"Tha hương ngộ cố tri"

12/07/2007 22:31 GMT+7

Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba" Ca dao Việt Nam. Tôi muốn kể lại một hoạt động quan trọng vào ngày cuối cùng trong chuyến thăm chính thức Hợp chủng quốc Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Đó là buổi gặp mặt giữa Chủ tịch nước với gần một ngàn Việt kiều ở quận Cam - California, nơi được mệnh danh là thủ phủ của người Việt tại Hoa Kỳ. Buổi gặp ấy diễn ra vào 8 giờ 30 tối 22.6.2007 tại khách sạn Saint Regis, phố biển Dana Point, phía nam Little Saigon, bang California.

Sau vô số những hoạt động căng thẳng về chính trị và kinh tế diễn ra ở Washington và New York, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết xuất hiện trong buổi gặp gỡ vẫn với vẻ thanh thản và thoải mái. Có thể sự thoải mái ấy có được là nhờ một nỗ lực của cá nhân ông, nhưng nếu là như vậy thì đó là sự nỗ lực đáng khâm phục nếu không nói là phi thường. Là một chính khách, ông hiểu hơn ai hết ý nghĩa của buổi gặp này mà lịch sử dân tộc đặt trọng trách vào ông - buổi gặp của vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên thăm nước Mỹ và gặp gỡ những đại diện của gần 2 triệu kiều bào Việt Nam tại Mỹ, dù trong đó không ít những người còn đầy ắp mặc cảm về những khác biệt, để khởi động thật sự cho một quá trình đầy tính nhân văn cao thượng là hòa hợp và hòa giải dân tộc. Quá trình này là đường lối của Đảng và khi được thực hiện nó sẽ tạo ra lực lượng vô cùng lớn mạnh để xây dựng đất nước. Ông ung dung bước vào phòng tiệc với phong thái của một người biết mình cần phải làm gì.

Thú thật là chính tôi - với thói quen của một công chức cộng với sự mệt mỏi do hậu quả của quá nhiều hoạt động trước đó - đã chỉ chờ đợi để các sự kiện sớm kết thúc, và cái mà tôi chờ đợi thực sự là nhanh chóng trở về phòng khách sạn và vùi tấm thân đã tê dại vì mệt mỏi trong chăn ấm để mà thiếp đi. Một cảm giác mà chỉ sau đó vài giờ đồng hồ tôi đã hết sức xấu hổ mỗi khi nhớ lại.

Bằng bài phát biểu của mình, chính Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói rõ cho tất cả những người có mặt rằng họ đang chờ đợi điều gì. Sẽ là hết sức khó khăn cho tôi nếu ai đó yêu cầu tôi nói rõ đó là điều gì chỉ bằng một hay hai câu ngắn ngủi. Điều đó chỉ có thể cảm nhận chính xác bằng cảm giác và rất khó diễn đạt, tuy ai cũng biết Chủ tịch nước đang nói về dân tộc, Tổ quốc...

- Thưa những người bạn Mỹ, thưa đồng bào người Việt Nam ở Hoa Kỳ! - Chủ tịch nước bắt đầu bằng một giọng chậm rãi nhưng ngay lập tức thu hút được sự chú ý. Sự chú ý được biểu thị trên gương mặt của tất cả mọi người - Hôm nay là một ngày tuyệt vời, có phải không thưa bà con?

Tiếng vỗ tay tràn ngập hội trường.

