TNO

Tết của người miền Bắc

04/02/2014 06:50 GMT+7

Về quê ăn Tết Bắc cũng là dịp để tôi được thưởng thức những món ăn truyền thống của gia đình, được tất bật, hì hục làm lợn (heo) gói giò, tối đến ngồi mỏi cả gối đánh bài để thức canh nồi bánh chưng…

Về quê ăn Tết Bắc cũng là dịp để tôi được thưởng thức những món ăn truyền thống của gia đình, được tất bật, hì hục làm lợn (heo) gói giò, tối đến ngồi mỏi cả gối đánh bài để thức canh nồi bánh chưng…

>> Món Tết của người Sài Gòn
>> Cuộc 'cách mạng' của bánh chưng

Buổi trưa đi ăn tất niên với những người bạn Sài Gòn ai cũng tò mò về chuyện sao tôi không ở lại Sài Gòn để đón Tết. Tôi bảo: “Nếu chị về cùng em ăn Tết Bắc chị sẽ hiểu vì sao em lại yêu quê mình đến thế”.

Mỗi lần về quê ăn Tết Bắc, tôi thích được đi giữa làn sương mù mưa bụi mùa xuân buổi sáng, khẽ nháy mắt thấy hàng mi ướt ướt…Cũng là thích cái không khí se lạnh của ngày đầu xuân, thích được cuộn tròn trong chăn ấm ngủ nướng đã mắt vẫn không chịu dậy và chỉ đến khi mùi hương (nhang) bài mẹ thắp trên bàn thờ bố tỏa khắp nhà tôi mới thật tỉnh giấc…Tôi thích cái không khí rộn ràng của làng trên xóm dưới rục rịch chuẩn bị đón Tết.

Tết của người miền Bắc
Dạo vườn đào ngày xuân - Ảnh: Tuấn Mark

Về quê ăn Tết Bắc cũng là dịp để tôi được thưởng thức những món ăn truyền thống của gia đình, được tất bật, hì hục làm lợn (heo) gói giò, tối đến ngồi mỏi cả gối đánh bài để thức canh nồi bánh chưng…

Ngày bé tôi chỉ mong sao thật nhanh đến Tết để được đi chợ mua bóng bay, được mừng tuổi, được theo bố đi về quê nội, được ăn nhiều món ngon mà những ngày thường mẹ không có thời gian để nấu.

Tôi nhớ vào những ngày giáp Tết, cứ sáng ra đã nghe tiếng lợn kêu eng éc biết ngay là sẽ có nhà lại chuẩn bị làm giò… Bố tôi bảo muốn cho giò ngon, giòn giòn mà không phải dùng hàn the thì ngay khi lợn vừa mổ xong, thịt hãy còn ấm tay phải cho vào cối đá giã nhuyễn, càng nhuyễn độ kết dính càng cao. Nước mắm ngon không thể thiếu, trộn thêm chút bột dong, rồi gói lại bằng lá chuối. Giò luộc chín cắt ra thơm phức.

Bây giờ Tết đến gia đình tôi vẫn mổ lợn, vẫn gói giò theo công thức của bố ngày còn bố, chỉ có điều thay vì giã cối đá chúng tôi xay bằng máy. Lũ trẻ con thành phố về thích lắm, cứ chạy lăng xăng, hỏi hết điều này đến điều khác… tôi biết trong đầu chúng sẽ có rất nhiều kỉ niệm đẹp về miền quê nơi bố mẹ chúng đã lớn lên. Biết thế nên năm nào gói giò xong, phần giò sống thừa tôi đều gói thành chiếc bánh nhỏ xinh, để tụi cháu nhỏ xách đi chơi trong mấy ngày Tết.

Tết của người miền Bắc 2
Đưa trẻ con đi vãn cảnh Tết - Ảnh: Tuấn Mark

Ai là người miền Nam ra Bắc ăn Tết mới thấy người Bắc ăn Tết rất vui, vì vào những ngày Tết các gia đình trong xóm thường đến nhà nhau chúc Tết. Tôi đi xa lâu ngày mới về, năm nào trước giao thừa mẹ cũng dặn phải qua chúc Tết nhà ông bà này, cô chú kia không được bỏ qua nhà nào.

Mẹ có món "độc chiêu" mà quanh năm chỉ nấu vào đúng đêm giao thừa, đó là chè kho. Thành thử chúng tôi muốn ăn đều phải về quê đón Tết mới có.

Nguyên liệu để nấu chè kho của mẹ là đậu xanh, mật mía, gừng, quế, tàu ho (một loại gia vị có mùi như hoa hồi). Đậu xanh mẹ ngâm nước, đãi sạch vỏ, cho vào nồi nấu trong nhiều giờ, vừa nấu vừa quậy. Khi đậu nhuyễn rót mật mía, quế, tàu ho, gừng giã nhỏ vào, tiếp tục quậy cho đến khi chè sệt lại là được.

Múc chè ra bát, để nguội dành được cả tuần không cần bỏ tủ lạnh mà không sợ hỏng. Mỗi khi ăn, mẹ cắt từng miếng hình tam giác, hình chữ nhật… hoặc thành đủ hình thù mà tôi và các anh chị, con cháu yêu thích ăn.

Có ăn món chè kho mẹ nấu mới cảm nhận hết cái hương vị thơm, ngọt không thể lẫn vào đâu được. Giữa những ngày Tết được xuýt xoa bên ấm trà nóng và lát chè kho, mới tuyệt làm sao và thấy quý hơn những chăm chút yêu thương mẹ đã dành cho gia đình. 

Như bao mùa xuân rồi, tôi lại bắt đầu háo hức ngóng trông một cái Tết đầm ấm nơi quê nhà miền Bắc.

Đoàn Xuân
(Sài Gòn ngày cuối năm - viết tặng Quảng Hải yêu dấu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.