Tập đọc dòng sông

05/02/2016 17:03 GMT+7

Sông Hương đoạn chảy qua thành phố Huế có lẽ là con sông thanh bình nhất thế giới. Nước phẳng lặng, trông mặt sông như mặt hồ.

Sông Hương đoạn chảy qua thành phố Huế có lẽ là con sông thanh bình nhất thế giới. Nước phẳng lặng, trông mặt sông như mặt hồ.

Nước trong xanh nhưng không bao giờ ta nhìn thấy đáy, do sông sâu quá chăng? Mỗi lần có dịp ra Huế, buổi sáng tôi đều ngồi ở “cà phê sách” Phương Nam, uống cà phê và ngắm dòng sông Hương. Hình như cái “view” ngắm sông Hương ở đây là đẹp nhất. Một lần đưa nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tới đó uống cà phê, anh đã thốt lên ngạc nhiên: “Chỗ này đẹp quá!”. Anh Điềm là dân Huế gốc mà còn ngạc nhiên như vậy, đủ biết chỗ ngồi này đáng giá thế nào. Ngồi với nhau, anh Điềm mới hé lộ: “Lòng sông Hương ở đoạn này là sâu nhất đấy ông ạ! Vì thế, vua triều Nguyễn ngày xưa mới chọn chỗ này (bên bờ Bắc sông Hương) để xây trạm Thương bạc (trạm thu thuế đường thủy), ý rằng nơi nước sâu nhất thì tiền của mới tích tụ được nhiều nhất”. Tôi nghe anh Điềm nói, rất thú vị. Vì tôi ngồi đây không đọc sách, mà chỉ chăm chú cố gắng đọc dòng sông. Đọc sông còn hay hơn đọc sách. Thỉnh thoảng “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo” lại nhẹ nhàng bơi lội trên dòng sông Hương, không biết dân chài đánh cá hay dạo chơi

Tôi đã thấy trên cầu Giả Viên, cây cầu mới toanh của Huế bắc qua sông Hương có đặt những “vọng giang đình” thật đẹp, và đó là nơi người Huế trầm ngâm ngồi… câu cá. Tôi chưa bao giờ thấy họ câu được con cá nào, nhưng họ thật bình thản, không có vẻ gì là sốt ruột. Lã Vọng hồi xưa cũng bình tĩnh đến thế là cùng! Nhưng những người ngồi ở “vọng giang đình” câu cá, họ tuyệt không chờ được vời ra làm quan, đơn giản, họ chỉ chờ cá cắn câu. Nhưng cá không cắn, người ta nói cá sông Hương khôn lắm. Tôi không biết cá dòng sông này khôn thế nào, nhưng xét về độ ngon khi nó đã lên đĩa trên bàn nhậu, thì cá sông Hương vô địch thơm ngon. Hoàng Phủ Ngọc Tường từng viết ký nói là do cá sông Hương ăn rễ cây xương bồ phía đầu nguồn có vị thơm kỳ lạ, nên thịt cá có hương như vậy. Tôi không tin lắm, vì cá hiếm khi ăn rễ cây. Nhưng chắc chắn cá sông Hương ăn những loài rêu tảo gì đó để hình thành hương thơm quyến rũ như vậy. Đó là cá nước lợ, ở phía cuối dòng sông mà những người dân chài lưới thường đánh bắt được. Trong những loài cá có hương thơm, tôi thích cá ong bầu. Đó là một loại cá nhỏ, da lấm chấm đen hơi giống con ong bầu, chỉ nấu với rau mùng tơi là hương thơm tỏa ngút ngát. Ngồi ở quán Quỳnh Hương bên bờ sông đối diện Cồn Hến mà ăn cá ong bầu nấu rau mùng tơi, thì không có gì thú vị bằng.

Mỗi năm ra Huế mấy lần, những chỗ ngồi vẫn lặp lại, những người bạn vẫn cũ, nhưng sự thanh thản trong lòng thì luôn mới. Nhiều người Huế sống rất thanh thản, không muốn đua tranh, ít thích ồn ào, có lẽ vì họ ở bên một dòng sông đặc biệt kiệm lời là sông Hương. Sống chậm như thế với thời hội nhập buôn bán ì xèo này thì xem ra không hợp lắm, nhưng biết làm sao. Mỗi người có một lựa chọn cho cuộc sống của mình, và chúng ta phải tôn trọng sự lựa chọn đó. Như tôi, sau rất nhiều năm chuyên uống cà phê ngoài quán, đột ngột tôi lại thích uống cà phê ở nhà. Với vài người bạn. Đó cũng là một thay đổi, một lựa chọn mới cho tôi, và tôi thấy rất ổn.