- Có hai điều tuyệt vời - Chủ tịch nói tiếp - Thứ nhất là trưa nay, tôi và ngài Tổng thống Bush đã có cuộc hội đàm rất thành công, mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tôi nói điều này có ngài Đại sứ Marine chứng kiến. Ngài đại sứ có đồng ý thế không? Có thể nói, cuộc hội đàm diễn ra thật sự cởi mở, thẳng thắn và xây dựng. Tiếp theo thành công đó, tối nay tôi tới thăm Los Angeles là nơi có đông đảo bà con người Việt Nam ở Hoa Kỳ. Đây là ấn tượng  đẹp đối với tôi và tất cả bà con ở đây, có phải thế không? Việt Nam có câu “tha hương ngộ cố tri”, ở nơi xa quê hương gặp lại những người thân, những người bạn rất là tình nghĩa... Trong số ngồi đây, có người tôi đã quen, có người rất là thân. Có cháu Kiệt và gia đình ngày xưa ở Sài Gòn, hai nhà chúng tôi ở bên cạnh nhau. Có những người bạn đã từng quen. Có người là bạn học với tôi ở Sài Gòn. Có những người chưa quen trước đây nhưng trong tình cảm, trong trái tim chúng ta đã quen nhau từ thuở nào rồi...

Không chỉ tiếng vỗ tay vang dội mà cả những tiếng hô lớn biểu thị hưởng ứng, tiếng nấc nghẹn. Rất nhiều người đứng hẳn lên tựa như có một sự thúc đẩy gì đó không phải từ phía sau mà từ lòng dạ... Sự tẻ nhạt ban đầu đã nhường chỗ cho một tinh thần nào đó sục sôi vốn đã tiềm ẩn bấy lâu mà cử tọa sung sướng thấy nó được khơi dậy. Họ thấy sung sướng khi tình cảm ấy được khơi dậy vì họ sẽ vô cùng thất vọng nếu nó không bao giờ được khơi dậy. Chỉ có ở đây và với một vị diễn giả quan trọng là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, người đại diện cho ý chí của nhân dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, của nơi quê nhà chôn nhau cắt rốn của họ, mới có khả năng thổi bùng lên những tình cảm thiêng liêng ấy.

- Tôi muốn thông báo với bà con chuyến thăm lần này của tôi cùng các thành viên trong đoàn đến Hoa Kỳ là để nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc...

Chủ tịch nói tiếp bằng tiếng nói chân thành cảm động của một người biết mình được chia sẻ. Ông nói đến những thỏa thuận với Tổng thống Bush khi tổng thống đến Việt Nam năm 2006, những thỏa thuận mới, những hợp đồng kinh tế được ký kết trong chuyến thăm này và khẳng định của ông cùng với tổng thống rằng quan hệ hai nước đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Ông cũng thẳng thắn đề cập đến những vấn đề khác biệt và nhạy cảm như vấn đề dân chủ nhân quyền, vấn đề nạn nhân của chất độc da cam/dioxin, nguyên nhân của những vấn đề đó và khẳng định những cản ngại ấy không ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác rất sáng sủa và cho đến nay đã có được nhiều kết quả, kể cả những vấn đề hợp tác nhân đạo. Ông hoan nghênh những động thái tích cực và mới đây của  ngài tổng thống và Chính phủ Hoa Kỳ.

- Thưa với quý vị rằng, bên ngoài có dư luận phỏng đoán là cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo sẽ căng thẳng và nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, vân vân và vân vân, nhưng xin thưa là không có chuyện đó. Cuộc trao đổi giữa tôi và tổng thống rất thẳng thắn, cởi mở và hiệu quả. Thế thì chúng ta có đáng chúc mừng không ạ! Tôi xin nâng cốc chúc mừng thành công của cuộc hội đàm. Những ai thực sự vui mừng phải uống 100%, và tôi đặc biệt đề nghị ngài Đại sứ Marine uống 100%... Xin cảm ơn!

Từ trên bục cao của diễn giả, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết giơ cao ly rượu vang và ngửa đầu uống cạn. Tôi dám đánh cuộc rằng không một ai trong số những kiều bào có mặt, trước đó, có thể nghĩ vị nguyên thủ “cộng sản” lại có cử chỉ ấy và lại thực hiện nó một cách tự nhiên và thân tình đến như vậy, bởi không chỉ họ mà rất nhiều người trong số chúng ta vẫn quen với hình ảnh của những chính khách mức độ và cẩn trọng trong cử chỉ và hành vi trước đám đông. Cử chỉ ấy, có thể nói, đã xua tan mọi lưỡng lự và những ám ảnh của sự hoài nghi.

