(Tin Nóng) Ngày 10.8 qua, Nga đã bàn giao cho Hải quân Ai Cập chiếc tàu tên lửa P-32 thuộc lớp tàu tên lửa 12421 (bản xuất khẩu của lớp tàu 12411M Molniya). Đây cũng là lớp tàu tên lửa mà Việt Nam đang đóng theo nhượng quyền của Nga ở Ba Son.
Tàu tên lửa P-32 lúc ở Hạm đội Baltic - Ảnh: bmpd
|
Chiếc P-32 này nguyên là tàu tên lửa lớp xuất khẩu 12421, chỉ chế tạo đúng 1 chiếc từ năm 1994, trang bị tên lửa diệt hạm cỡ lớn Moskit (3M80, Con muỗi) định giao cho Turkmenistan, tuy nhiên sau đó nước này từ chối và quan tâm loại tàu lớp 12418 trang bị tên lửa hành trình Uran (Kh-35) - cùng loại tàu Nga đóng và sau đó chuyển giao công nghệ cho Việt Nam tự đóng.
Theo thông tin từ báo chí Nga, nhân khánh thành kênh đào Suez thứ hai, Hải quân Nga (Hạm đội Baltic) đã bàn giao tàu tên lửa P-32 cho Hải quân Ai Cập vào ngày 10.8 khi tàu này đến tham dự lễ khánh thành kênh đào.
Tàu P-32 trang bị 4 ống phóng, phóng tên lửa diệt hạm Moskit (NATO gọi là SS-20 Sunburn). Đây là loại tên lửa diệt hạm cỡ lớn, nặng đến 5 tấn, dài 9,7 m, đường kính 0,8 m, mang đầu đạn 320 kg. Tên lửa Moskit bay với tốc độ siêu âm, đến 2.800 km/giờ, tầm bắn 120 - 250 km, và do tốc độ quá lớn nên rất khó khăn để đánh chặn hay gây nhiễu loại tên lửa này. Hầu hết tàu tên lửa lớp 1241 của Nga đều dùng loại tên lửa Moskit.
Lớp tàu tên lửa thuộc dự án 1241 Molniya (Tia chớp, NATO gọi là Tarantul) do Nga phát triển, thay thế lớp tàu tên lửa Osa cũ thời Liên Xô. Trong đó tàu thuộc lớp 12421 chỉ đóng 1 chiếc là P-32 tại xưởng Vympel ở Rybinsk, tỉnh Yaroslavl từ 1994-2000, mục tiêu là nhằm giới thiệu với khách hàng nước ngoài có tiềm năng lúc đó là Ấn Độ, Việt Nam và Turkmenistan.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, cuối cùng chiếc tàu P-32 không bán được cho ai. Sau này Việt Nam và Turkmenistan chỉ quan tâm phiên bản tàu tên lửa lớp 12418 trang bị tên lửa hành trình diệt hạm Uran (Kh-35). Một tàu lớp 12418 trang bị đến 16 ống phóng tên lửa Kh-35 so với tàu 12421 hay 1241 chỉ có 4 ống phóng nếu dùng tên lửa cỡ lớn Moskit.
Tàu tên lửa P-32 lúc ở Hạm đội Baltic - Ảnh: bmpd
|
Tàu tên lửa P-32, lớp 12421 Molniya Nga bàn giao cho Ai Cập trong tháng 8.2015 tại cảng Alexandria, trang bị 4 tên lửa diệt hạm cỡ lớn Moskit. Trong ảnh là tàu P-32 với thuỷ thủ đàn người Nga tham gia diễu hành ngày 6.8 nhân khánh thành kênh đào Suez 2 - Ảnh: RT
|
Từ năm 2000 đến 2007, tàu P-32 neo ở Feodosia, từ 2007-2010 tàu được nâng cấp dự định giao cho Turkmenistan nhưng không thành. Từ 2010 đến 2013 tàu phục vụ trong Hạm đội Caspian của Nga. Tháng 11.2013 tàu được vận chuyển theo đường sông đến biển Baltic phục vụ Hạm đội Baltic.
Và nay tàu được bàn giao cho Ai Cập. Nhiều nguồn tin cho hay Ai Cập đàm phán mua tàu này từ năm 2014 vì muốn sở hữu loại tên lửa diệt hạm cỡ lớn Moskit. Như vậy Ai Cập là nước thứ hai sau Trung Quốc có được loại tên lửa diệt hạm siêu âm này của Nga.
Tàu tên lửa lớp 12418 Việt Nam đóng theo giấy phép của Nga, tại Ba Son, trang bị 16 tên lửa diệt hạm Uran (Kh-35) nhỏ gọn hơn tên lửa Moskit nhưng có khả năng đánh chìm chiến hạm có lượng giãn nước cỡ 5.000 tấn, ở tầm bắn 130 km. Tàu còn được trang bị 1 pháo hạm tự động AK-176M (cỡ nòng 76,2 mm, tầm bắn 15 km, tốc độ 130 phát/phút), 2 pháo phòng không cao tốc AK-630M (tốc độ bắn đến 5.000 phát/phút) - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
Về cơ bản, tàu P-32 của Ai Cập hay tàu Molniya đóng tại Việt Nam đều có các thông số cơ bản như nhau, vũ khí trên tàu cũng như nhau (pháo hạm, pháo phòng không tầm gần...), chỉ khác phần trang bị tên lửa. Tàu P-32 xài tên lửa diệt hạm cỡ lớn, siêu âm (4 quả/tàu); còn tàu lớp 12418 dùng tên lửa hành trình diệt hạm Uran nhỏ hơn (nặng 520 kg, dài 3,8 m, đường kính 0,42 m, đầu đạn nặng 145 kg, tốc độ 980 km/giờ, tầm bắn từ 130 - 300 km (loại Kh-35 cải tiến).
Loại tên lửa diệt hạm Kh-35 nhỏ gọn, rất giống tên lửa diệt hạm Harpoon của Mỹ đang được nhiều nước sử dụng. Nhiều chuyên gia gọi đùa Kh-35 là Harpoonsky, ý cho rằng Liên Xô nhái tên lửa Harpoon để có Kh-35 (?). Ngoài ra có thông tin cho hay Việt Nam đã được cấp giấy phép tự sản xuất tên lửa Kh-35.
Anh Sơn
>> Tàu tên lửa Svijazhsk của Nga dẫn đầu cuộc thi bắn trên biển
>> Nga phát triển hệ thống phóng tên lửa đa năng cho tàu chiến
>> Phớt lờ Trung Quốc, Nga đóng tiếp 2 chiến hạm Gepard cho Việt Nam
>> Việt Nam sẽ đóng 10 tàu tên lửa Molniya theo giấy phép Nga
>> Tàu tên lửa Việt Nam đóng sẽ trang bị tên lửa Klub của Nga
>> Nga giao trễ 2 chiến hạm Gepard cho VN vì Ukraine không bán động cơ
>> Pháp chào hàng tàu tên lửa tàng hình với Việt Nam, Malaysia
Bình luận (0)