Sống chậm nhưng nghĩ nhanh, đó là một xu hướng đang phát triển hiện nay trên thế giới. Ngồi uống cà phê mà đọc sông Hương đang gần như không chảy, hay chảy quá chậm, cũng có thể rút ra vài điều cho minh. Chảy chậm chưa hẳn là không tốt, khi dưới đáy sông còn ẩn chứa những gì không ai biết. Cá nhỏ mà thơm ngon như cá ong bầu, thì xơi cá lớn làm gì. Những người lao động làm ăn tất bật với tốc độ cao, nhưng cuộc sống lại cần chảy chậm. Những người hướng ngoại làm thế giới sôi sục lên, đầy sự kiện lên, còn người hướng nội lại khiến thế giới có chiều sâu hơn, nhiều phát kiến hơn, nhiều khoảng lặng hơn. Đôi khi hơi chậm, đôi khi hơi lơ đãng chưa hẳn đã dở. Sông Hương chậm và lơ đãng, nhưng nó phải ở trong số những dòng sông đẹp nhất thế giới. Đó là dòng sông hướng nội.

Tôi may mắn được đi xuồng và lội nước qua đồng Tháp Mười đúng mùa nước nổi ngày chiến tranh, nên có nguyên vẹn những thời khắc khác nhau để Đồng Tháp ngấm vào tâm hồn và ký ức của mình. Bây giờ đi du lịch không thể có được sự ngấm ấy, vì những nơi đẹp nhất ta đều lướt qua khá nhanh. Còn ngày tôi qua Tháp Mười, có đủ thời gian để “biển nước” này ngấm vào mình theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Có những đêm bơi xuồng trong những cánh đồng sen mênh mang, thì chỉ với mùi hương hoa sen thôi, cứ như cả người mình được ướp hương sen, đậm đà chẳng kém những bọc trà sen hồ Tây bây giờ mà thỉnh thoảng tôi được bạn ở Hà Nội gửi cho.

Ký ức không muốn ta lật giở từng trang, nó thường bắt ta “nhảy cóc” từ đoạn này sang đoạn khác, không dính gì với nhau cả. Làm thơ cũng nên như vậy. Người ta hay nói “lang thang trên cánh đồng ký ức” là có lý của nó. Thơ như một bộ lọc ký ức, trong khi chính ký ức đã là bộ lọc của đời ta rồi. Lọc không có nghĩa những gì không nhỏ mịn sẽ còn lại như cặn. Lọc ngẫu hứng, nhiều khi cái sù sì cái ngơ ngẩn cái cục hòn lại lọt qua để găm vào ta, khiến ta nhớ. Hóa ra, “Giấu tận đáy mùa thu” chẳng phải vàng bạc châu báu gì, mà toàn những điều bình dị, những cục những hòn thô ráp, những chiếc lá vàng rơi dịu dàng. “những chiếc lá họ nhầm ra vàng lá/còn nỗi buồn ánh lên như bạch kim/”(Gửi Sergei Esenine). Những chiếc lá mùa thu đấy, nó chẳng có giá trị sử dụng gì cả, nhưng nó đẹp. Chỉ cần đẹp, là xong. Thơ chẳng vậy ư? Chỉ cần đẹp. Sông Hương chẳng thế ư, chỉ cần đẹp. Đồng Tháp Mười thì sao? Chỉ cần đẹp.

Tôi qua đồng Tháp Mười kể đã tròn 44 năm (1972), bây giờ cũng chỉ còn cái đẹp mê hồn và hoang dại của Tháp Mười khiến tôi nhớ lại rành rõ bằng cả cảm giác của mình, còn những vất vả cực nhọc nguy hiểm mình trải qua thì gần như quên hết. Cái đẹp bền bỉ là thế trong ký ức của ta. Sự di chuyển để tìm cảm giác mới lạ luôn là bản tính của con người. Di chuyển trong không gian, di chuyển trong thời gian, trong cả không-thời gian và không-không gian, cả con người và tâm tưởng của mình đều di chuyển. Đi cũng di chuyển, ngồi một chỗ cũng di chuyển. Chảy xiết như sông Đà sông Mã cũng di chuyển, mà lặng lờ như sông Hương cũng di chuyển. Tâm không vọng động không có nghĩa bất động, nó chỉ vận động theo qui luật tự nhiên. Bất động khởi nguồn vận động, vận động lại trở về bất động.