- Thưa bà con, tôi và đoàn cấp cao Việt Nam đã đến Los Angeles, đến với quận Cam. Vì sao chúng tôi đến đây, chắc là quý vị và các bạn đã hiểu rồi, nhưng chúng tôi vẫn phải nói rằng vì quận Cam là quận có nhiều người Việt Nam sinh sống. Chúng tôi đến đây để bày tỏ tình cảm, mong muốn gặp mặt bà con. Mà quả thật, đến đây gặp bà con trong không khí như thế này thật là quý giá. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, anh Nguyễn Cao Kỳ đang ở Việt Nam, biết có cuộc gặp mặt này, anh đã bay về để hôm nay có mặt tại đây. Điều đó nói lên cái gì? Nói lên rằng chúng ta là người Việt Nam. Dù quá khứ như thế nào đi nữa, bây giờ hãy thương yêu nhau, đoàn kết với nhau vì chúng ta cùng một mẹ hiền Việt Nam, chúng ta  phải cùng nhau xây dựng Việt Nam ngày càng vững mạnh. Có phải như vậy không, thưa bà con?

Cả hội trường lắng xuống. Chỉ còn sự thấm thía... Tôi phải ngắt giữa chừng sự tường thuật của mình để trần tình và để khẳng định tôi không hề nói quá lên về  không khí đang diễn ra ở đây và vào lúc này. Tôi thường ngày vốn rất “dị ứng” với sự “tô hồng” hoặc “bôi đen”, nói cách khác thiếu khách quan. Tôi không phải người viết văn chuyên nghiệp nhưng cũng hiểu để không bị sa vào thái cực này hay thái cực kia, đòi hỏi người viết phải không bị ràng buộc bởi một “kỷ luật” hoặc một lợi ích cá nhân nào. Tôi chỉ phản ánh trung thành những điều mình đã thấy và đã cảm, không bị chi phối bởi một áp lực nào cho dù là từ phía bản thân. Tôi còn bị mặc cảm bất lực vì đã không lột tả hết được tinh thần của buổi gặp gỡ. Phải có mặt ở đó để cảm nhận trực tiếp, mới có thể thấy hết những cặp từ “Dân tộc”, “Tổ quốc”, “Quê hương”, “Việt Nam”, “bà con” có sức lôi cuốn và thân thương đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi người như thế nào.

- Trong gia đình, trong bạn bè với nhau có lúc còn giận nhau - Chủ tịch nói tiếp - Bây giờ chúng ta hãy gác lại tất cả, hãy đoàn kết xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường sánh vai với bạn bè năm châu. Nếu ai đó còn ngần ngại, còn có bất đồng, chúng ta hãy nói với họ, rằng mẹ hiền Việt Nam lúc nào cũng giang rộng vòng tay đón họ về với Tổ quốc... Tôi cũng đề nghị tất cả chúng ta không có thành kiến đối với những người có cử chỉ bất đồng. Chúng ta hãy hiểu cho họ, rằng thông tin đến với họ chưa đầy đủ, họ chưa có điều kiện về đất nước để chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng và những tiến bộ đáng mừng của quê hương. Hồi chiều đi ngang qua đây, thấy một số bà con mình đứng đó, nói thật rằng tôi muốn xuống bắt tay họ, muốn mời họ dự cuộc gặp hôm nay để chúng ta cùng nói những lời chân tình, cởi mở. Nhưng hỏi lại, biết rằng ở đây đã quy định số người, danh sách mời đã có rồi, nên tôi không mời thêm ai được. Nhưng mà chúng tôi, Đảng, Nhà nước Việt Nam không bao giờ thành kiến đối với những người khác biệt với mình. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng đối thoại và mong tất cả đều có nhiệt tình, thiện ý xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, vững mạnh, muốn tạo ra sự đoàn kết nhất trí của mọi người dân Việt Nam.

