Tăng giá dịch vụ y tế từ ngày 20.8

10/08/2019 10:50 GMT+7

Giá khám bệnh BHYT được điều chỉnh lên mức 38.700 - 27.500 đồng/lần khám theo thứ hạng: BV đặc biệt, hạng 1, 2, 3, 4 và trạm y tế xã (hiện giá khám 37.000 - 26.000 đồng/lần).

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 13/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp.
Theo đó, giá khám bệnh BHYT được điều chỉnh lên mức 38.700 - 27.500 đồng/lần khám theo thứ hạng: BV đặc biệt, hạng 1, 2, 3, 4 và trạm y tế xã (hiện giá khám 37.000 - 26.000 đồng/lần). Giá dịch vụ ngày cho giường bệnh hồi sức tích cực/ghép tạng cũng tăng lên mức tối đa là 782.000 đồng/ngày (BV hạng đặc biệt, hiện ở mức 753.000 đồng/ngày); đối với BV hạng 1 và 2 là 705.000 và 602.000 đồng/ngày (tăng so với mức hiện hành 29.000 - 24.000 đồng/ngày).
Giá giường bệnh hồi sức cấp cứu/ngày cao nhất là 458.000 đồng (BV hạng đặc biệt), 427.000 đồng (BV hạng 1) và thấp nhất là 251.000 đồng (BV hạng 4); tăng 17.000 - 9.000 đồng/ngày tùy hạng BV...
Thông tư 13/2019 cũng quy định tăng giá các dịch vụ kỹ thuật (siêu âm, X-quang, nội soi), xét nghiệm, phẫu thuật...
Thông tư có hiệu lực từ ngày 20.8.

Bộ trưởng Y tế mong muốn "bệnh viện như công viên"

Ngày 9.8, tại TP.HCM, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện đổi mới thái độ, phong cách phục vụ người bệnh, bệnh viện (BV) xanh sạch đẹp; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), đổi mới cơ chế tài chính - bảo hiểm y tế (BHYT) khu vực phía nam. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các BV phấn đấu trở thành BV không giấy, không xài tiền mặt và BV như... công viên.
Về đổi mới thái độ, phong cách phục vụ người bệnh, Bộ trưởng y tế đề nghị các BV tiếp tục cải tiến; 100% nhà vệ sinh BV đạt 3 sao trở lên; giảm thời gian chờ đợi gây phiền hà cho bệnh nhân, vận động người dân khám bệnh hẹn giờ; phòng chờ bệnh nhân phải có ti vi...
Về đổi mới quản lý chất lượng, theo Bộ trưởng, năm 2018 đã có 300.000 lượt người nước ngoài KCB tại VN, chủ yếu là can thiệp tim mạch, nha khoa và thẩm mỹ. Bộ trưởng đặt vấn đề: hiện rất nhiều người nước ngoài làm việc ở VN, nhưng tại sao khi kiểm tra sức khỏe thì họ sang Thái Lan, Singapore... mặc dù chất lượng KCB ở VN tốt? “Nhiều người thấy BV ở VN nhếch nhác quá họ không vào. Nhưng quan trọng nhất là thái độ và BV xanh sạch đẹp, đầu tư kỹ thuật cao. Bộ Y tế sẽ ban hành Đề án giảm người nước ngoài tại VN ra nước ngoài KCB và thu hút Việt kiều về nước KCB”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Y tế cũng cho biết sẽ đổi mới cung ứng dịch vụ y tế. Theo đó, ngành y tế sẽ “kéo ngược” bệnh nhân từ các BV T.Ư xuống BV tỉnh, từ BV tỉnh xuống huyện. BV tuyến trên chỉ điều trị bệnh nhân nặng và phát triển kỹ thuật cao, phấn đấu đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Bộ Y tế đã ban hành Đề án 1718, chuyển giao kỹ thuật từ BV tuyến huyện xuống xã.
Về tự chủ tài chính, cuối năm nay Bộ Y tế đưa chi phí khấu hao vào giá viện phí. Bộ trưởng đề nghị các BV quán triệt không lạm dụng, không gian lận BHYT. “Ngày giường phải tính rõ ràng, ai đáng điều trị ban ngày thì điều trị, dứt khoát không lạm dụng cái này. Các BV phải chỉ định đúng theo phác đồ điều trị”, Bộ trưởng y tế chỉ đạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.