Sau hơn một năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án Nhân dân tối cao (Tòa án NDTC), Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (Viện Kiểm sát NDTC) đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, các cơ quan đều chủ động, tích cực triển khai phối hợp công tác một cách nhịp nhàng trong các vấn đề như xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH của đất nước và quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, lĩnh vực như phối hợp công tác xây dựng pháp luật, phối hợp trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, cung cấp và trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ, hợp tác quốc tế, bảo đảm cơ sở vật chất, giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính và tin tố giác tội phạm…
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã tham khảo ý kiến của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về nhu cầu phát triển cơ bản của ngành Tòa án, Kiểm sát khi giúp Chính phủ xây dựng Chiến lược, Kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm và 5 năm.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành trên cũng đã cử cán bộ tham gia các đề án quan trọng hiện nay của ngành Tòa án, Kiểm sát nhằm đáp ứng yêu cầu công tác cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Bộ Tư pháp cũng đã tham khảo ý kiến của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong quá trình xây dựng dự thảo đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Bộ Công an đã tích cực phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong giải quyết các vụ án hình sự, tham gia xây dựng các thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, Bộ Luật hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Bộ Nội vụ cũng đã phối hợp chặt chẽ với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của ngành Tòa án, Kiểm sát.
Các bộ ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ đã tích cực phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong các mặt công tác quan trọng mà Quy chế phối hợp đã được ký kết như cải cách tư pháp, hợp tác quốc tế, thông tin tuyên truyền, thi đua khen thưởng, trao đổi và cung cấp thông tin…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hơn một năm qua đạt được kết quả tích cực và đây là nền tảng quan trọng để việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa ba cơ quan đi vào cuộc sống ngày càng hiệu quả hơn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH của đất nước.
Theo Phó Thủ tướng, Quy chế phối hợp công tác giữa cơ quan hành pháp và tư pháp có ý nghĩa to lớn về lý luận và thực tiễn, góp phần khắc phục những tồn tại như chậm gửi các văn bản để tham khảo, đóng góp ý kiến, chưa chủ động đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề người dân quan tâm…
Bên cạnh đó, trước yêu cầu của công tác cải cách tư pháp hiện nay, nhất là việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đang đặt ra, đòi hỏi công tác phối hợp giữa Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải được tiếp tục nâng cao hơn nữa, đáp ứng yêu cầu hiện nay. Đối với những vấn đề khác như bảo đảm cơ sở vật chất, chính sách cán bộ, kinh phí hoạt động, đào tạo bồi dưỡng… cần được tiếp tục thảo luận, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định nhằm bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan ngày càng hiệu lực, hiệu quả.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Bình luận (0)