Bằng cách đề cập đến những người không dự trong khán phòng, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã mở rộng không gian, thời gian và đối tượng hướng đến trong bài nói của mình, không những làm cho cử tọa thấy rõ ông không hề tránh né, rất thẳng thắn, rất chân thực, mà rõ ràng ông còn muốn gửi một thông điệp tích cực đến với những người bất đồng. Ai cũng hiểu rằng ông muốn nói tới những người biểu tình tập trung trước cửa khách sạn, tay cầm cờ ba sọc, miệng hô vang những khẩu hiệu chống cộng. Sự hiện diện của họ là một thực tế và lại đang tồn tại, thực tế ấy hiện hữu đến mức nếu nó không được đề cập thì sự kiện hôm nay sẽ không bao giờ là một chi tiết lịch sử hoàn thiện. Nhưng thực tế ấy đã được đề cập thẳng thắn và vẻ bộc trực trong thái độ của ông, tư tưởng khoan dung, độ lượng vốn là truyền thống dân tộc được thể hiện trong lời nói của ông không những làm cho sự chân thực được biểu thị ở cấp độ cao hơn, mà còn làm cho những cố gắng chia rẽ - mục tiêu của những người dựng lên cuộc biểu tình này - trở nên vô ích. Ngay sau những điều ông nói, người ta bỗng thấy thương cảm hơn phần đông những người đi biểu tình. Họ đi theo một định hướng nào đó không rõ rệt, thậm chí là bị lôi kéo, bị thuê mướn.

- Trong một gia đình chỉ 5 đến 7 người thôi có khi còn bất hòa - Chủ tịch nói tiếp, âm vực của lời nói làm mọi người thấy rõ rằng chính ông cũng đang xúc động. Sự xúc động tự nhiên và hoàn toàn hiểu được trong một bối cảnh đặc biệt - Trong đất nước rộng lớn của chúng ta có 84 triệu dân với 54 dân tộc khác nhau, nếu có những khác biệt tôi nghĩ cũng dễ hiểu. Điều quan trọng là phải biết thông cảm, chia sẻ với nhau và cùng hướng tới một mục tiêu chung. Mong muốn của Đảng, Nhà nước Việt Nam là bà con có cuộc sống ổn định, thành đạt, hòa nhập ngày càng tốt hơn vào đời sống của nhân dân Mỹ và góp phần xây dựng đất nước Mỹ. Đó là điều quan trọng trước hết. Tổng thống Bush và tôi đều đánh giá rất cao và nhất trí 100% về sự đóng góp của bà con Việt kiều đối với Hoa Kỳ. Kế đến là mong bà con mình hãy về quê hương, bởi vì “quê hương là chùm khế ngọt, là con đò nhỏ, là cầu tre nhỏ, mẹ về nón lá nghiêng che... Quê hương nếu ai không hiểu sẽ không lớn nổi thành người”.

Có ai đó ở phía dưới đã bật khóc. Vào đúng giây phút ấy, thêm một lần nữa sau nhiều lần của chuyến đi, tôi tự khẳng định với mình rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Hoa Kỳ đã thành công ngoài sự mong đợi. Với riêng cuộc gặp kiều bào ở quận Cam, ngay sáng hôm sau, tôi đã hoàn toàn thấy rõ kết quả. Các báo chí phương Tây và của Mỹ, kể cả vài tờ báo bất đồng chính kiến của cộng đồng người Việt ở Mỹ, trong đó có những tờ báo trước đó đã cảnh báo cuộc gặp kiều bào ở quận Cam sẽ là một “thách thức” với đoàn Việt Nam. Sự phản đối của những người biểu tình đã không còn là tinh thần chính trong các tin tức mà các tòa soạn dự định sẽ đăng trên mặt báo, thay vào đó là việc ghi nhận thành công của buổi gặp gỡ và ca ngợi những thành tựu đổi mới của Việt Nam với những dự cảm còn tốt đẹp hơn.

