Tham quan di sản online

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
24/04/2021 07:31 GMT+7

Lượng người ghé thăm các di sản văn hóa tại triển lãm 3D trên website của anh Nguyễn Trí Quang, một người yêu di sản ở Hà Nội, vẫn tăng đều.

Anh Nguyễn Trí Quang (24 tuổi, ở phố Khâm Thiên, Q.Đống Đa, Hà Nội) là một người lập trình tự do rất yêu di sản. Ở phần triển lãm 3D tại địa chỉ trang web https://vr3d.vn/ của anh, hình ảnh được chia thành các mục cụ thể như linh vật Việt, di sản văn hóa (gồm các di tích, di vật quý), đồ mỹ nghệ... Trong đó có những hình ảnh với dấu đỏ, trên nền đó chữ “hot” nháy liên tục.
“Chữ “hot” này dựa vào thống kê và phân loại của máy. Mục nào có nhiều người đọc và liên tục có thêm người đọc thì máy sẽ đánh dấu như vậy”, Nguyễn Trí Quang nói. Chẳng hạn, mục số hóa 3D di tích đình Tiền Lệ, rồng đá cổ thềm điện Kính Thiên (Hà Nội), tượng linh thú di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), cột đá bảo vật quốc gia chùa Dạm (Bắc Ninh)… thường báo “hot”. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19, Trí Quang cho biết lượng người truy cập tăng đều đặn. “Tôi nghĩ càng ngày càng có nhiều người mê di tích hơn”, anh nói.
Tham quan di sản online

Nguyễn Trí Quang đi quét 3D các di tích

Ảnh: NVCC

Trí Quang thường tham gia các hoạt động của nhóm Đình làng Việt khi có thể. Ở đó, cùng với nhiều người trẻ, anh tổ chức các hoạt động di sản theo cách mới hơn. Đó cũng chính là lý do Trí Quang tìm cách đưa các di tích, di vật quý lên mạng để mọi người được tham quan bất cứ khi nào họ muốn, nhất là trong thời điểm có dịch Covid-19.
Hiện tại, di sản văn hóa trên trang mà Trí Quang tạo lập được mô tả qua chi tiết kiến trúc các di tích cũng như di vật quý. Như vậy người xem có thể nhận thức các di tích, di vật đầy đủ hơn. Chẳng hạn tượng nghê đá đền Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình) được mô tả kỹ càng, cho thấy từng chi tiết linh vật này. Chiếc hương án cổ chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) đã bị cháy, thật may cũng đã được Quang số hóa 3D và đưa lên mạng…
Riêng với những thiết kế trang phục truyền thống, khi tạo dựng, Trí Quang có chủ trương đặt nó vào hệ thống di tích. “Khi đặt vào như vậy, chúng ta dễ hình dung về không gian sinh hoạt văn hóa trong các đình, chùa. Họ cũng có thể tự thay thiết kế, hoa văn để chọn mẫu phù hợp với mình”, anh nói. Trí Quang bảo đã nghĩ tới việc đưa hoạt động vào di tích như thế từ khi mặc áo dài ngũ thân và cùng tham gia các hoạt động vận động mặc trang phục này.
Cũng theo Trí Quang, hiện anh đang xử lý file quét 200 di vật, di tích nữa để có thể đưa lên mạng. “Cũng còn nhiều mẫu chưa xử lý, chưa đăng và tôi làm dần để đưa lên tiếp”, anh chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, sáng lập viên nhóm Đình làng Việt, nhận xét: “Cũng có những người khác theo đuổi việc số hóa các di tích, di vật. Mặc dù vậy, cho tới giờ ở phiên bản số hóa 3D, tôi thấy công việc của Quang có bề dày nhất”. Song ông Bình cho rằng, nếu có thêm hỗ trợ thì công việc của Quang sẽ tốt hơn. Hiện tại, công việc số hóa 3D các di tích, di vật này của Quang đôi khi phải tạm dừng do anh bận những công việc khác để mưu sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.