Hội thảo về đổi mới cơ chế tài chính trong y tế công với vấn đề trọng tâm là bàn về tăng giá viện phí đã được Bộ Y tế tổ chức sáng 14.9 tại Hà Nội do Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì.
"Tăng viện phí là vấn đề Bộ Y tế từng nhiều lần đưa ra mà không được dư luận đồng thuận. Nhưng lần này chúng tôi vẫn phải chấp nhận đương đầu vì nhiều dịch vụ được thanh toán quá thấp. Chúng tôi đảm bảo tăng viện phí, các bệnh viện (BV) sẽ phải cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt hơn cho người bệnh" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cam kết.
Bộ trưởng còn khẳng định, khi đã tăng viện phí, trong trường hợp bệnh nhân (BN) nằm ghép thì tiền giường thanh toán sẽ phải giảm đi.
Bộ trưởng Tiến cho biết, Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính sẽ ban hành khung giá áp dụng cho các dịch vụ điều chỉnh tăng trên cơ sở giải trình minh bạch các chi phí trực tiếp.
Theo ông Phạm Lê Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế: điều chỉnh tăng viện phí sẽ áp dụng đối với 350 dịch vụ kỹ thuật có khung giá lạc hậu quy định tại thông tư 14 từ năm 1995. Đây là khung giá để quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán cho BN.
|
Bà Tiến cho rằng khi giá bán dịch vụ cao lên, bên mua dịch vụ (là Bảo hiểm xã hội) sẽ yêu cầu chặt chẽ hơn, nếu BV phục vụ không tốt, chất lượng khám chữa bệnh không đảm bảo sẽ không bán được dịch vụ. Tức số người đăng ký BHYT tại BV đó sẽ giảm, do hiện nay nguồn thu của BV từ BHYT chi trả đã chiếm tỷ lệ lớn, BN chi trả viện phí trực tiếp đã giảm nhiều.
Bộ Y tế cũng sẽ thực hiện nâng cao chất lượng bằng giảm tải. Trong đó, sẽ tiến tới quy định số BN/1 bác sĩ để đảm bảo chất lượng khám cho người bệnh tốt hơn; làm được điều này Bộ sẽ tăng cường nhân lực. Đồng thời thành lập hội đồng kiểm tra về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh của BV.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng điều chỉnh 350 dịch vụ y tế rất cấp bách. Tuy nhiên, Bộ cần tính toán tình hình chi phí ở những nhóm dịch vụ đặc trưng, điều chỉnh tăng chiếm bao nhiêu % so với thu nhập hiện nay ra sao. Phó thủ tướng cho rằng nếu tăng mạnh quá thì có cân nhắc.
Ngoài ra, Bộ Y tế cần cho người dân được biết, những đối tượng đặc thù: người nghèo được cấp thẻ BHYT, bệnh nhi dưới 6 tuổi được thanh toán hoàn toàn, Nhà nước sẽ lo. Như vậy, cần phải giải thích rõ ràng cho những đối tượng nhạy cảm không bị ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng ít khi điều chỉnh viện phí tăng.
Nhiều mức tăng Theo ông Phạm Lê Tuấn, so với khung giá cũ, tiền khám bệnh các tuyến huyện - tỉnh - thành phố là 500đ-3.000đ/lần khám hiện đã không đủ chi cho mua găng tay, khẩu trang. Do đó, mức đề xuất tăng lên: 6.000 - 25.000đ/lần khám. Mức giá này tùy theo hạng bệnh viện, từng chuyên khoa. Trong đó, thấp nhất là trạm y tế xã: 6.000 - 10.000đ/lần khám, còn BV hạng 1, hạng đặc biệt thu ở mức cao nhất là: 20.000-25.000đ/lần khám. Tiền giường theo khung giá cũ 4.000 - 18.000đ/ngày giường bệnh (GB), trong khi chủ tính riêng tiền xử lý chất thải đã là 10.000 - 17.000đ/GB. Mức phí này Bộ Y tế dự kiến điều chỉnh tăng lên 10.000 - 15.000đ/ngày/GB ở trạm y tế xã; còn các hạng khác mức cao nhất sẽ là 240.000đ/GB/ngày với các GB điều trị ngoại khoa, điều trị bỏng nặng. Ngoài ra, giá nhiều dịch vụ kỹ thuật cũng được Bộ Y tế kiến nghị điều chỉnh với lý do: "giá cũ đã không còn phù hợp vì kỹ thuật và và công nghệ y tế ngày càng phát triển làm chi phí tăng thêm". Ông Tuấn dẫn chứng: ví dụ bơm kim tiêm trước đây dùng nhiều lần, y tá phải mài kim để dùng lại nay chỉ sử dụng một lần, giá 500 - 2.000 đồng; chỉ phẫu thuật trước đây giá 1.000 - 2000đ/sợi nay là chỉ tự tiêu 45.000 - 70.000đ/sợi". Với mỗi loại phẫu thuật, thủ thuật có nhiều phương pháp khác nhau: (nội soi, gây tê, gây mê..) thì sẽ quy định khung giá cụ thể theo từng loại. Mức điều chỉnh này sẽ tính đầy đủ chi phí vật tư tiêu hao. Ví dụ: theo thông tư 14 năm 1995, cắt Amidan 20.000 - 40.000đ vì kỹ thuật đơn giản dễ gây tai biến thì nay hầu hết phải gây mê. Riêng tiền thuốc mê đã lên 300.000đ/ca cùng nhiều chi phí khác nên chi phí trực tiếp đã lên đến 600.000đ -700.000đ/ca. |
Liên Châu
Bình luận (0)