Tây Sơn thất hổ tướng - Kỳ 6: Nữ tướng chuyên luyện voi chiến

02/03/2013 00:00 GMT+7

Bà Bùi Thị Xuân là người dạy võ cho các nữ tướng còn lại trong Tây Sơn ngũ phụng thư, chỉ huy đội nữ binh trên 2.000 người và tổ chức, huấn luyện, điều khiển đội tượng binh gồm 100 thớt voi.

Vang danh Song Phượng kiếm

Từ đường của bà Bùi Thị Xuân được xây dựng tại xã Tây Xuân, H.Tây Sơn, tỉnh Bình Định, khánh thành vào tháng 7.2008. Hằng năm, vào ngày 6.11 âm lịch, dòng họ Bùi tổ chức cúng tế vị nữ tướng này tại từ đường có rất đông người dân và chính quyền địa phương tham dự. Theo ông Bùi Đắc Dõng, người trông coi từ đường, bài Song Phượng kiếm được lưu truyền trong dòng võ cổ truyền Việt Nam ngày nay là do Bùi Thị Xuân biên soạn, được dịch nghĩa: “Hồn thương theo gươm báu/Mây bay trăng cũng chạy/Bìa rừng chim phượng múa/Bốn mùa giữ nước nam/Đông sương về quan ải/Ngàn sau chim loan bay/Trời tây nào kiếm khách/Cánh phượng đến non bồng”.

Bùi Thị Xuân người thôn Xuân Hòa, H.Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là H.Tây Sơn). Thuở thiếu thời, bà rất xinh đẹp và thích đi quyền, múa kiếm. Được võ sư Ngô Mãnh, là ông của Ngô Văn Sở, dạy võ tại nhà, cộng với khả năng thiên bẩm nên Bùi Thị Xuân có võ nghệ điêu luyện, nổi tiếng khắp vùng. Trong một lần đi săn, nhờ giết hổ cứu Trần Quang Diệu mà nên duyên vợ chồng. Khi Nguyễn Nhạc dựng cờ khởi nghĩa, vợ chồng Bùi Thị Xuân là những người tham gia đầu tiên. Bà được anh em nhà Tây Sơn giao trọng trách huấn luyện voi chiến và nữ binh. Bùi Thị Xuân thường đem voi ra tập trận tại gò Xuân Hòa nên người dân địa phương gọi là gò Tập Voi.

Khi vua Thái Đức Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu đem đại quân vào tảo trừ Xiêm La xâm lược, Bùi Thị Xuân xin tháp tùng cùng chồng. Trong trận Rạch Gầm, tướng Xiêm là Lục Cổn chỉ huy một đạo quân phối hợp với thủy quân hơn 3 vạn, nương theo dọc tả ngạn sông Tiền Giang tiến đến chiếm Mỹ Tho. Đoàn quân Xiêm bị phục binh tại Rạch Gầm. Khi chiến sự bùng nổ, Lục Cổn còn đang phân vân không biết tiến hay lui thì Bùi Thị Xuân xuất hiện, tả xung hữu đột giữa sa trường. Trong lúc giao đấu, Bùi Thị Xuân với võ nghệ cao cường đã nhanh chóng chém rơi đầu Lục Cổn, quân Xiêm hoảng sợ, bỏ chạy tán loạn.

 
Từ đường Bùi Thị Xuân tại huyện Tây Sơn, Bình Định - Ảnh: Hoàng Trọng

 
Tượng thờ Bùi Thị Xuân tại từ đường họ Bùi

Trung trinh đến hơi thở cuối cùng

Sau khi dẹp yên chúa Trịnh ở Thăng Long, đánh đuổi chúa Nguyễn ra khỏi Gia Định, vua Thái Đức xưng Hoàng đế, phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình vương. Bùi Thị Xuân cùng chồng là Trần Quang Diệu theo phụng sự Nguyễn Huệ. Bà được giao đặc trách trấn giữ nội thành Phú Xuân nên không tham gia trong trận chiến đánh tan quân Thanh xâm lược ở Thăng Long.

Hoàng đế Quang Trung băng hà, nội bộ nhà Tây Sơn mâu thuẫn rồi suy yếu dần. Cuối tháng 4 năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Ánh kéo thủy binh ra đánh Phú Xuân, quân Tây Sơn thua to. Bùi Thị Xuân phải đem nữ binh và tượng binh theo hộ giá vua Quang Toản cùng gia quyến chạy ra bắc.

Theo hai nhà nghiên cứu Quách Tấn, Quách Giao, khi Quang Toản rút về Bắc Hà an toàn, Bùi Thị Xuân vẫn ở lại Nghệ An để xây dựng lực lượng, chờ thời cơ phản công chiếm lại Phú Xuân. Hay tin Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bị bắt ở Hương Sơn, bà đem quân từ Nghệ An đi giải cứu. Bùi Thị Xuân đã cứu được Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cùng các tướng sĩ. Quân Nguyễn truy đuổi, Trần Quang Diệu hai chân sưng phù, kiệt sức đi không nổi nên Bùi Thị Xuân vừa cõng chồng vừa mở đường máu thoát thân. Tuy nhiên, hai vợ chồng bà vẫn bị quân Nguyễn bắt. Võ Văn Dũng chạy đến Nông Cống (Thanh Hóa) thì cũng bị bắt. Cả ba bị đóng cũi giải về Phú Xuân. Trên đường đi, Võ Văn Dũng phá cũi thoát thân. Bùi Thị Xuân không nỡ bỏ chồng nên ở lại cùng chết.

Theo cuốn Võ Nhân Bình Định, vua Gia Long truyền lệnh đem Bùi Thị Xuân về Bình Định, cởi bỏ hết quần áo, cột đứng trên tù xa, đẩy đi khắp các nơi. Nhân dân Bình Định nghe tin, không ai bảo ai, khi xe tù chở Bùi Thị Xuân đi qua, hai bên đều đóng cửa, người đi đường, kẻ nhóm chợ đều ngoảnh mặt lẩn tránh ra xa. Bùi Thị Xuân lại bị giải về Phú Xuân. Bà và con gái bị Gia Long cho voi xé xác.

Giáo sĩ La Bissachère mục kích cuộc hành hình vị nữ tướng này, đã tả trong cuốn ký sự của ông như sau: “Bùi Thị Xuân mặt không đổi sắc, tiến đến trước mặt voi như chọc tức nó. Mấy tên lính thét bảo Bùi Thị Xuân quỳ xuống, nhưng bà vẫn xăm xăm tiến bước. Voi lùi lại, bọn lính phải lấy giáo thọc vào đùi voi, bấy giờ voi mới quặp lấy Bùi Thị Xuân tung lên trời…”.

Giờ Bùi Thị Xuân thọ hình, trời đất đang nắng bỗng nổi sấm sét rồi tối sầm, mưa như trút nước. Người dân ở những vùng đất thuộc nhà Tây Sơn trước kia hay tin đều rơi nước mắt, âm thầm để tang gia đình Bùi Thị Xuân.

Hoàng Trọng

>> Dâng mai cho nghĩa sĩ Tây Sơn
>> Đầu năm đi cầu an ở đất Tây Sơn
>> Tôn vinh danh thần Tây Sơn bị chính sử bỏ sót

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.