểu vùng Mê Kông tại Hội nghị ASEAN năm 2007 ở Philippines. Cho đến nay, Hợp tác Mê Kông với kế hoạch hành động 63 điểm trong 10 lĩnh vực có rất nhiều dự án dưới sự tài trợ của Nhật Bản. Riêng ở Việt Nam, các dự án xây dựng cảng Lạch Huyện ở Hải Phòng, lắp đặt và hoàn thiện hệ thống máy soi hàng tại các cửa khẩu, xây dựng trung tâm tiếp vận đặt ở Đại học Hải Phòng, Trung tâm đào tạo nghề Mê Kông ở Vĩnh Phú… với nguồn vốn từ Nhật Bản, thông qua Ủy hội Mê Kông, đang tiến triển rất tốt đẹp.
Philippines mua thêm trực thăng chiến đấu Theo tờ Manila Standard Today, quân đội Philippines vừa mua 8 trực thăng chiến đấu mới trong nỗ lực nâng cấp khí tài cho không quân nhằm phục vụ các sứ mệnh tại biển Đông. Đây là các máy bay W-3A Sokol động cơ đôi do Công ty Ba Lan PZL-Swidnik sản xuất, có thể chở đến 14 người, tốc độ tối đa 235 km/giờ. Theo hợp đồng trị giá khoảng 75 triệu USD, Ba Lan sẽ giao 4 chiếc đầu tiên vào tháng 11 và số còn lại sẽ giao nốt vào năm sau. Giới chức quân sự Manila cũng cho hay đang lên kế hoạch tậu thêm hơn 2 phi đội trực thăng chiến đấu trong tương lai gần. Hạo Nhiên |
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM Việt Nam về Hợp tác Mê Kông, nói với Thanh Niên rằng hợp tác này có ý nghĩa rất lớn trong kế hoạch Kết nối ASEAN mà toàn khối đang triển khai. “Phần lớn các quốc gia Tiểu vùng Mê Kông là những nước nghèo trong ASEAN. Trong quá trình kết nối, cả cơ sở hạ tầng cứng lẫn kiến trúc mềm như luật pháp, các nước nghèo đương nhiên đi chậm hơn. Hợp tác Mê Kông dưới sự tài trợ của Nhật Bản sẽ giúp lấp các khoảng cách đó trong ASEAN”, ông Dũng nói.
Đổi lại, bằng cách hỗ trợ ASEAN, Nhật Bản đương nhiên được lợi ích lớn về kinh tế. Với một ASEAN có hạ tầng cơ sở tốt, luật pháp đồng bộ, hải quan thông thoáng, doanh nghiệp Nhật Bản được hưởng lợi trong việc đầu tư kinh doanh và xuất khẩu. Trong một chiến lược xa hơn, “Hợp tác Mê Kông có thể giúp Nhật tạo được một mũi giao thông xuyên thẳng đến Ấn Độ ở Tây Á, với 2 tuyến chính. Tuyến thứ nhất có một phần Hành lang kinh tế Đông Tây từ Đà Nẵng sang Savanakhet (Lào), lên phía đông bắc Thái Lan và Myanmar. Tuyến thứ hai từ TP.HCM sang Phnom Penh (Campuchia) đến Bangkok (Thái Lan)”, ông Dũng nói với Thanh Niên. Ông cũng cho biết Nhật Bản cũng đã và đang hợp tác với Indonesia làm thông thoáng đường biển, một phần trong mũi giao thông chiến lược này.
“Hợp tác của Nhật giúp tạo một hành lang giao thông, pháp lý thông suốt trong ASEAN sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế và ổn định trong khu vực. Đó sẽ là tiền đề cho hợp tác an ninh và các mặt khác. Chính vì thế mà không chỉ Nhật hay Mỹ, nhiều nước khác cũng rất quan tâm đến Tiểu vùng Mê Kông”, ông Dũng nói.
Ngày 21.7, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc chính thức thông qua bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông (DOC). Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm hoan nghênh kết quả này, coi đây là một bước tiến có ý nghĩa, đóng góp vào việc xây dựng lòng tin và thúc đẩy triển khai DOC. Cũng trong ngày 21.7, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tham dự các cuộc họp ASEAN+3, ASEAN+1 và tiếp xúc với các ngoại trưởng Dương Khiết Trì của Trung Quốc, Kevin Rudd của Úc và Albert Del Rosario của Philippines. Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Indonesia. Vào ngày 22.7, bà Clinton gặp gỡ song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và tham dự nhiều cuộc họp. Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 18 gồm 10 quốc gia ASEAN và 17 đối tác, đối thoại sẽ diễn ra ngày 23.7. |
Thục Minh
(Từ Bali, Indonesia)
Bình luận (0)