Tham vọng tàu ngầm của Úc

10/03/2014 09:20 GMT+7

Úc đang đánh giá kế hoạch tăng gấp đôi đội tàu ngầm giữa lúc các nước láng giềng châu Á chạy đua tăng cường sức mạnh quân sự.

Úc sẽ xem xét kế hoạch tăng gấp đôi “quân số” tàu ngầm hiện tại dù chính phủ đang phải chịu áp lực lớn trong việc tiết giảm chi tiêu ngân sách. Theo báo The Wall Street Journal, Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston mới đây tuyên bố ông chưa chắc chắn về số lượng tàu ngầm mà Canberra sẽ mua theo đề xuất của quân đội. Tuy nhiên, với 36 tỉ AUD (32,28 tỉ USD) mà quân đội Úc dự định dùng để trang bị 12 chiếc tàu ngầm mới thì đây sẽ là khoản chi mua sắm quân sự lớn nhất của nước này từ trước đến nay.

 
Tàu ngầm lớp Collins của hải quân Úc - Ảnh: AFP

Thay thế dòng Collins

Hồi năm 2009, chính phủ Úc đã công bố quy hoạch quốc phòng với nội dung kêu gọi trang bị hơn một chục tàu ngầm nhằm thay thế hạm đội hiện hữu với chỉ 6 chiếc lớp Collins. Tuy “hầm hố” hơn so với các tàu ngầm trong khu vực, tàu ngầm lớp Collins luôn gặp phải nhiều vấn đề về kỹ thuật. Ngày 27.2.2014, một vụ cháy đã xảy ra trên tàu ngầm HMAS Waller ngoài khơi bờ biển bang Tây Úc nhưng rất may không có thương vong.

Một đội tàu ngầm lớn hơn, mạnh hơn và có tầm hoạt động xa hơn sẽ cho phép Úc đương đầu với sự hiện diện ngày càng đông đảo của loại phương tiện quân sự này tại châu Á. Singapore, Indonesia và Malaysia cũng đang tăng cường đội tàu ngầm để đối phó những hiểm họa đối với các tuyến đường vận tải năng lượng và giao thương huyết mạch của khu vực và thế giới, cũng như những tham vọng bành trướng lãnh thổ ngày càng lộ rõ của Trung Quốc. Hồi tháng 1, Bắc Kinh đã điều một hạm đội tàu chiến được hộ tống bằng tàu ngầm đến vùng biển giữa Indonesia và Úc. Động thái này được đánh giá là nhằm phô trương tầm hoạt động của hải quân Trung Quốc.

Canberra dự định mua tàu ngầm động cơ diesel - điện với độ choán nước từ 4.000 tấn trở lên, có thể trang bị tên lửa hành trình tấn công đất liền cùng khả năng triển khai lực lượng đặc biệt. Bộ trưởng Johnston cho biết chương trình sắm tàu ngầm của Úc khá tham vọng nhưng ông hy vọng nó sẽ không làm tăng thêm những cuộc ganh đua trong khu vực.

Úc đã khởi động mua sắm các thiết bị quân sự hiện đại và đắt tiền, bao gồm 2 tàu tấn công đổ bộ loại 27.000 tấn, các máy bay trực thăng vận tải và tấn công, tàu khu trục, xe tăng và máy bay tiêm kích Super Hornet. Canberra dành khoản ngân sách trị giá 26 tỉ AUD (23,63 tỉ USD) cho quốc phòng trong tài khóa tính đến tháng 6, tương đương 1,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong vài năm tới, Úc dự định sẽ sắm 100 chiến đấu cơ F-35 với chi phí ước tính khoảng 16 tỉ AUD (14,54 tỉ USD).

Thách thức ngân sách

Cùng lúc, quân đội Úc lại đang phải đối mặt với nguy cơ cắt giảm chi tiêu khi nền kinh tế lớn thứ 12 của thế giới trên đà “tụt phanh” sau một thời kỳ bùng nổ khai khoáng, khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng và nguồn thu của chính phủ bị thâm hụt. Giới chức Úc ước tính thâm hụt ngân sách của nước này sẽ ở vào khoảng 123 tỉ AUD (111,78 tỉ USD), và cắt giảm chi tiêu là chuyện mà giới cầm quyền tại Canberra không thể không làm.

Tuy nhiên, mới đây Úc tuyên bố sẽ dành 4 tỉ AUD mua các máy bay tuần tra biển P-8A Poseidon có khả năng hoạt động rộng ở châu Á. Các máy bay này sẽ được “thêm vây thêm cánh” vào cuối năm nay với việc triển khai một đội gồm 7 máy bay không người lái (UAV) MQ-4C Triton trị giá 2,9 tỉ AUD (2,64 tỉ USD). Giới chức Úc hiện để ngỏ khả năng phát triển quần đảo Cocos ở Ấn Độ Dương thành căn cứ phục vụ các UAV Triton của Úc hoặc Mỹ. Mặc dù vậy, hiện chưa có kế hoạch cụ thể nào được đệ trình nhằm nâng cấp đường băng đã cũ tại đây để mở rộng tầm hoạt động trên biển của Úc.

Trong một báo cáo do Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) công bố đầu tháng 2, ông David H.Hale, chuyên gia phân tích kinh tế người Mỹ đã nhận định mối đe dọa lớn nhất cho an ninh quốc gia Úc trong tương lai chính là sự kết hợp giữa sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và khả năng một nước Mỹ bị suy yếu rút khỏi khu vực. Theo trang tin news.com.au, tuy không nêu đích danh Trung Quốc là kẻ gây hấn, ông Hale đặc biệt lưu ý khả năng Bắc Kinh sẵn sàng dùng ưu thế quân sự ngày càng tăng nhằm đạt các mục tiêu do chính họ đặt ra.

“Canberra sẽ phải cẩn trọng trong việc cân đối quan hệ kinh tế ngày càng vững chắc với Trung Quốc và mối quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ. Mối đe dọa chính đối với nỗ lực cân bằng này là liệu những khó khăn tài chính của Mỹ có buộc siêu cường số 1 cắt giảm chi tiêu quốc phòng và rút khỏi Đông Á hay không”, ông Hale nói.

Cách đây 2 năm, Úc đã đồng ý với việc luân chuyển hàng ngàn lính thủy đánh bộ Mỹ cùng các máy bay quân sự tại miền bắc Úc. Giới quan sát nhận định dù quan hệ đồng minh Úc - Mỹ vẫn khá bền chặt, Canberra vẫn lo sợ viễn cảnh Washington buộc phải “dứt áo ra đi” do những khó khăn nội tại. Chính vì thế, Canberra sẽ luôn phải nỗ lực “tự thân vận động” trước một Bắc Kinh đầy tham vọng.

Trùng Quang

>> Singapore đưa tàu cứu hộ hải quân tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích
>> Trung Quốc đề nghị điều 2 tàu hải quân vào vùng biển Việt Nam tìm máy bay mất tích
>> Máy bay Malaysia mất tích: Hải quân vùng 5 chưa phát hiện dấu vết nào
>> Thủy phi cơ của Hải quân VN phát hiện mảnh vỡ nghi cửa sổ máy bay
>> Hải quân Ấn Độ lại 'gặp hạn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.