Tăng cường kiểm toán môi trường để phát triển bền vững

Chí Hiếu
Chí Hiếu
19/09/2018 06:35 GMT+7

Trước phiên khai mạc sáng nay (19.9) của Đại hội các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 do VN đăng cai, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.

Ông Phớc (ảnh) nhấn mạnh, việc chọn kiểm toán môi trường làm chủ đề chính của đại hội (ĐH) đã được đồng tình rất cao của tất cả các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI).
Môi trường là thách thức lớn cho phát triển bề vững
Ông Phớc Ảnh: KTNN Cung cấp
Thưa ông, vì sao trong lần đầu đăng cai ĐH, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) lại chọn chủ đề chính là “kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”?
Việc lựa chọn chủ đề “kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” cho ĐH ASOSAI 14 là phù hợp với bối cảnh trong nước và xu thế khu vực và toàn cầu.
Cụ thể, vấn đề môi trường và phát triển bền vững đang là thách thức và cũng là cơ hội cho các cơ quan kiểm toán tối cao thể hiện vai trò và trách nhiệm. Chủ đề được tất cả các thành viên ủng hộ rất cao xuất phát từ bối cảnh các quốc gia thành viên đều cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo chương trình nghị sự của LHQ đến năm 2030.
Đối với VN, vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường và phát triển hiện nay đã và đang được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, đặc biệt là sau nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng gần đây. VN đang trong quá trình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, do đó, vấn đề phát triển môi trường cũng trở thành mối quan tâm hàng đầu. Tác động của yếu tố này đến với người dân, với sự phát triển bền vững của nền kinh tế là rất mạnh mẽ. Nhưng không thể phủ nhận rằng, quá trình phát triển bền vững bị thách thức lớn bởi yếu tố môi trường, đặc biệt khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đưa VN trở thành điểm đến hấp dẫn của các dự án đầu tư. Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì những công nghệ lạc hậu, phế thải có nguy cơ bị nhập khẩu vào trong nước và ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.
Như vậy, chủ đề ĐH ASOSAI 14 phù hợp với bối cảnh VN và xu thế toàn cầu, quốc tế. Có điều, kiểm toán môi trường là một lĩnh vực còn khá mới mẻ đối với KTNN VN. Do vậy, chúng tôi hy vọng qua diễn đàn, việc trao đổi sâu hơn về chủ đề này trong khuôn khổ của ĐH sẽ giúp KTNN học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực về kiểm toán môi trường.
Vậy thời gian qua, kiểm toán môi trường tại VN được thực hiện ra sao, thưa ông?
Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn của thời gian qua, KTNN đã kiểm toán hằng năm một số chương trình liên quan đến môi trường như: Kiểm toán chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2017; chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả; kiểm toán chương trình giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Riêng 2 năm (2017, 2018), KTNN đã thực hiện hơn 22 cuộc kiểm toán liên quan đến môi trường, cụ thể: kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khai khoáng giai đoạn 2014 - 2016 của Bộ TN-MT, Bộ Công thương và một số tỉnh, TP. Rồi kiểm toán công tác quản lý khai thác, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp gắn liền với công tác bảo vệ môi trường tỉnh Hậu Giang.
Ngoài ra, KTNN còn thực hiện một số dự án liên quan đến môi trường như: Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1; Nhà máy thủy điện Đắkring, Nậm Chiến... Một số tập đoàn, tổng công ty liên quan đến môi trường như: Tổng công ty TN và MT VN; Tập đoàn hóa chất; Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản; Kiểm toán việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông thông thường tại TP.HCM theo đề án của Chính phủ; kiểm toán công tác quản lý môi trường tại các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh; Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (Bình Thuận)...
