"Tàu phá băng" cho Toán học Việt Nam

20/08/2011 08:00 GMT+7

(TNO) Rất nhiều hi vọng đối với nền Toán học nước nhà sau sự kiện thành lập Viện Nghiên cứu cấp cao (NCCC) về Toán học do GS Ngô Bảo Châu đảm nhận vai trò Giám đốc khoa học.

Tròn một năm ngày nhận giải thưởng Fields, chiều 19.8, tại Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu với tư cách là Giám đốc khoa học, GS Lê Tuấn Hoa, Giám đốc điều hành và hội đồng khoa học của Viện NCCC về Toán lần đầu tiên có buổi gặp gỡ, trao đổi với một số báo xung quanh những hoạt động chính của Viện trong thời gian tới.

GS Ngô Bảo Châu: Sẽ có nghiên cứu ứng dụng

Thực tế cá nhân tôi cảm thấy rất phấn khởi, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động của Viện trong dịp hè vừa rồi rất thực chất và có dấu ấn. Trong tương lai, chúng tôi cố gắng hết sức làm việc để cuốn hút các anh em trẻ nghiên cứu Toán học trên thế giới.

Việc triển khai nhóm nghiên cứu, là một bước đầu tiên giữ chân, lôi kéo họ về với đất nước. Để làm được vậy, hằng năm, Viện phải có 2-3 chương trình trọng điểm, cần kinh phí lớn. Còn ở thời điểm này, tôi cảm thấy được sự ủng hộ từ trái tim anh em, đồng nghiệp trong làm Toán cũng như Bộ GD-ĐT và Chính phủ

Cùng với việc thành lập Viện NCCC về Toán, trong những năm tới chúng tôi triển khai nhiều hoạt động về nghiên cứu ứng dụng. Cá nhân tôi sẽ nỗ lực để Viện có những hoạt động khoa học Toán học ứng dụng liên quan tới ngành khác như khoa học, viễn thông, vật lý…

GS.TS Dương Minh Đức, ĐH KHTN TP.HCM: Người đam mê Toán vẫn còn nhiều

Tôi là người thường xuyên tiếp xúc với sinh viên các lớp cử nhân tài năng Toán. Theo quan sát của tôi, số người đam mê với môn Toán thực tế có rất nhiều. Hơn nữa, sinh viên ngày nay so với thế hệ chúng tôi, nhiều em rất giỏi và đam mê với ngành Toán. Ngành Y đang sốt như vậy nhưng năm nay có thí sinh đứng trong nhóm đầu của ngành Y nhưng lại quyết định theo học Toán.

Nếu chỉ xem xét từ những thành viên đã đoạt giải quốc tế Toán học, không theo đuổi ngành Toán mà kết luận rằng ngành Toán đang đi xuống thì chưa chính xác. Theo tôi, cần có sự tách bạch, việc đội tuyển Toán đi thi quốc tế của nước ta không đạt giải cao và thực tế 6 thành viên trong đội tuyển không theo chuyên ngành về Toán không có nghĩa là đội ngũ Toán học đang đi xuống. Vấn đề ở đây là các thầy ngày càng nghiêng về luyện thi với các mẹo để đoạt giải Olympic quốc tế chứ chưa chú trọng đến việc khơi gợi, nuôi dưỡng đam mê cho các em. Đây là sai lầm lớn. Các thế hệ thầy giáo đi trước thực sự đã truyền được lửa đam mê cho học trò để có những nhà khoa học như ngày nay.

Việc thành lập ra Viện NCCC về Toán sẽ là điểm để các nhà Toán học của nước ta dù làm việc ở đâu cũng có nơi để trao đổi, kết nối, qua đó có thể thành lập những nhóm nghiên cứu thay vì những hoạt động rời rạc như lâu nay của các nhà Toán học.