Trên diễn đàn, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tiếp tục nói như tự sự và kể chuyện:

- Quê hương đẹp lắm, quê hương với biết bao tấm lòng, trái tim... Hồi nhỏ tôi đã học quốc văn giáo khoa thư, có một câu rằng em có biết Tổ quốc là gì không? Chúng ta cứ nghĩ Tổ quốc là bao la, là vĩ đại. Đúng! Nhưng quốc văn giáo khoa thư chỉ nói rằng đó là mái nhà mà mẹ em đã ru em trên đầu gối và cha em đã bế em trong lòng. Nó giản dị và đơn sơ như thế nhưng mà rất ấm tình. Có phải không thưa bà con? Ai mà không trải qua tuổi thơ hái chè, bắt bướm, lội ruộng, lội đồng, đi qua cầu tre nhỏ, leo lên hái một chùm khế ngọt. Cho dù khế có chua thì vị chua đây cũng là vị chua ấm tình đất nước, ấm tình dân tộc. Vậy, xin mời ai chưa về quê hương hãy về quê hương. Ai về rồi thì hãy về nhiều lần nữa. Quê hương sẽ tiếp thêm cho chúng ta sức mạnh, tình thương yêu và tiếp thêm cho chúng ta tình đoàn kết cao cả... Sống ở trên đời để làm gì? Các bạn có đặt câu hỏi đó không? Sống trên đời không phải để thù hận mà chính là để yêu thương lẫn nhau, yêu thương giữa con người với con người, giữa các dân tộc, giữa nam và nữ. Đó là những tình yêu chân chính mà ai cũng mong muốn. Vì vậy, một lần nữa tôi mong bà con mình hãy vì quê hương đất nước, vì dân tộc, hãy gác bỏ quá khứ, mọi tị hiềm, hãy đoàn kết lại vì mẹ hiền Việt Nam, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh.

Dừng lại một chút và sau khi đã nhìn khắp khán phòng, ông nhấn mạnh:

- Đó không chỉ là lời nói và ý kiến của tôi, mà đó là tâm nguyện của dân tộc Việt Nam, là ý chí của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tôi mong tất cả chúng ta hãy đoàn kết và đất nước Việt Nam sẽ thành công.

Dường như biết được ông sắp kết thúc bài nói của mình, tất cả mọi người cùng đứng hết dậy như níu giữ. Vỗ tay. Cổ vũ.

- Nhân đây, tôi xin thông báo một vài điểm. Ngày 1.9 tới, Việt Nam sẽ bỏ visa cho tất cả những người Việt Nam ở nước ngoài về nước. Chính phủ cũng đang giải quyết vấn đề nghĩa trang ở Bình Dương cũng là nhằm tăng cường đoàn kết, tạo điều kiện cho các gia đình về đây chăm sóc mồ mả của thân nhân. Tiếp theo còn nhiều vấn đề đang tiếp tục làm, như vấn đề 2 quốc tịch, vấn đề nhà cửa đất đai cũng trong xu hướng tích cực... Cuối cùng tôi xin gửi tới tất cả bà con, anh em, các em, các cháu những tình cảm sâu nặng của quê hương, đất nước, mong tất cả bà con ta hạnh phúc và thành đạt. Xin trân trọng cảm ơn!

Lại vỗ tay. Cổ vũ. Không còn hàng lối. Rất nhiều người ùa cả lại phía bàn tiệc nơi có Chủ tịch nước ngồi. Đèn flash máy ảnh lóe sáng như chớp giật. Có ai đó nói gì với vẻ mặt phấn khích. Lại vỗ tay... tôi bỗng gặp lại cảm xúc của mình khi chứng kiến mới đây thôi cảnh hàng chục vạn người Hà Nội tay cầm cờ đỏ, đầu cài băng đỏ có dòng chữ vàng “Việt Nam chiến thắng”, được thúc đẩy bằng lòng tự hào dân tộc, ùa ra làm tắc nghẽn tất cả mọi ngả đường trong dịp SEA Games 22 để cổ vũ cho đoàn Việt Nam chiến thắng. Tôi không muốn phỏng đoán một cách hồ đồ khi chưa có những bằng chứng cụ thể, nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, sau cuộc gặp ở quận Cam, quá trình hòa hợp dân tộc chắc chắn sẽ có được những thành quả rất lớn.

