Tàu cá nằm bờ vì chờ... chính quyền nghiên cứu !

22/03/2018 04:45 GMT+7

Luồng vào cảng Lạch Bạng (H.Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bị bồi lắng, ngư dân liên tục làm đơn kêu cứu vì không thể ra khơi, nhưng đến nay chưa có cách nào khắc phục, trong khi cơ quan chức năng vẫn đang “nghiên cứu”!

Thiệt hại đủ đường
Cảng Lạch Bạng nằm giáp ranh giữa 2 xã Hải Bình và Hải Thanh (H.Tĩnh Gia), là khu vực neo đậu, tránh trú bão cho khoảng 1.000 tàu, thuyền của H.Tĩnh Gia và nhiều địa phương trên cả nước. Cảng này được xem là cảng lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ, với hàng trăm nghìn lượt tàu thuyền ra vào mua bán hải sản, thực phẩm mỗi năm.
Năm 2010, tuyến Lạch Bạng - đảo Mê (H.Tĩnh Gia) được Bộ GTVT công nhận là tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay, tình trạng luồng vào cảng dài gần 2 km (từ cửa lạch vào khu neo đậu tàu thuyền) bị bồi lắng, đá ngầm khiến tàu thuyền có công suất từ 300 CV trở lên không thể ra vào. Mỗi năm có hàng chục chiếc tàu bị mắc cạn, thường xuyên xảy ra các vụ gãy chân vịt, thủng thuyền vì va vào đá ngầm, có tàu mắc cạn bị sóng đánh hư hỏng toàn bộ, thiệt hại hàng tỉ đồng… Thế nhưng sau khi nhận được phản ánh, báo cáo của cấp dưới về tình trạng nói trên, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ ban hành các văn bản giao các sở, ngành liên quan tập trung “nghiên cứu”, “tham mưu” chứ chưa có giải pháp cụ thể. Thời gian để các đơn vị được giao “nghiên cứu”, “tham mưu” tối đa tới 3 năm, trong khi hàng chục nghìn ngư dân, doanh nghiệp, giới kinh doanh dịch vụ hậu cần khẩn thiết kêu cứu từng ngày.
Ông Cao Thanh Thuận (ngư dân xã Hải Bình, H.Tĩnh Gia), lái trưởng tàu TH-9158-TS, phản ánh: “Vừa ra tết, tôi có đi chuyến biển đầu tiên, khi vào cảng thì bị mắc cạn và gãy cánh quạt chân vịt nên đang kéo tàu vào bờ để thay. Không chỉ mất thời gian đi biển, nhiều lao động không có việc làm, còn chủ tàu cũng thiệt hại rất lớn”.
Ông Phạm Tây (45 tuổi, quê Quảng Ngãi), người có hơn 20 năm kinh nghiệm đi biển, cho biết gia đình ông có đôi tàu số hiệu QNg-97265 và QNg-97264, do ngư trường đánh bắt gần khu vực biển vịnh Bắc bộ, nên trước đây thường vào cảng Lạch Bạng bán hải sản, mua ngư cụ và các vật dụng thiết yếu. Nhưng hơn 2 năm nay, do lạch cạn, ông phải đưa tàu về Quảng Ngãi neo đậu. “Ngư trường thì ngoài này, trong khi mỗi chuyến đánh bắt xong phải chạy về Quảng Ngãi xa hơn rất nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng hải sản, tốn tiền dầu mỡ lại mất thời gian để tiếp tục ra khơi. Người đi biển thường cứ cảng nào gần ngư trường nhất thì vào, nhưng giờ không dám vào Lạch Bạng nữa, thu nhập của anh em trên tàu giảm sút nhiều so với trước đây”, ông Tây nói.
Lại tiếp tục “nghiên cứu”, “tham mưu”
Ông Nguyễn Công Chính, cán bộ xã Hải Bình, cho biết năm nào địa phương cũng có hàng chục chiếc tàu của ngư dân bị mắc cạn. Sau cơn bão hồi tháng 10.2017, luồng Lạch Bạng càng bị bồi lắng khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ. “Có hôm tàu vào, trên tàu chứa hàng chục tấn cá, nhưng đến cửa lạch thì bị mắc cạn không thể vào bến bán cá. Nếu đưa tàu nhỏ ra trung chuyển sẽ mất rất nhiều thời gian nên hải sản bị hư hỏng. Hiện tại ở cảng vẫn còn hàng trăm con tàu nằm bờ, nguyên nhân chủ yếu là do luồng lạch quá cạn, tàu công suất lớn không thể ra khơi”, ông Chính nói.
Ông Mai Xuân Châu, Trưởng phòng NN-PTNT H.Tĩnh Gia, cho biết thực trạng Lạch Bạng bị bồi lắng đã diễn ra nhiều năm, nhưng cấp huyện báo cáo, xin chủ trương chứ không có kinh phí để nạo vét. Cực chẳng đã, đầu tháng 1, Hội Doanh nghiệp H.Tĩnh Gia có đề xuất gửi các ngành chức năng và UBND tỉnh Thanh Hóa xin chủ trương để hội cùng các chủ tàu tự đóng góp kinh phí duy trì nạo vét thường xuyên luồng vào cửa Lạch Bạng. Nhưng đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ mới giao các sở, ban ngành tiếp tục nghiên cứu, tham mưu.
Trả lời Thanh Niên, ông Lê Như Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, cho rằng việc nạo vét luồng vào Lạch Bạng chậm triển khai là do chủ trương chuyển đổi sang hình thức đầu tư khác và do thủ tục về đất đai. “Ban đầu, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT triển khai, khi đang chờ Sở GTVT thẩm định nữa là xong và tiến hành thi công thì Hội Doanh nghiệp H.Tĩnh Gia lại xin đầu tư bằng hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) nên tỉnh phải dừng dự án của Sở chủ trì trước đây. Hiện UBND tỉnh đang giao Sở KH-ĐT nghiên cứu tham mưu cho tỉnh để thực hiện theo dự án mà Hội Doanh nghiệp H.Tĩnh Gia đề nghị”, ông Tuấn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.