Tăng học phí, đẩy con nhà nghèo vào ngõ cụt

28/06/2007 00:10 GMT+7

(Nhân đọc bài Hà Nội, TP.HCM đồng loạt tăng học phí từ 3 đến 5 lần! trên Thanh Niên 178, thứ tư 27.6) Theo nền kinh tế của nước ta, hiện nay việc tăng học phí sẽ gây khó khăn cho học sinh nghèo. Chắc các trường sẽ chỉ dạy con những người khá giả thôi vì với mức thu học phí như hiện nay, nước ta có rất nhiều người còn không đủ điều kiện cho con đi học, sẽ phải bỏ học giữa chừng, vậy mà còn tăng học phí lên nữa. Đợt tăng học phí này để loại bỏ thành phần nghèo khó ra khỏi trường học chứ gì? (chinane…@yahoo.com)

Hôm nay tôi thực sự bàng hoàng khi nhận được tin tất cả các trường đều đồng loạt tăng mức thu học phí. Bàng hoàng vì trước sự gia tăng giá cả trên thị trường đã đưa những cán bộ công nhân viên sống bằng đồng lương thu nhập chân chính đã bị teo tóp lại, nay lại phải gồng lưng gánh thêm gánh nặng học phí thì làm sao chịu nổi? Con tôi 2 đứa theo đúng chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước chắc chắn phải rời trường nếu không muốn cha nó phải lao vào con đường tham nhũng hối lộ để đủ tiền trang trải học phí. Chính phủ nghĩ sao? (thanhlong…@gmail.com)

Đọc xong bài báo Hà Nội, TP.HCM đồng loạt tăng học phí từ 3 đến 5 lần !, tôi cũng như các đồng nghiệp trong cơ quan rất bức xúc với cái cách làm tùy tiện của một số trường tại HN và TP.HCM. Là cán bộ, nhân viên Nhà nước như chúng tôi, với mức lương không quá 2.000.000 đồng một tháng, việc đóng học phí cho các con là một vấn đề không nhỏ. Thực ra bức xúc cũng chẳng làm được gì, nhưng xin phép quý tòa soạn cho tôi được nói những ý kiến của mọi người trong cơ quan buổi sáng ngày hôm nay.

Nguyễn Đức Huy (Hà Nội)

Tôi làm việc cho Nhà nước, lương hiện tại khoảng 1,2 triệu đồng, cộng các khoản phụ cấp được tất cả khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Nay nghe học phí của lũ trẻ tăng 3 lần, tôi không biết tính sao để chúng nó tiếp tục đi học đây! (vuhoang…@yahoo.com)

Ở nhiều nước, học sinh từ lớp 1-12 đều được miễn học phí. Thử hỏi nước ta tự hào là một nước XHCN mang công bằng đến cho nhân dân mà học phí thì cứ tăng đều đều như vậy, người dân nghèo không có tiền đóng học phí thì họ sẽ đành nuốt nước mắt nhìn con mình ngu dốt thất học sao? (lht…@gmail.com)

Đọc thông tin tăng học phí tôi thấy buồn và thất vọng quá. Tôi phản đối vấn đề tăng học phí này. Vì 2 lý do:

1. Mỗi công dân khi tham gia lao động đã đều phải đóng thuế cho Nhà nước. Thuế này một phần lớn dùng để chi cho an sinh xã hội. Thế mà nay, khi mức thuế thu được ngày một cao và kinh tế xã hội cũng đang phát triển tốt thì việc thu học phí, viện phí cũng ngày một tăng lên là một nghịch lý. Giáo dục tiểu học không thu học phí thì chúng ta thu học phí giáo dục mầm non để tăng thêm à?

2. Việc dạy học là để tạo ra một xã hội phát triển hài hòa, công bằng. Vậy việc tăng học phí ở một vài trường để những trường này có chất lượng giáo dục tăng lên phải chăng là một sự bất công xã hội ? Người có tiền thì được hưởng còn người ít tiền thì phải nghỉ học hoặc được học ở chất lượng kém hơn. Vậy thì tính ưu việt của chế độ ta ở đâu? Bác Hồ nói: phấn đấu để ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Tăng học phí lên, nhiều nơi lên trên 500.000 đồng/tháng (cao hơn mức lương tối thiểu hiện nay, cao hơn nhiều so với thu nhập của 70% dân số là nông dân) cho một đứa trẻ dưới 6 tuổi thì có bao nhiêu trẻ em sẽ không được đi học khi đề án này được nhân rộng ?

Vì vậy tôi đề nghị:

- Trước mắt không tăng học phí.

- Có đề án giảm dần tiến tới nền giáo dục miễn phí.

Hoàng Hải Việt (Hà Nội)

Xin hỏi Báo Thanh Niên tình hình "dầu bẩn" như quý Báo phản ánh hiện nay đã có cải thiện gì chưa? Quý Báo cứ làm các động tác "đánh rắn giữa khúc" chỉ nêu vấn đề vài hôm rồi cho chìm xuồng như thế làm độc giả và người tiêu dùng rất băn khoăn. Đề nghị quý Báo làm quyết liệt các vấn đề đến cùng để thể hiện tính đấu tranh tích cực của quý Báo.

Xin cảm ơn.

(kapste…@yahoo.com)

Bài tham gia trang này xin gửi về: Trang “Ý kiến”, Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM hoặc e-mail: ykien@thanhnien.com.vn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.