(iHay) Tép đồng nay đã có dịp nhảy xoi xói chốn thành thị để cạnh tranh cùng những món ăn sang chảnh trên thực đơn.
>> Nhớ món tép riu xóc muối mẹ nấu>> Nhớ canh khoai mì nấu tép
>> Mùa tép ăn rong...
|
Cứ hễ ở đâu có ao hồ đầm phá, có kênh rạch ruộng đồng là thể nào cũng tìm được tép. Có lẽ vì vậy, mà hễ nhắc đến “tép đồng” hay “tép rong” là sẽ có không ít người con xa quê vừa thương nhớ quê nhà, lại vừa… nuốt nước miếng.
Nói đến đây thể nào bạn cũng sẽ phải nhớ đến cái mùi thơm thơm của tộ tép cháy tỏi, cái vị mằn mặn của nồi tép kho, cái vị chua ngọt của dĩa gỏi tép hay cái ngọt lịm của chén canh tép nấu bầu.
|
Và bởi từ lâu, việc bắt tép đã được mặc định là "thú tiêu khiển" ưa thích của đàn bà và trẻ con, nên nhắc đến tép đồng thể nào bạn cũng sẽ bồi hồi về những ngày thơ ấu dãi nắng dầm mưa, xách cái chong, cái te đi bắt tép.
Rồi bạn sẽ tiếp tục nhớ đến hình ảnh những chú tép mới bắt tươi rói, xoi xói nhảy rổ, búng lách tách nghe thiệt sướng tai.
Vậy ra, chỉ hai tiếng “tép đồng” thôi đã vừa gợi hình, gợi vị, gợi thanh, lại gợi cả tình.
Tép đồng ở chốn thị thành từ lâu đã không còn là một món ăn dân dã, mà là một đặc sản “hiếm có khó kiếm”. Chính vì cái sự hiếm đó, nên món tép đồng cũng được nâng lên một tầm cao mới, xếp vào hàng đặc sản của các quán nhậu.
Và bởi là hàng hiếm nên cần phải được nâng niu xứng tầm. Vậy là ông chủ quán Nướng Việt, kế nhà sách Nguyễn Văn Cừ đường Phạm Hùng (H.Bình Chánh, TP.HCM), đã chế ra "tổ yến" cho tép "nằm". Xin nói ngay để bạn khỏi hiểu lầm, “tổ yến” này được làm từ… mì trứng.
Làm thành cái "tổ yến" cũng kỳ công. Vắt mì trứng sẽ được trụng cho mềm ra, rồi kéo sợi. Sau đó, chúng lại được đem ra phơi nắng một ngày, phơi xong thì mới đem vào tạo hình “tổ chim” rồi chiên giòn, phải vàng ươm thì mới đẹp mắt.
|
Tép đồng (tép rong) còn nhảy xoi xói đem về phải chế biến ngay, nếu để chết hoặc bỏ vào tủ lạnh sẽ mất đi độ ngọt trời cho.
Sau khi ướp tép đồng với gia vị thì cho vào chảo rang cháy tỏi. Trong quá trình rang nhớ nêm thêm nước mắm và một ít đường. Nước mắm sẽ làm cho món ăn thêm thơm và đậm đà. Còn đường làm cho tép chắc và giòn hơn. Ngoài ra, hành lá và tiêu cũng là bí quyết gia tăng hương vị cho món tép cháy tỏi. Nếu bạn thấy vỏ tép có màu nâu vàng bóng bẩy, khô săn ôm sát vào lớp thịt dai chắc thì xem như thành công một nửa.
Nước chấm ăn cùng món “tép đồng nằm tổ yến” là chén mắm nêm được pha vừa ăn, kèm thêm mấy lát ớt xanh cay đằm thắm.
Nếu bạn từng mê món bánh tráng Trảng Bàng với những rổ rau rừng xanh tươi thì có lẽ bạn cũng sẽ mê luôn món “Tép đồng nằm tổ yến”. Vì rau dùng cho món ăn này cũng là những loại rau rừng từ Tây Ninh quen thuộc như đinh lăng, xá xị, lá cóc, lá xoài, rau nhái, chuối, khế,…
Sau khi rửa sạch rau và cho vào rổ, đầu bếp cho tép đồng cháy tỏi “nằm” chễm chệ trên “tổ yến”, múc một chén mắm nêm đặt bên cạnh, chuẩn bị thêm dĩa bún tươi và xấp bánh tráng là khiến đám chiến hữu "bấn loạn" đến… không kịp cuốn.
|
Thử tưởng tượng, bạn sẽ cho từng loại rau rừng xanh tươi lên bánh tráng, bẻ răng rắc “tổ yến” cho lên rau, lấy muỗng xúc thêm một ít tép cháy tỏi, cuốn lại, chấm ngập vào chén mắm nêm và… đưa lên miệng. Tất cả những hương vị uyên nguyên nhất của đồng quê hòa quyện cùng nhau, làm "mát bụng" cả những người khó tính nhất.
Thêm cái không gian quán khá thoáng và "mộc", gần gũi thiên nhiên, sẽ càng làm bạn sảng khoái hơn giữa tiết trời oi bức ngột ngạt của Sài Gòn trong những ngày thiếu mưa thừa nắng này.
Phạm Như Quỳnh
>> Cách giữ lại dưỡng chất cho món ăn
>> 3 món ăn chơi dễ gây nghiện
>> Món ăn cải thiện đường tiêu hóa
>> Những món ăn bổ thận
Bình luận (0)