Sự ồn ào trong khán phòng dịu bớt khi người ta thấy ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ bước lên bục phát biểu:

- Thưa Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, thưa bà con! Tôi vốn không có dự kiến nói năng, phát biểu gì. Giờ lại phát biểu thấy bối rối hơn vì nói sau Chủ tịch nước, mà bài nói của Chủ tịch là một ngạc nhiên lớn đối với tôi và có thể nói rất cảm động. Tôi tưởng sẽ được nghe những lời giáo huấn. Nhưng không! Những gì tôi được nghe hôm nay xuất phát từ tình cảm, trái tim của một người dân Việt. Sau những điều Chủ tịch nước nói về dân tộc, về quê hương, tôi nghĩ mình không thể nói gì hơn và tôi hoàn toàn chấp nhận tiếng nói của lương tâm, của đất nước...

Dù sao tôi cũng vẫn là một biểu tượng của dĩ vãng, của quá khứ, từng đứng ở bên kia đấu trường với Chủ tịch. Trở về Việt Nam nhiều lần trong 3 năm vừa qua, tôi muốn nói với những người anh em đã chiến đấu dưới sự chỉ huy của tôi, rằng đã đến lúc chúng ta phải vì đất nước. Ở đây không có vấn đề thắng, thua, chỉ có Việt Nam... Ngày hôm nay, chúng ta kỷ niệm sự kiện nhân dịp Chủ tịch nước đến Mỹ và tôi muốn nói mọi sự bất hòa đã chấm dứt, chúng ta cùng nhìn về tương lai. Tôi cảm ơn Chủ tịch nước và xin nói lên những lời tâm hồn lúc nào cũng muốn vì quê hương yêu dấu. Tôi biết ơn những lời nói từ tâm hồn một người lãnh đạo của đất nước Việt Nam, một sự nâng niu, gắn bó dân tộc. Xin bày tỏ tình thương yêu, thương mến... Xin anh em đừng coi là tôi phản bội ai hết. Cũng có thể tôi đã phản bội lại một vài người, nhưng tôi muốn là con người tận tụy vì non sông đất Việt. Tôi năm nay đã 78 tuổi, chẳng đi lên cũng không đi xuống được nữa, chỉ muốn nói lên những lời từ trái tim. Tôi muốn nhắn lời cảm ơn chân thành đến anh em trong nước bấy lâu nay đã đón tiếp tôi. Xin cảm ơn mọi người và cảm ơn Chủ tịch...

Kết thúc cuộc gặp. Chủ tịch nước  Nguyễn Minh Triết đã về phòng nghỉ, tôi vẫn còn quẩn quanh rất lâu trong khu vực hành lang khách sạn gần với khu vực khán phòng nơi vừa diễn ra bữa tiệc và bỗng nhận ra rằng, còn rất nhiều bà con Việt kiều cũng còn quẩn quanh như tôi. Họ túm năm tụm ba và tiếp tục trao đổi như thể không hề muốn những vấn đề đã nêu ra trong bữa tiệc tối nay lại kết thúc sớm như vậy.

Hôm sau, nhìn California thật lâu từ trên cao qua cánh cửa máy bay cho đến khi mây trắng bao phủ đến mức không còn nhìn thấy gì nữa, tôi vẫn chưa dứt khỏi sự bồi hồi. Ở đó có những người đồng bào Việt Nam của tôi cho dù còn những người khác tôi về chính kiến nhưng có chung với tôi dòng máu Lạc - Hồng, và quan trọng hơn, chính ở đó tôi đã trải qua những khoảnh khắc xáo động và lành mạnh không dễ lặp lại của tâm hồn.

“Tha hương ngộ cố tri” là câu nói của người xưa được Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã dẫn trong cuộc gặp với Việt kiều ở Mỹ thật vô cùng cảm động.

Ghi chép của Vũ Quang Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.