Những người 44 năm cũ cùng tôi băng qua Tháp Mười, bây giờ còn ai? Có thể, cả đồng Tháp Mười như 44 năm trước cũng không còn nữa. Năm 2015 đã không có mùa nước nổi, những năm sau thì sao? Tháp Mười sẽ như thế nào nếu không còn mùa nước nổi? Tôi đọc trên báo Người lao động thông tin này, xin ghi vào đây: “GS-TS Nguyễn Bảo Vệ (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng - Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng người dân ngóng nước nổi vì nó mang lại nhiều nguồn lợi thủy sản phong phú, ruộng đồng được bồi đắp phù sa, rửa mặn, rửa phèn cùng các chất độc hữu cơ trong đất… Khi nước không vô đồng thì không có bồi lắng phù sa, đất mất dinh dưỡng chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất lúa. Nông dân phải bón nhiều phân, thuốc để tăng năng suất, từ đó làm tăng chi phí sản xuất, giá thành”.

Vì sao không còn mùa nước nổi? Thì đây: “Sau thủy điện Xayabury, Lào lại tiến hành dự án đập Don Sahong trên hạ nguồn sông Mê Kông. ĐBSCL nằm ở cuối nguồn chắc chắn sẽ gánh trọn hậu quả khi mất mùa nước nổi”. Và chắc chắn, không chỉ có Lào. Trung Quốc còn đáng sợ hơn nhiều, với các dự án thủy điện của họ.

Không còn mùa nước nổi thì nông dân đồng Tháp Mười sẽ sống ra sao? Họ chỉ còn cách rời bỏ Đồng Tháp để lên thành phố làm thuê làm mướn. Sự cạn kiệt của đồng Tháp Mười sẽ dẫn tới sự cạn kiệt sinh kế của hàng triệu người dân.

Hóa ra, mùa nước nổi không chỉ đẹp, nó còn là điều kiện sống của con người. Nếu sắp tới đây, sông Hương cũng làm thủy điện thượng nguồn, dòng sông Hương cũng cạn kiệt như sông Trà từ nhiều năm nay, thì Huế sẽ ra sao?  

Sự tàn phá các dòng sông mang lại sự hủy hoại về nhiều mặt đời sống của nhân loại. Không biết trong lịch sử cổ đại đã có những thời kỳ nào mà các dòng sông bị tàn phá như hiện nay ? Bây giờ nhìn các dòng sông sao thấy quá mong manh. Người Việt là dân tộc thiết tha với sông nước, gắn bó với những dòng sông kênh rạch từ thuở mới chào đời. Bây giờ, sự liên kết ấy đang bị chia lìa bởi những dòng sông cạn nước những dòng sông ô nhiễm. Chợt nhớ Bích Khê:                    

               “Ngày đi chậm lắm. Dòng sông biếc
                 Hừng sáng trong trời sợi sợi mưa” (Làng em - Bích Khê)

