Tay vợt kỳ lạ của làng cầu lông thế giới

18/08/2013 11:00 GMT+7

“Nhiều người nói rằng tôi là tay vợt kỳ lạ của làng cầu lông thế giới. Ngẫm lại không sai chút nào”, Nguyễn Tiến Minh - người vừa mang về tấm huy chương đồng lịch sử cho cầu lông Việt Nam tại giải cầu lông vô địch thế giới thổ lộ…

“Nhiều người nói rằng tôi là tay vợt kỳ lạ của làng cầu lông thế giới. Ngẫm lại không sai chút nào”, Nguyễn Tiến Minh - người vừa mang về tấm huy chương đồng lịch sử cho cầu lông Việt Nam tại giải cầu lông vô địch thế giới thổ lộ…

 Nguyễn Tiến Minh
Tiến Minh nhận huy chương đồng thế giới - Ảnh: nhân vật cung cấp

Bước tiến vững chắc

Năm 2004, ở tuổi 21, Tiến Minh bắt đầu được làng cầu lông thế giới biết đến khi đăng quang tại giải Malaysia mở rộng. Sự kiện tay vợt vô danh Tiến Minh vượt qua hàng loạt các tay vợt nước ngoài để vô địch giải gây ngạc nhiên đến kỳ lạ với bạn bè quốc tế.

 Nguyễn Tiến Minh 1
Ảnh: Khả Hòa

 

Mỗi năm tôi thi đấu gần 20 giải quốc tế nhưng mấy khi có được HLV đi cùng. Cảm giác lúc đó cô đơn lắm. Có nhiều khi thua trận, muốn được có người chỉ để nói chuyện cho hết buồn mà chẳng có ai

Ngạc nhiên bởi lẽ trước đó cầu lông Việt Nam chưa từng được đánh giá cao, chẳng tay vợt nào để lại dấu ấn ở các giải quốc tế. Kỳ lạ bởi một tay vợt nom vẻ ốm yếu lại nhỏ con với chiều cao 1 m 69 và chưa từng du học cầu lông ở các cường quốc cầu lông như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… nhưng lại có nền tảng thể lực cực tốt, khả năng phản xạ cực nhanh và kỹ thuật khá toàn diện.

Từ thành quả ban đầu, Tiến Minh tiến bộ vững chắc sau quá trình gần 10 năm theo đuổi cầu lông chuyên nghiệp. Từ đẳng cấp chơi ở các giải Challenger, Tiến Minh “tấn công” vào các giải có đẳng cấp cao như Grand Prix rồi Super Series.

Từ tay vợt vô danh trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Cầu lông thế giới, Tiến Minh vươn lên đến hạng 5, nhiều năm liền ổn định trong tốp 10, điều mà hiếm vận động viên thể thao Việt Nam nào có được.

“Đơn thân độc mã”

Tiến Minh nhiều lần thổ lộ mỗi khi du đấu quốc tế, nhìn các tay vợt nước ngoài có nguyên dàn HLV, chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ… đi cùng mà mình phát thèm.

Không thèm sao được bởi hầu hết các giải quốc tế Tiến Minh đều một mình vác vợt đi tranh tài. Tự mình phải lo chuyện ăn, chuyện ở và cũng vì không có ai đi cùng nên cũng phải tìm người tập luyện chung. Nhiều lúc không có ai đành tập chay một mình. Quan trọng là khi thi đấu, chẳng có ai ngồi trên băng ghế huấn luyện để trấn an, tư vấn cho mình, nhất là khi gặp đối thủ có lối đánh khó chịu.

Hiểu được bối cảnh khó khăn của thể thao Việt Nam khi không thể lo tất tần tật cho một vận động viên, vậy mà hễ ra sân chơi quốc tế, nhìn một số nước thành tích cầu lông còn kém hơn Việt Nam nhưng lại được chăm lo chu đáo khiến tay vợt số 1 Việt Nam tủi thân.

 

Giấc mơ mở học viện cầu lông

Nguyễn Tiến Minh cho biết anh quyết định sẽ giải nghệ vào năm 2016. Với kinh nghiệm bản thân và những gì học hỏi được sau nhiều năm du đấu quốc tế, tay vợt này muốn truyền đạt cho các tay vợt đàn em trong vai trò huấn luyện viên.Và,: “Ước mơ lớn của tôi sau giải nghệ là thành lập học viện cầu lông ngay tại TP.HCM nhằm giúp các tay vợt Việt Nam tiếp cận với điều kiện tập luyện chuyên nghiệp”, Tiến Minh cho biết.

“Mỗi năm tôi thi đấu gần 20 giải quốc tế nhưng mấy khi có được HLV đi cùng. Cảm giác lúc đó cô đơn lắm. Có nhiều khi thua trận, muốn được có người chỉ để nói chuyện cho hết buồn mà chẳng có ai. Có khi đoạt chức vô địch, được khán giả vỗ tay rần rần chúc mừng nhưng rồi sau khi nhận huy chương lại một mình lủi thủi về khách sạn và chỉ còn cách gọi điện về nhà trò chuyện cùng gia đình”, Tiến Minh bộc bạch.

