Tết ấm cúng ở đảo tiền tiêu

26/01/2017 08:00 GMT+7

Vượt gần 300 hải lý đến với hai huyện đảo tiền tiêu, Cồn Cỏ (Quảng Trị) và Lý Sơn (Quảng Ngãi), chúng tôi cảm nhận cái tết sớm nơi đảo xa và sự thiêng liêng của những người trong công việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

3 giờ, trời còn chưa tỏ sáng, chuyến tàu mang số hiệu KN 363 nhổ neo, rú lên tiếng còi như xua tan khung trời tĩnh mịch. Chúng tôi rời cảng Đà Nẵng mang theo bao tình cảm từ đất liền để đến với cán bộ, chiến sĩ, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn trong thời khắc Tết Đinh Dậu 2017 cận kề…
Các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc tại đảo Lý Sơn Ảnh: Thảo Thương
'Xa nhà nhưng xuân về, bỗng vui!'
Chúng tôi theo chân Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân do Đại tá Nguyễn Đức Nam, Phó Tư lệnh Vùng 3 làm trưởng đoàn dẫn đầu ra thăm chúc tết cán bộ chiến sĩ quân dân tại nơi đầu sóng ngọn gió vào giữa tháng Chạp. Đặt chân lên từng bậc đá xám bạc phếch ở huyện đảo Cồn Cỏ, giây phút trùng phùng trong không khí mùa xuân đang về khiến lòng húng tôi cũng rộn ràng hẳn.
Đại tá Nguyễn Đức Nam, Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, trưởng đoàn thăm và chúc tết hai đảo tiền tiêu, khẳng định: công tác chuẩn bị đón Tết Đinh Dậu nhằm mang tới cho các cán bộ, chiến sĩ bầu không khí đầy đủ, ấm cúng như một gia đình, dựa trên phương châm vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và an toàn.
Đảo Cồn Cỏ nhìn từ xa Ảnh: Thảo Thương
Tại Trạm Radar 540, đảo Cồn Cỏ, tết cổ truyền được tổ chức sớm hơn với những món quà được gửi từ đất liền, gồm những nhu yếu phẩm, tấm lá dong, gạo nếp để các chiến sĩ gói bánh chưng... Tất cả đều là món quà tình cảm từ đất liền gửi ra.
Bắt chuyện với chiến sĩ Nguyễn Viết Triều (20 tuổi, Trạm Radar 540, huyện đảo Cồn Cỏ) mới thấu được nỗi lòng chiến sĩ nơi đảo xa. Triều học xong lớp 12, trúng tuyển bộ đội. Chưa một lần xa lũy tre làng, nhưng vì nghĩa vụ Triều chẳng nề hà. Ra đảo được 6 tháng, cái tết này là cái tết đầu tiên Triều xa gia đình. “Lần đầu ăn tết xa nhà, mà lại ở nơi hải đảo, lòng cũng buồn nhưng mình đang làm nhiệm vụ nên em không để suy nghĩ cá nhân ảnh hưởng. Em cũng bất ngờ là có đoàn ra thăm, cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà”, Triều trải lòng.
Hỏi về cảm xúc đón tết xa nhà, chàng chiến sĩ Phan Việt Nam (19 tuổi, Quảng Bình) đang làm nhiệm vụ trực Trạm Radar 550 (H.Lý Sơn, Quảng Ngãi), làm chúng tôi bất ngờ khi đáp gãy gọn: “Xa nhà nhưng xuân về, bỗng vui!”.
Hỏi ra mới biết, Nam tình nguyện viết đơn xin đi lính. Ước mơ từ bé của anh chàng là được làm người lính biển đảo. “Lúc trước ở nhà, bạn em hay nói đi lính ăn tết xa nhà buồn lắm. Em cũng phỏng là như thế. Nhưng có gì đâu, biển là nhà, tổ quốc là quê hương. Mình hòa nhập thì không có gì là buồn. Mấy hôm nay đơn vị đã chộn rộn chuẩn bị tết, mở nhạc xuân, người em lúc nào cũng lâng lâng...”, Nam cười nói.
Chiến sĩ Phan Việt Nam sửa soạn bàn thờ Tổ quốc, đón tết trên đảo Lý Sơn Ảnh: Thảo Thương
Vượt gần 300 hải lý đến với hai huyện đảo tiền tiêu, gặp những ánh mắt, những nụ cười, những niềm vui, hớn hở... đan xen trên khuôn mặt những người lính, chúng tôi cảm nhận cái tết sớm nơi đảo xa và sự thiêng liêng của những người trong công việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tết về từ tháng Chạp
Trên chuyến tàu xuyên đêm giữa biển khơi, thức cùng trò chuyện với thuyền trưởng, đại úy Trương Mạnh Dũng, anh cho biết: “Hằng năm, thăm và chúc tết như thế này, cán bộ chiến sĩ cũng như quân dân sống ở đảo, họ vui lắm! Và có ra đảo mới biết, tết của người dân ở đây rất đặc biệt”.
