>> Tư vấn trực tuyến: Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng
>> Bệnh tay chân miệng tăng kỷ lục
>> Tại sao bệnh tay chân miệng tăng chóng mặt?
>> Virus bệnh tay chân miệng biến đổi, nguy hiểm hơn
>> Nhiều loại bệnh "vào mùa"
Theo báo cáo của Sở Y tế, bệnh TCM tại các tỉnh phía Nam vẫn trên chiều hướng tiếp tục gia tăng. Tính từ đầu năm đến ngày 5.6, cả phía Nam có 8.207 ca nhập bệnh là trẻ em và 29 ca tử vong.
Riêng tại TP.HCM, tính từ đầu năm đến 2 tuần đầu của tháng 6 (13.6), đã có 3.577 trường hợp mắc bệnh TCM phải nhập viện điều trị. Con số này gấp gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2010 (1.468 trường hợp).
Trong đó, bệnh có chiều hướng tăng nhanh từ đầu tháng 3 đến tháng 6. Đặc biệt khoảng thời gian từ 26.5-8.6, số trường hợp mắc bệnh đã trên 400 ca/tuần, làm tử vong 15 trẻ em.
Hai bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 (TP.HCM) luôn trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày, tại mỗi bệnh viện này có khoảng trên dưới 10 ca nặng phải nằm phòng đặc biệt, thở máy.
Mặt khác, việc cấp phát dung dịch Chloramin B kháng khuẩn cho các hộ gia đình có trẻ em từ 5 tuổi trở xuống để vệ sinh nhà, nơi trẻ sinh hoạt, khử trùng đồ chơi của trẻ… vẫn chưa thực hiện đồng bộ ở các phường, xã.
Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Y tế, các quận, huyện phải tập trung dập bệnh, tuyên truyền sâu rộng nơi trường học, cộng đồng, hộ gia đình có trẻ em ý thức, kiến thức phòng chống bệnh TCM; ngăn chặn kịp thời các ổ dịch lây lan, kéo giảm tỷ lệ trẻ em mắc bệnh TCM. Đồng thời, UBND TP.HCM cũng lưu ý cơ quan y tế phòng chống bệnh sốt xuất huyết đang bắt đầu gia tăng trong mùa mưa.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, khuyến cáo các hộ gia đình có trẻ em nên thực hiện 3 biện pháp phòng bệnh: - Thường xuyên rửa tay cho trẻ và người giữ trẻ. - Vệ sinh mỗi ngày, khử khuẩn hằng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ, môi trường sinh hoạt của trẻ ở trong nhà, ở nhà trường và nơi vui chơi công cộng như thú nhún, cầu trượt… - Đưa trẻ vào bệnh viện nhi đồng khi thấy trẻ sốt li bì, mệt, khó thở, đi đứng loạng choạng, hốt hoảng, giật mình, nôn ói, da nổi bong… để cứu chữa kịp thời. |
Nguyên Mi
Bình luận (0)