Ngày Bích Khê viết bài thơ này đã cách đây hơn 70 năm. Dòng sông mà Bích Khê viết trong bài thơ là sông Trà, ngày ấy còn đầy ắp nước. Xanh biếc. Lộ đáy sông màu cát trắng tinh khiết. Bây giờ thì nước cạn cả mùa mưa, cát đáy sông bị xúc lên bán khiến lòng sông trơ ra, làm sao mà “lộ cái khuôn vàng” được. Tôi vừa dự đêm thơ nhạc tưởng niệm 70 năm ngày Bích Khê mất. Đời ông sau khi ông chết lại long đong hơn cả khi còn sống. Bị vu cáo về chính trị dù không hề dính líu tới chính trị, bị “hiểu đểu” về thơ dù thơ trong trẻo đến mơ hồ. Bích Khê thơ và đời long đong nhưng không hư mất. Sau đúng 60 năm, Bích Khê lại phục sinh, cả người và thơ. Còn bây giờ, ông đã được khẳng định, được hiểu đúng cả thơ và người. Quyết liệt hiến mình cho thơ, nhưng Bích Khê thật bình tĩnh. Ông biết kiên nhẫn, biết chờ đợi, biết khoan hòa ngay cả sau khi chết. Với Bích Khê, đúng là “tuổi chết nhiều hơn tuổi sống”, nhưng hóa ra, “tuổi chết” ấy lại giữ cho “tuổi sống” đẹp trọn vẹn. Cả Thơ và Người. Tôi đã từng làm thơ ca ngợi những nhà thơ Nga chết trẻ, bây giờ nghĩ lại, Việt Nam mình cũng từng có một thế hệ nhiều nhà thơ nhà văn nổi tiếng đã qua đời ở tuổi thanh xuân. Đó là vào thời kỳ văn học 1930-1945. Giống như Sergey Essenin, Bích Khê cũng có những bài thơ những câu thơ tuyệt hay về mùa thu, dù mùa thu nước Nga không hẳn giống mùa thu Việt Nam. Nhưng lá vàng thì giống, cũng một màu vàng dễ vỡ ấy.

Nhớ Bích Khê, thì lại nhớ người cháu ruột gọi Bích Khê bằng chú, đó là anh Lê Quốc Ân. Tôi thường nói với bạn bè: “Bích Khê ăn vào hậu vận (sau khi chết). Ông không vợ con, nhưng có một người cháu đã khiến ông nhẹ nhàng phục sinh, đó là anh Lê Quốc Ân”. Có thể anh Ân khá giả, có điều kiện kinh tế. Nhưng thiếu gì người còn giàu hơn, mà lại là con chứ không phải cháu, nhưng đã lo được gì cho bố mẹ mình? Sự tử tế có thể đến từ bất cứ đâu, không cần biết là con hay cháu. Nhắc về sự tử tế, lại nhớ cách đây mấy ngày, tôi từ Hà Nội bay về Đà Nẵng. Nhà thơ Ngô Thế Oanh bạn tôi tiễn tôi tới tận quầy làm thủ tục lên máy bay của Hãng Vietnam Airlines, do chân tôi yếu. Nhưng khi hai chúng tôi, đã cầm chắc… tuổi 70, bước tới quầy thủ tục, thì một cháu gái của Vietnam Airlines đã nhẹ nhàng và lễ phép hỏi chúng tôi: “Hai bác làm thủ tục ạ?”. Chúng tôi vâng. Thế là cháu gái nhẹ nhàng nói gì đó với những người đang xếp hàng, trong đó có cả khách Tây. Rất nhẹ nhàng, tất cả họ đã nhường cho hai chúng tôi làm thủ tục trước. Phải thú thật, tôi rất cảm động vì cử chỉ này của hành khách, nhất là sự quan tâm chân tình của cháu gái nhân viên Vietnam Airlines. Có thể cháu đã được “tập huấn” để đối xử như vậy với khách, nhưng cũng thiếu gì người học mãi có vào đâu, “rằng quen mất nết đi rồi” nên lại cứ “lối cũ ta về” khi ứng xử với khách hàng.

Văn minh thật khó, vì nếu thiếu sự tử tế, thì không bao giờ có văn minh. Các khẩu hiệu không làm nên thực chất, như chiếc áo không làm nên thầy tu. Nếu tử tế, người ta đã không tàn phá các dòng sông, như kiểu tàn phá sông Đồng Nai. Nếu tử tế, người ta đã để cho các nhà thơ trong sạch được sống yên ổn và sáng tác tự do. Nếu tử tế, người ta đã không nỡ bắt những người lao động nghèo, nhưng giáo viên khổ khi xin việc phải nộp tiền “lót tay” với số tiền nhiều khi lên tới mấy trăm triệu. Nếu tử tế… Từ câu chuyện dòng sông cạn nước, tôi nghĩ nhiều đến nỗi cạn kiệt sự tử tế, cạn kiệt lòng nhân ái. Tiền thì ai cũng cần, nhưng đừng tham quá. Tham quá dẫn tới cạn kiệt tính người. Khi dòng sông cạn nước, biết lấy gì bù vào? Khi con người cạn lòng nhân, lấy gì bù đắp? Đâu có thể lấy tiền lấp kín cái khoảng rỗng mênh mông và lạnh lẽo kia?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.