Đưa thêm hương vị Tết đến Cồn Cỏ thân thương Ảnh: Thảo Thương
Tặng quà tết cho đảo tiền tiêu Cồn Cỏ Ảnh: Thảo Thương
Đoàn công tác thắp hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ đảo Cồn Cỏ Ảnh:Thảo Thương
Vừa cập cảng đảo Lý Sơn, chúng tôi đã thấy sắc xuân, không khí tết đã tràn ngập nơi đây. Trời nắng nhẹ, thỉnh thoảng có ít mưa phùn. Những con thuyền đã cập bến, phất phới màu cờ đỏ sao vàng bay trong gió biển... những màu vàng ong của những chậu hoa cúc được chở từ đất liền ra cũng đủ cho thấy xuân về trên đảo xanh.
Ông Dương Anh (50 tuổi, xã An Hải) đã hơn chục năm buôn hoa tết, thường giữa tháng 12 âm lịch lại vào xã Nghĩa Hòa (H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) để lấy hoa. Năm nay, ông về hoa sớm hơn mọi năm. “Cả năm qua Quảng Ngãi mưa lụt nhiều nên hoa rất hiếm. Tôi lo nhanh chân đi lấy hoa sớm, cận ngày thì hết hoa. Tháng Chạp là lo tết rồi, hơn 300 chậu hoa cúc tôi đặt hàng từ đầu tháng”.
Hoa cúc vừa cập cảng Ảnh: Thảo Thương
Loanh quanh trên đảo, chúng tôi bắt gặp chị Nguyễn Thị Thu (45 tuổi, xã An Vĩnh, H.Lý Sơn) đi chợ về với lỉnh kỉnh đồ đạc trước giỏ xe đạp, nào tỏi, giấy cúng, hương đèn, và một bịch lá gai khô... những thứ không thể thiếu với nhà chị Thu mỗi khi xuân về. “Năm nay nguyên tháng 11 mưa, nên tỏi, hành mất mùa. Nhưng có nghèo cũng phải lo tết. Tôi lo đặt lá gai khô từ đầu tháng 12, chớ cận ngày lại hết. Tết mà không có bánh ít lá gai thì khác chi ngày thường”, chị Thu hồ hởi.
Câu nói của chị Thu cho chúng tôi cảm nhận được ở những con người vùng đảo chân chất hiền hậu, họ đôn đả, háo hức với cái tết truyền thống, với cội nguồn tổ tiên biết nhường nào. Cái hồn tết của người Việt ở những chiếc bánh chưng, những đòn bánh tét, nhưng có lẽ với người Lý Sơn thì bánh ít làm bằng lá gai, gói bởi những lá bàng vuông xanh... chính là hồn người dân đảo trong những ngày xuân.
Hoa ở đảo dường như rất hiếm. Bởi thế, gia đình ông Lê Đông (51 tuổi, thôn Đông, xã An Hải) mỗi độ xuân về là dịp để gia đình ông cho ra chậu những hoa thược dược, hoa vạn thọ, hoa hồng.... Đặt chân đến vườn nhà ông Đông, độ xuân như bừng khắp. Ông Đông vừa chăm chút từng chậu hoa và nói: “Mỗi vùng trồng một loại hoa, nhà tôi thì chỉ bấy nhiêu loại hoa đây, giá cả nhẹ và phù hợp với người dân trong đảo”.
Ông Đông cùng vườn hoa bán tết tại nhà Ảnh: Thảo Thương
Quanh một vòng xã đảo, qua những khu chợ, những bến cảng rộn ràng... mùi của biển đan hòa trong hơi thở của mùa xuân, giờ khắc để khép một năm cũ bằng những tiếng sóng biển đã cận kề, để đón một năm mới với những sắc màu tươi vui, đầm ấm với người dân và những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở hai đảo tiền tiêu này.
Những chuyến tàu đã cấp bến, đón xuân trên đảo Lý Sơn Ảnh: Thảo Thương
Trước sự chuẩn bị chu đáo cho cán bộ, chiến sĩ đón Tết, Phó Tư lệnh Vùng 3 Hải Quân, Đại tá Nguyễn Đức Nam chúc mừng đơn vị đã chủ động nguồn lương thực tại chỗ và nhấn mạnh: “Không chủ quan, lơ là mất cảnh giác trong dịp Tết, với phương châm: Sẵn sàng chiến đấu, an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm. Phải có kế hoạch ứng trực, quản lý vùng biển, nắm chắc mục tiêu, để bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.

tin liên quan

Người dân Xuyên Cỏ đón tết ở hồ nuôi tôm
Hiện 11 gia đình có nhà bị sập, bị lũ cuốn trôi ở xóm Xuyên Cỏ đã được chính quyền cấp đất tái định cư, hỗ trợ từ 50 đến 100 triệu đồng để xây dựng lại nhà ở, nhưng nỗi lo tái nghèo vẫn còn đó...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.