Ở tuổi 30, Tiến Minh chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình bởi lẽ: “Mở mắt ra là tập luyện, từ tập thể lực đến tập kỹ thuật. Tối về nhà cũng phải lên máy tập luyện. Hơn 10 năm nay trong đầu tôi toàn tập với tập cầu lông, chẳng có thời gian đâu để nghĩ đến những chuyện khác”. Tiến Minh cho biết để giữ được phong độ hiện nay, anh phải mày mò các phương pháp tập luyện để hóa giải các đối thủ nước ngoài. Bởi lẽ các tay vợt mới nổi tiến bộ không ngừng lại có kỹ thuật hiện đại, nếu không tập luyện cật lực sẽ tụt hậu.

Bệ phóng của nhà vô địch

Tiến Minh thổ lộ có 2 người phụ nữ đứng đằng sau thành công của anh ngày hôm nay, đó là mẹ anh - bà Lê Thị Vui và cô Huỳnh Ngọc Liên - Phó chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TP.HCM.

Bà Vui là người ủng hộ Tiến Minh theo đuổi cầu lông chuyên nghiệp khi tay vợt này đắn đo giữa lựa chọn học văn hóa hay theo cầu lông. Chấp nhận cho con theo đuổi cầu lông chuyên nghiệp trong bối cảnh của thể thao Việt Nam là quyết định đi vào con đường mạo hiểm nhưng bà Vui cùng chồng vốn là doanh nhân không sợ thất bại. Chính bà đã lên thực đơn trong các buổi ăn để giúp Tiến Minh duy trì sức khỏe tốt nhất. Ít ai biết để Tiến Minh duy trì được thể lực sung mãn cho đến nay, chính bà Vui đã tìm tòi nghiên cứu để làm các món ăn tẩm bổ cho Tiến Minh được chế biến từ bò, gà, rau…và còn tìm đến các bác sĩ đông y để Tiến Minh có được những thang thuốc bổ đầy hữu ích. Những ai theo dõi màn đôi co lên đến 108 pha chạm cầu giữa Tiến Minh và Jan O Jorgensen (Đan Mạch) tại tứ kết giải cầu lông vô địch thế giới vừa qua mới thấy tay vợt số 1 Việt Nam có thể lực tốt thế nào dù anh đã 30 tuổi. Để có được nền tảng thể lực đó, theo Tiến Minh phần nhiều là nhờ được mẹ chăm sóc chu đáo qua các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng.

Là người mẹ, bà Vui hạnh phúc ngất ngây mỗi khi thấy Tiến Minh đăng quang, trở về nước trong sự chào đón của mọi người như khi anh đoạt tấm huy chương đồng thế giới vừa rồi. Nhưng cũng là mẹ, bà Vui buồn thương cho con khi bị chê trách trong những lần thất bại.

“Nếu không có sự yêu thương, động viên, hy sinh từ mẹ, tôi đã không có được ngày hôm nay”, Tiến Minh nói. Và “Nếu không có cô Huỳnh Ngọc Liên, tôi khó có được thành công như bây giờ”, Tiến Minh nói về “người đàn bà thép” của cầu lông Việt Nam, người đồng hành với Tiến Minh từ khi anh khởi nghiệp đến nay.

Am hiểu chuyên môn cầu lông lại có nhiều mối quan hệ với các liên đoàn cầu lông quốc tế, bà Liên là người đứng ra lo các thủ tục thi đấu quốc tế cho Tiến Minh. Là người đề xuất thuê chuyên gia ngoại chất lượng tốt cho Tiến Minh và cũng là người chăm lo cho Tiến Minh ở một số giải quốc tế mà bà có điều kiện góp mặt. Chưa kể, ở một số giải, vì lo Tiến Minh “lạ nước lạ cái”, bà Liên không ngại bỏ tiền túi để tham dự cùng tay vợt này. “Nhiều  khi cô Liên bực mình vì tôi nhưng ngẫm lại cô là người rất tốt, luôn nghĩ cách làm sao để không chỉ tôi mà cầu lông Việt Nam ngày càng phát triển”, Tiến Minh tâm sự.  

Nguyễn Tiến Minh sinh ngày 12.2.1983 tại TP.HCM, hiện xếp hạng 5 trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Cầu lông thế giới. Chơi cầu lông từ năm 10 tuổi, 18 tuổi bắt đầu thi đấu các giải trong nước, 19 tuổi vô địch quốc gia và hiện có trong tay 9 danh hiệu vô địch đơn nam quốc gia.

Bắt đầu tranh tài quốc tế từ năm 2002 và có ngôi vô địch đầu tiên vào năm 2004 tại giải Malaysia mở rộng. Sau đó đăng quang nhiều giải đấu như Đài Loan mở rộng năm 2008, Việt Nam mở rộng các năm 2008, 2009, 2011, 2012; Thái Lan mở rộng năm 2009, giải Mỹ mở rộng 2013.

Trong màu áo tuyển VN, Tiến Minh đoạt huy chương đồng nội dung đồng đội nam tại SEA Games 2005 tại Philippines, huy chương đồng đơn nam SEA Games 2007 tại Thái Lan, huy chương đồng giải cầu lông vô địch thế giới năm 2013. Anh 2 lần vinh dự góp mặt ở Olympic Bắc Kinh 2008, Olympic London 2012.

Năm 2011, Tiến Minh được tặng huân chương Lao động hạng ba

Hoàng Quỳnh

>> Nguyễn Tiến Minh dự giải Vô địch cầu lông cá nhân toàn quốc 2012
>> Nguyễn Tiến Minh: Đừng cho rằng tôi bị tâm lý
>> Nguyễn Tiến Minh dừng chân ở bán kết
>> Nguyễn Tiến Minh dừng bước
>> Đằng sau thất bại của Nguyễn Tiến Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.