Thả cặp rắn hổ mây nặng 34 kg về tự nhiên

Thanh Dũng
Thanh Dũng
30/05/2019 19:17 GMT+7

Cặp rắn hổ mây trọng lượng 2 con khoảng trên 34 kg, chiều dài mỗi con trên 4 mét đã được bàn giao để thả về tự nhiên. Các chuyên gia cũng gắn chip theo dõi lên 2 con rắn.

Ngày 30.5, UBND H.Tri Tôn (An Giang), Công ty Cổ phần Du lịch An Giang (thuộc Tập đoàn Sao Mai) đã tổ chức bàn giao cặp rắn hổ chúa cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang.

Đây là cặp rắn mà nhân viên của Tập đoàn Sao Mai đã bắt được tại vùng rừng núi thuộc núi Cấm (H.Tịnh Biên) lúc thi công công trình. Sau khi bắt được cặp rắn khủng, nhân viên của tập đoàn đã đưa cặp rắn hổ may hay còn gọi là hổ chúa đến Khu du lịch Đồi Tức Dụp (xã An Tức, Tri Tôn).

Ngay sau đó, có tin đồn nơi đồi Tức Dụp xuất hiện cặp hổ mây chúa khổng lồ với tổng trọng lượng 2 con trên 60 kg, dài cả chục mét cao lêu nghêu như cây tre nên người dân từ các nơi hiếu kỳ từ các nơi đến xem rắn khủng.

Ngay sau đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cử người đến kiểm tra và xác minh đây đúng là rắn hổ mây nhưng trọng lượng 2 con khoảng trên 34 kg, chiều dài mỗi con trên 4 mét. 

Với trọng lượng này vẫn chưa phải là rắn khổng lồ nhưng người dân hiếu kỳ vẫn tìm nhau vào khu du lịch xem rắn khủng có hình dáng ghê sợ như thế nào.

Cặp rắn nặng hơn 34 kg THANH DŨNG
Trước khi được thả về môi trường tự nhiên, các chuyên gia gắn chip theo dõi lên cặp rắn hổ mây THANH DŨNG

Trong buổi chiều nay, 30.5, khi hay tin ngành chức năng bắt rắn thả về tự nhiên, rất đông người dân hay tin cũng đến xem. Nhiều người bình phẩm, sau nhiều ngày nuôi nhốt trong chuồng, cặp rắn vẫn còn rất khỏe và dữ tợn nên đúng là rắn chúa.

Để đưa được cặp rắn này vào bao lưới cước chuyển đi xa, Chi cục Kiểm lâm đã phải nhờ đến chuyên gia đến từ Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã và các bậc thầy về rắn ở Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang).

Bằng tài nghệ điều khiển khéo léo, họ đã lùa đưa cặp rắn vào lồng an toàn. Các chuyên gia đã thực hiện gắn chip theo dõi rắn khi được thả về môi trường mới.

Ngay sau đó, cặp rắn được đưa lên xe để đi về chỗ ở mới. Chi cục cho biết ban đầu định chọn các khu vực đồi núi thả rắn nhưng lo ngại đây là loài cực độc có thể gây nguy hiểm cho người dân, du khách, khách du lịch hành hương đến các vùng núi. Chưa kể đến, nhiều người săn rắn đang ngóng thông tin nơi thả cặp rắn để vây bắt nên vì thế chi cục quyết định đưa rắn về thả ở ở khu rừng tự nhiên nằm ở Bình Dương - Đồng Nai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.