Tăng giá sách giáo khoa, cần công khai, minh bạch

15/03/2019 14:06 GMT+7

Cảm giác khi mở trang báo Thanh Niên , đọc hết bài báo về việc NXB Giáo dục in giá sách giáo khoa đã tăng nhưng vẫn 'đá' trách nhiệm cho nhau, tôi thấy có gì đó nghèn nghẹn ở nơi cổ họng.

Mới vài ngày trước, khi thông tin Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam (GDVN) âm thầm định tăng giá sách giáo khoa xuất hiện trên hàng loạt trang báo, Bộ DG-ĐT đã thẳng thắn tuyên bố không thể có chuyện đó.
NXB in sách, còn chuyện muốn tăng giá ra sao phải được cho phép, và phải được công bố công khai lý do. Đại diện Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, năm học mới này, giá sách giáo khoa không tăng!
Ấy vậy mà, đùng một cái, theo một điều tra của Báo Thanh Niên, sách giáo khoa được in với giá tăng, đã in xong và nộp lưu chiểu từ tháng 1.2019 và xuất hiện ở nhà sách.
Một giáo chức ở TP.HCM còn dẫn chứng, theo giá bìa sách tại một nhà sách trên đường Nguyễn Tri Phương, có cuốn sách tăng 12%, có cuốn tăng đến 38%!
Một cuốn sách giáo khoa tăng vài nghìn đồng, nhìn có vẻ không hề lớn. Nhưng nhân lên cho hàng chục đầu sách trong bộ sách mà một học sinh cần phải có để đến trường trong một năm rồi 12 năm học thì là không hề nhỏ.
Tôi đã đọc trong một bài báo khác, chúng ta đang có khoảng 20 triệu học sinh các cấp, nền giáo dục cần khoảng 100 triệu bản sách giáo khoa và khoảng 100 triệu bản sách bổ trợ với tổng doanh số gần cả ngàn tỉ đồng/năm.
Với nhiều người, vài ngàn hay vài trăm ngàn đồng không là gì, chỉ là một chầu cà phê. Nhưng không thể lấy mặt bằng của những gia đình khá giả để so sánh với con em của những phụ huynh làm nông, "bán mặt cho đất bán lưng cho trời" cả ngày kiếm những đồng bạc lẻ để mong đàn con có cái ăn cái mặc đủ đầy, được đến trường.
Tăng giá sách giáo khoa, với họ, cũng giống như trong nhà họ sẽ phải cắt bớt lon gạo, cân khoai, bịch muối… để nuôi tiếp cho giấc mơ được đi học của các con. Việc tăng giá sách giáo khoa, trực tiếp ảnh hưởng tới hàng triệu triệu gia đình Việt Nam.
Nói như vậy để thấy rằng, tăng giá, đặc biệt là sách giáo khoa, thứ không thể không có với bất cứ học sinh nào, là vấn đề nhạy cảm, dễ gây dư luận nên càng cần phải thận trọng và phải công khai, minh bạch. Thế nhưng, cách NXB GD VN đã làm, đó là âm thầm, tự biên tự diễn và đến khi được báo chí phanh phui thì lấy lý do này khác để chống chế.
Nhiều người đưa ra câu chuyện, sách giáo khoa 8 năm qua chưa tăng giá, trong khi xăng, dầu, điện, nước... đều đã tăng vọt… Tôi cho rằng sách giáo khoa là một lĩnh vực đặc thù, có trợ giá của nhà nước, trợ giá bằng tiền thuế của nhân dân đóng góp, phục vụ mục đích giáo dục là quốc sách, nhiều năm qua nó ổn định giá là điều vô cùng dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu phải tăng giá vì chi phí nguyên liệu hay in ấn… tăng, nó càng phải được công khai và càng phải để người dân hiểu, họ đang được tôn trọng chứ không nên đặt người dân vào "thế đã rồi"!.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.