GS Đàm Thanh Sơn, Viện Lý thuyết hạt nhân, ĐH Washington: Tấm lòng thôi chưa đủ

Đang có khoảng cách lớn giữa khoa học cơ bản Việt Nam và các nước khác. Khoảng cách này đang ngày càng tăng lên, hay nói cách khác là chúng ta ngày càng tụt hậu. Ngay trong khu vực châu Á thì các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore đang có những nỗ lực phi thường để phát triển khoa học cơ bản. Họ không chỉ thu hút tài năng trong nước mà còn cả của nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Nếu ta không nỗ lực thì vị trí của ta sẽ ngày càng thấp. Lần đầu tiên ở VN có cơ quan khoa học có tiêu chuẩn thế giới, được hoạt động theo các phương thức của thế giới, đặt vấn đề tài năng lên cao nhất chứ không phải các vấn đề khác.

Kỳ vọng Viện NCCC về Toán như “tàu phá băng”, phá vỡ những cản trở về cơ chế cho các ngành khác đi theo. Tôi cho rằng nhiều người khác có cùng chia sẻ. Hiện nay thì các giáo sư về với Viện là tự túc kinh phí nhưng về tương lai xa, “tấm lòng” là không đủ mà cần có cơ chế mới tiếp tục được.

TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT: Đang xem lại chính sách đối với học sinh giỏi quốc gia

Về nguyên nhân các ngành đào tạo khoa học cơ bản, trong đó có Toán học không thu hút được đầu vào như các ngành nghề xã hội khác cần phải có sự nghiên cứu đầy đủ. Hiện tại, đích thân Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đang phụ trách một tổ công tác để xem xét vấn đề này ở nhiều góc độ. Cần rà soát lại ở các khâu tổ chức dạy học, khâu tuyển chọn đầu vào, xu hướng lựa chọn ngành nghề của xã hội, việc sử dụng đầu ra đối với sinh viên ngành khoa học cơ bản...

Bộ cũng đang nghiên cứu về chế độ chính sách với các đội tuyển quốc gia để có những khuyến khích phù hợp và cả việc tạo ra môi trường hoạt động phù hợp với những nhà khoa học trưởng thành. Với hàng loạt các mốc đáng nói như thành tích xếp thứ 3 thế giới của đội tuyển Toán Việt Nam năm 2007, sự kiện GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields và việc quyết định thành lập Viện NCCC về Toán thì có thể thấy rõ nhận thức của Chính phủ, của xã hội, người dân đang có nhiều thay đổi đối với Toán học và các ngành khoa học cơ bản khác.

Chúng tôi phấn đấu đưa ra những kết nối giữa Toán phổ thông với Toán cao cấp. Các em học sinh sẽ được tiếp cận trực tiếp với các nhà Toán học Việt Nam tầm cỡ quốc tế, điều này sẽ đem đến những tác động mạnh tới Toán học phổ thông và các môn khoa học khác.

Ngày 16.8.2011, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập hội đồng khoa học của Viện nhiệm kỳ 2011 - 2014 gồm 14 giáo sư, trong đó có 4 giáo sư Việt Nam ở nước ngoài. Viện cũng đã được Chính phủ cấp kinh phí hoạt động năm 2011.

Ngày  23.6 - 18.8, Viện NCCC về Toán bắt đầu hoạt động khoa học dưới hình thức sinh hoạt seminar hè do GS Ngô Bảo Châu chủ trì về “Chương trình Langlands”. Ngày 12.7 - 18.8, GS Vũ Hà Văn chủ trì seminar về “Phương pháp xác suất trong Toán học hiện đại”. Ngoài các nhà Toán học trong nước, còn có khoảng 10 nhà Toán học Việt Nam đang công tác ở nước ngoài về tham dự và thuyết trình (tự túc vé máy bay). Nhiều buổi có tới 40 - 50 người nghe.

Tới đây, ngày 23.8, GS Nguyễn Hữu Dư (trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) chủ trì seminar về “Xử lý tín hiệu”.

Ngày 16 - 17.1.2012, Viện NCCC về Toán sẽ làm việc với Ban tư vấn quốc tế của Viện. Đây là dịp để Viện NCCC về Toán ra mắt với cộng đồng khoa học quốc tế.

Tuệ Nguyễn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.