Tập sách 'ngẫu hứng' của nhà văn Trần Nhã Thụy

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
30/01/2020 06:00 GMT+7

Bản tính điềm đạm, trầm tĩnh, Trần Nhã Thụy lại hay thực hiện những gì ưa thích theo cách riêng.

tác phẩm mới nhất của anh Ba tao bay ra ngoài cửa sổ & 9 truyện ngắn khác (NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành) cũng không là điều ngoại lệ.
Tập truyện tập hợp 10 truyện ngắn được viết trong khoảng thời gian 10 năm (2009 - 2019), cùng 10 cặp minh họa của các họa sĩ của thế hệ 7X: Phan Trọng Văn, Nguyễn Thị Châu Giang, Trần Văn Duy, Lương Lưu Biên, Trần Trung Lĩnh, Tôn Thất Tùng Hải, Bùi Tiến Tuấn, Hoàng Dương Cầm, Nguyễn Sơn và Huỳnh Lê Nhật Tấn, thế hệ gắn bó với những câu chuyện buồn vui được đề cập nhiều trong tập sách. Nhà văn tiết lộ: “Nếu tính từ năm 1991, khi tôi vào Sài Gòn, bước chân vào đại học thì đến nay tôi đã có 29 năm theo nghề viết. 29 năm và 12 đầu sách văn chương. Dù không dám nói mình làm nghề chuyên nghiệp, nhưng tôi luôn cố gắng chuyên nghiệp nhất trong từng trang viết của mình. Nhưng, có thể nói việc ra mắt tập sách này là hoàn toàn ngẫu hứng, nằm ngoài dự liệu. Đây cũng là tập sách mà lần đầu tiên tôi tự bỏ tiền túi ra in, không liên kết với bất kỳ đơn vị nào, cũng không nhận một đồng tài trợ của ai, tôi xác định đây là cuộc chơi cá nhân. Và cũng là một dịp quý để tôi “test” lại bạn đọc thực sự của mình”.
Ba tao bay ra ngoài cửa sổ & 9 truyện ngắn khác là tập sách thứ 13 của nhà văn Trần Nhã Thụy. Ở đó, độc giả sẽ bắt gặp những thân phận như G (Những kẻ câu đêm) mà dưới góc nhìn sâu sắc của nhà văn, mọi thứ mang một ý nghĩa sâu xa hơn: “Những khuôn mặt trong bóng đêm khi hiện diện dưới ánh mặt trời sẽ khác, thay đi bộ quần áo khác sẽ khác, khi ngồi ở nơi của họ thì họ cũng sẽ khác...”, hay tình bạn và những con người chân chất, mộc mạc nơi quê nhà với Kỷ sau những lặn lội mưu sinh đầy vất vả (Súng săn). Đọc truyện ngắn Ba tao bay ra ngoài cửa sổ, tự dưng cả một tuổi thơ thời đi học “trẻ trâu” thích nhảy cửa sổ của nhiều người bỗng ùa về. Những câu chuyện Trần Nhã Thụy không “đao to búa lớn” nhưng luôn hấp dẫn bởi chất chứa biết bao nỗi niềm, sự hoài niệm của một người đàn ông từng trải, luôn tất bật lo toan cùng cuộc mưu sinh nhọc nhằn của những con chữ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.