Năm 2019, chúng tôi có đưa chủ đề kiểm toán việc quản lý việc nhập khẩu phế liệu vào VN vào kế hoạch kiểm toán, qua đó kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn nhập khẩu phế liệu gây ô nhiễm môi trường. Kế hoạch kiểm toán năm 2019 vừa rồi được KTNN báo cáo lần 1 với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện đang được KTNN lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là ý kiến của Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra T.Ư và các cơ quan liên quan.
Hoàn thiện quy trình kiểm toán môi trường
Qua những cuộc kiểm toán môi trường đó, những hạn chế mà chúng ta cần khắc phục là gì?
Hiện nay, KTNN đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện quy trình kiểm toán môi trường. Những năm gần đây, công tác kiểm toán môi trường đã được đẩy mạnh, nhưng còn nhiều hạn chế. Kiểm toán môi trường còn khá mới ở VN nên chưa có quy trình chuẩn, chưa có quy định chung về nguyên tắc. Đây là vấn đề đang được phía kiểm toán xây dựng và xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Vậy vấn đề này sẽ được thảo luận ra sao tại ĐH, và ông kỳ vọng KTNN sẽ thu nhận được gì để khắc phục những hạn chế kể trên?
Trong khuôn khổ của ĐH ASOSAI 14, hội nghị chuyên đề lần thứ 7 với nội dung kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững sẽ diễn ra vào ngày 20.9. Tại đây, chúng tôi kỳ vọng các đại biểu tham gia sẽ tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa kiểm toán môi trường và phát triển bền vững; cách thức, phương pháp tiến hành kiểm toán môi trường; khó khăn, thách thức cũng như các vấn đề ưu tiên trong quá trình kiểm toán.
Thông qua hội nghị này, KTNN VN mong muốn những bài học thực tiễn về kiểm toán môi trường sẽ được chia sẻ, đúc kết để các SAI thành viên có thể vận dụng, triển khai trong cộng đồng ASOSAI.
Chủ đề kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững cũng sẽ được thảo luận kỹ tại hội nghị chuyên đề lần thứ 7 với nhiều bài tham luận từ các thành viên ASOSAI, nước chủ nhà VN nói chung và KTNN nói riêng sẽ đạt được một số lợi ích chủ yếu sau: Đầu tiên, là cơ hội để KTNN chia sẻ những nhu cầu, thực trạng, thách thức và thu nhận kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp phát triển kiểm toán môi trường nhằm tăng cường kiểm toán môi trường vì phát triển bền vững, đặc biệt là phục vụ cho việc kiểm toán sự chuẩn bị, sự sẵn sàng và hành động của các cơ quan T.Ư và địa phương về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đã cam kết. Đây cũng là cơ hội để các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị và xã hội hiểu rõ, tăng cường nhận thức, quan tâm và có trách nhiệm thúc đẩy công tác quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở VN nói chung, đặc biệt là hiểu được vai trò và vị trí của cơ quan KTNN trong việc kiểm toán, đảm bảo và thúc đẩy bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông !
Theo chương trình nghị sự, ĐH ASOSAI 14 sẽ thảo luận, thông qua Báo cáo kết quả chương trình phát triển năng lực ASOSAI giai đoạn 2015 - 2018 và Kế hoạch phát triển năng lực giai đoạn 2018 - 2021; dự toán ngân sách ASOSAI giai đoạn tài chính 2019 - 2021. ĐH cũng tiến hành lựa chọn SAI chủ nhà đăng cai tổ chức ĐH ASOSAI lần thứ 15 năm 2021; bầu Ban Điều hành và Ủy ban Kiểm toán nhiệm kỳ 2018 - 2021; chuyển giao chức Chủ tịch và Tổng thư ký ASOSAI nhiệm kỳ mới... ĐH sẽ có sự tham dự của khoảng 250 đại biểu đến từ 65 cơ quan kiểm toán tối cao các quốc gia châu Á với cấp trưởng đoàn tương đương từ bộ trưởng trở lên và các tổ chức độc lập.
Trong phiên khai mạc sáng 19.9, dự kiến ĐH sẽ đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự và thực hiện nghi thức khai mạc cùng với khoảng 350 khách mời trong nước đại diện các cơ quan của Đảng và Nhà nước; các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, địa phương, trường đại học và viện nghiên cứu; các tổ chức quốc tế và đại sứ quán một số quốc gia tại VN. Đăng cai ĐH ASOSAI 14, KTNN VN sẽ trở thành Chủ tịch của ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.