Cách đây chỉ mới 1 năm, các nước EU còn đề nghị ngừng hẳn sử dụng than đá từ đây đến năm 2050 nhưng những gì xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã làm thay đổi tất cả. Theo báo La Stampa (Ý), trước sức ép của công chúng, hiện nhiều quốc gia u - Mỹ đang lập kế hoạch giảm nguồn năng lượng hạt nhân. Trong lúc chờ đợi các loại năng lượng sinh học giảm giá thành và có thể sử dụng đại trà, giải pháp trước mắt không có gì khác ngoài than đá.
Trong bài phát biểu mới đây trước Nghị viện châu u, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Nobuo Tanaka cho biết những thiệt hại tại Nhật đã dẫn đến việc giảm một nửa số dự án xây dựng nhà máy hạt nhân trên thế giới trong vòng 25 năm tới. Kết quả là nguồn năng lượng từ hạt nhân sẽ giảm 10-14%. Khoảng 1/3 nhu cầu về năng lượng sẽ chuyển hướng sang than đá, dẫn đến việc tăng giá thành và tốn chi phí để giảm khí thải nhà kính. Các chuyên gia dự đoán từ đây đến năm 2035, sản lượng than toàn cầu sẽ tăng lên một nửa so với năm 2010, vốn đã ở mức khá cao là 6,5 tỉ tấn.
|
Theo nhà phân tích Giuseppe Lorubio thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất năng lượng châu u (Eurelectric), chỉ riêng việc đóng cửa 28 lò phản ứng hạt nhân thế hệ cũ tại châu lục này cũng khiến nhu cầu về than đá tăng từ 8-10%. Nguồn "năng lượng đen" đang đáp ứng 41% nhu cầu về điện trên thế giới (26% tại châu u). Các nước EU không đầu tư xây dựng các mỏ khai thác than mới nên chỉ có thể tận dụng các nguồn sẵn có hiện nay.
Điểm gây tranh cãi nhiều nhất của giải pháp than đá là nguồn năng lượng này rất ô nhiễm và điều kiện làm việc tại các mỏ, đặc biệt ở Trung Quốc và Nam Mỹ, chưa đảm bảo an toàn cho người lao động. Cụ thể, nếu Đức thật sự "đoạn tuyệt" với năng lượng hạt nhân như dự tính, mỗi năm lượng khí thải CO2 của nước này sẽ tăng thêm 40 triệu tấn, theo The Guardian.
Trong nỗ lực chung nhằm bảo vệ môi trường, những nước gây ô nhiễm sẽ phải trả tiền cho lượng khí nhà kính thải quá định mức vào khí quyển. Điều này sẽ trở thành gánh nặng cho ngành điện lực châu u trong tương lai gần. Một số biện pháp đã được áp dụng để giảm ô nhiễm cho than đá như nén và chuyển khí CO2 sang dạng lỏng rồi đưa vào trữ tại các hầm ngầm. Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động môi trường, những hầm chứa CO2 có thể sẽ lại là một "quả bom sinh thái" nổ chậm khác nếu không được xử lý hiệu quả.
Lan Chi
Bình luận (0)