Tay trắng làm nên

24/08/2006 22:09 GMT+7

Họ đều ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Lớn tuổi nhất là Hồ Công Sơn (sinh năm 1973), rồi đến Phan Thạch Vũ (1976), Dương Thế Huy và Nguyễn Tấn Tùng (1978). Họ chơi thân với nhau và đều dứt khoát xách va-li về quê ngay khi tốt nghiệp đại học với ước mơ: thực hiện thành công những ý tưởng hằng ấp ủ của mình.

Sau một cuộc hội ý chớp nhoáng, bốn chàng trai quyết định bắt tay khởi dựng một doanh nghiệp tư nhân mang cái tên đầy ngẫu hứng là "P.T.V" mà ngành nghề đăng ký kinh doanh khá dài dòng: tư vấn marketing, xây dựng thương hiệu, tổ chức các chương trình sự kiện, khuyến mãi kích cầu, giao tế cộng đồng... Tuy nhiên, tất cả cơ ngơi cũng chỉ có... cái tên. Bốn chàng phải gom bán tất cả những gì sắm được sau những năm đi làm, vay mượn thêm vốn của bà con cô bác để đầu tư thuê mặt bằng đặt trụ sở.

Xuất phát điểm "bèo" như vậy nhưng với những gì học được trên giảng đường và thực tế đi làm ở các doanh nghiệp, cộng với sự sáng tạo và nhiệt tình của tuổi trẻ, P.T.V ngày một ăn nên làm ra. Thế nhưng, họ còn quyết định táo bạo: "Phải làm một nhà sản xuất chứ không chỉ dừng lại là một người làm dịch vụ, tiếp thị". Rồi một ý tưởng lóe lên: làm thế nào có thể đẩy được tiếng tăm của "ngón nghề" chế biến cà phê Tuy Hòa lan rộng trên khắp thị trường, bán được nhiều cà phê tinh chế cho khách hàng trước sức tấn công của một số thương hiệu cà phê nổi tiếng khác? Từ ban đầu, ý tưởng của anh em không phải chỉ bán cà phê bột mà là bán máy móc và công nghệ chế biến (sau khi đã hoàn thiện), rồi dần trở thành nhà cung cấp cà phê nhân cho khách hàng. Tuy Hòa hiện có hàng trăm lò rang cà phê. Đặc điểm của những lò rang truyền thống này là quay tay hoặc gắn mô-tơ và bồn rang nhưng đều đốt bằng củi, rất vất vả cho người thợ. Đó là chưa nói đến quá trình rang, do không thể quan sát được những biến đổi của hạt cà phê trong bồn hoặc lấy vài hạt mẫu để xem thử "tới" hay chưa nên hầu hết các thợ rang phải dùng kinh nghiệm của mình bằng việc nhìn làn khói và mùi hương bốc ra để biết lúc nào phải dừng rang.

Từ những bài học thực tế, cả nhóm quyết mày mò chế tạo máy rang cà phê. Ban đầu cả nhóm mua xốp, tôn về lắp ghép mô hình hàng mấy tháng trời, phá đi làm lại không biết bao nhiêu lần, tiêu tốn đến 40 triệu đồng tiền vốn chắt chiu bấy lâu. Sau hơn một năm ròng rã nghiên cứu, đối chiếu, thi công, sản phẩm đầu tay được ra mắt khá hoành tráng.  Máy nặng 60 kg, gọn đẹp như... mơ và có thể sản xuất mỗi mẻ cà phê bột chỉ trong vòng 20 phút. Niềm vui rạng ngời trên nét mặt của mỗi thành viên! "Đứa con cưng" được thống nhất đặt tên là Eleplant. Đến bây giờ, nhóm đã cho ra đời 5 máy, với công suất rang mỗi lần từ 1,5 - 10 kg cà phê nhân, tương ứng với từng chiếc máy có trọng lượng từ 12 -  60 kg. Nguyễn Tấn Tùng tiết lộ: "Giá thành vật liệu và công sản xuất mỗi chiếc máy bình quân 10 triệu đồng, với sản lượng cà phê bột tương đương một lò rang trung bình thì có thể tiết kiệm được 100.000 đồng/ngày tiền thuê nhân công". Chiếc máy Eleplant vừa được trao bằng khen tại Hội thi sáng tạo KHKT Phú Yên lần thứ 2. Theo Vũ, sắp tới các bạn sẽ đưa ra chiếc máy này ra thị trường...

H.P

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.