Thảm sát rừng bằng giấy phép “tận thu”

10/10/2010 23:42 GMT+7

Điều tra xuất xứ của 9 cây cổ thụ bị tạm giữ hơn một tháng qua tại Phú Yên, PV Thanh Niên đã tìm đến rừng Sum Ung và bất ngờ trước cảnh rừng đang bị thảm sát.

Sáng 10.10 chúng tôi về xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) để “mục sở thị” những bức xúc của dư luận về vụ khai thác cổ thụ tại xã này. Đường vào khu vực khai thác các cây cổ thụ đã được san ủi phẳng lì, còn mới nguyên những vết bánh xe xích của máy ủi, máy đào, xe múc và được mở ra nhiều ngả dọc theo bìa rừng Sum Ung ở thôn Trung Trinh, xã Sơn Long. Tại những nơi khai thác, hàng trăm bao trấu được chất chồng để khi hạ cây khỏi bị trầy xước.

Ngoài bìa rừng, nhiều bãi tập kết cây cổ thụ đã đốn hạ nằm la liệt trên mặt đất, rễ đã bị cắt sạch. Trên thân cây che tạm những bao tải nhưng vỏ đã khô. Người thanh niên dẫn đường cho chúng tôi nói: “Những cây này đào cùng lúc với các cây đã bốc lên xe tải đang bị kiểm lâm ách lại trong xã”.

Càng vào sâu, lượng cây bị đốn hạ càng nhiều và kích thước càng to, có cây đường kính từ 2 - 3m, dài từ 12 - 15m đã cắt tỉa cành, rễ rất gọn gàng. Người dẫn đường chỉ tay vào cánh rừng, nơi có gần chục cây lội đã cắt cành sẵn nhưng chưa hạ xuống mặt đất, nói: “Họ đã cắt hết cành nhưng chưa đào, cắt rễ vì những cây đã đốn trước đó chưa vận chuyển ra ngoài huyện được. Nếu những cây kia đi trót lọt thì những cây này cũng đã hạ xong và được chuyển đến nơi tiêu thụ hết rồi”.

Gần khu đất của ông Mười Hiền ở rừng Sum Ung là “đại công trường” khai thác cây cổ thụ quy mô lớn, được tổ chức bài bản. Ba cây cổ thụ đã bị bứng gốc nằm sõng soài phơi rễ. Kề bên là hàng trăm bao vỏ trấu lót sẵn “nâng niu” để cây không bị trầy xước. Những khu vực khai thác đều hoang tàn, cây đốn ngã nằm la liệt trên mặt đất. Một người dân cho hay, hình thức mua bán được diễn ra ngay trong rừng, người có cây chỉ địa điểm là có thể nhận được từ 3 - 5 triệu đồng/cây, còn lại chủ khai thác tự thuê nhân công, xe máy đào bới, vận chuyển đi. Trong số những người dân được cấp phép tận thu có cả cán bộ xã Sơn Long.

Theo vết xe để lại, chúng tôi tiến sâu hơn vào rừng thì bắt gặp một lán trại bỏ hoang được dựng lên với đầy đủ vật dụng phục vụ sinh hoạt như nồi niêu, xoong chảo... Người dẫn đường cho biết đó là nơi “trú ẩn” của hàng chục nhân công được chủ khai thác thuê ăn dầm, nằm dề để làm mỗi việc là đào bới cổ thụ.

Việc đầu tư làm đường vào các điểm khai thác khá công phu và tốn kém. Gặp chúng tôi, ông Tô Văn Đạo - một người dân ở xã Sơn Long - đang thuê xe múc, xe ủi làm đường, nói như phân bua: “Sẵn có máy đào, máy ủi đang làm đường ở đây nên tôi đã thuê họ làm đường để chở nông sản. Giá thuê xe mỗi giờ 600.000 đồng”. Con đường ông Đạo thuê máy móc đang làm chạy dọc theo vạt rừng có nhiều cây gỗ lớn. Tuy nhiên, vấn đề là làm gì có chuyện người dân nghèo tự đầu tư số tiền lớn làm đường để chở nông sản, vì như thế bao lâu mới thu hồi được vốn?

Rõ ràng qua những giấy phép “tận thu” của UBND huyện Sơn Hòa, lâm tặc đã thảm sát rừng Sum Ung. Để cứu lấy những cánh rừng còn sót lại ở hai xã Sơn Long và Sơn Định (huyện Sơn Hòa), các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên cần khẩn trương ngăn chặn.

Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.