Tháng 6.2008, bắt đầu khai thác vệ tinh VINASAT-I

13/03/2008 00:26 GMT+7

* Ngày 12.4.2008, VINASAT-I vào quỹ đạo Lúc 5 giờ 30 sáng 12.4.2008, vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam VINASAT-I sẽ được đưa lên quỹ đạo. Ông Nguyễn Bá Thước, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết như vậy tại cuộc họp báo sáng 12.3 ở Hà Nội.

Vào thời điểm hiện tại, VINASAT-I đã được chuyển tới Trung tâm Vũ trụ quốc tế Guiana (CSG) tại Kourou, French Guiana và hiện đang trong giai đoạn đo kiểm thử trước khi lắp đặt vào tên lửa Ariane 5 ECA. "Việc phóng vệ tinh VINASAT-I là sự kiện khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên quỹ đạo không gian, tạo một bước ngoặt lớn trong quá trình hiện đại hóa hệ thống truyền dẫn mạng viễn thông quốc gia, đồng thời nâng cao hình ảnh uy tín của Việt Nam", ông Thước nói.

Thông tin từ VNPT cho biết, với dung lượng truyền dẫn tương đương 10.000 kênh thoại/internet/truyền số liệu hoặc 120 kênh truyền hình, VINASAT-I sẽ giúp thúc đẩy việc đưa các dịch vụ viễn thông, internet và truyền hình đến tất cả các khu vực vùng sâu, vùng xa... nơi các phương thức truyền dẫn khác khó vươn tới được. Ngoài vai trò là một vệ tinh thương mại VINASAT-I sẽ còn được sử dụng nhằm hỗ trợ cho công tác thông tin phục vụ phòng chống và ứng cứu đột xuất khi xảy ra bão lũ, thiên tai...

Mô hình vệ tinh VINASAT-I (ảnh do VNPT cung cấp)

Mặc dù đã được Chính phủ thông qua Báo cáo tiền khả thi từ năm 1998 nhưng do là lĩnh vực mới nên dự án VINASAT đã gặp phải khá nhiều khó khăn. Ngoài khó khăn trong việc thống nhất cấu hình và băng tần cũng như đảm bảo yêu cầu cần thiết cho các bộ, ngành có liên quan thì vấn đề nan giải nhất là việc đăng ký và phối hợp quỹ đạo. "Quỹ đạo vệ tinh là tài nguyên có hạn và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) chỉ chấp nhận đăng ký theo nguyên tắc ai đến trước được đăng ký trước và người đến sau không được gây can nhiễu cho người đến trước. Ngoài ra cũng không có đạo luật nào bắt buộc các nước phải có tinh thần hợp tác, nên quá trình đàm phán phối hợp quỹ đạo với đối tác các nước rất khó khăn và kéo dài. Trong đó khó khăn nhất là việc đàm phán với Nga, Trung Quốc, Nhật và Tonga vì các nước này cũng có vệ tinh hoạt động ở các quỹ đạo gần với quỹ đạo Việt Nam mong muốn. Mãi tới 2005, sau một thời gian đàm phán VNPT đã thành công và chủ quyền quỹ đạo của Việt Nam ở vị trí 132 độ Đông đã được công nhận", ông Thước cho biết.

Đại diện VNPT cũng cho biết sẽ có 2 loại dịch vụ cơ bản được VINASAT-I cung cấp phục vụ khách hàng là cho thuê băng tần vệ tinh (cung cấp trọn bộ phát đáp trên băng tần vệ tinh hoặc thuê lẻ dung lượng) và các dịch vụ trọn gói như kênh thuê riêng; phát hình lưu động, đào tạo từ xa, truyền hình DHT, truyền dữ liệu ngân hàng, đường truyền ISP.

Ông Thước cũng cho biết ngay khi nhận bàn giao VINASAT-I từ hãng Lockheed Martin, sau thời gian đo và kiểm tra hoạt động các hệ thống trên quỹ đạo (dự kiến kéo dài 1 tháng), VNPT sẽ chính thức tiến hành khai thác thương mại VINASAT-I từ tháng 6.2008.

Trong trường hợp xảy ra rủi ro, mức bảo hiểm lớn nhất cho VINASAT lên tới 177 triệu USD.

* VINASAT-I do hãng sản xuất vệ tinh hàng đầu thế giới Lockheed Martin (Mỹ) cung cấp sẽ được đưa lên quỹ đạo 132o Đông ở độ cao 35.768 km so với trái đất, bằng tên lửa phóng Ariane 5 ECA (do hãnh Arianespace cung cấp) từ bãi phóng French Guyana (Nam Mỹ).

* VINASAT-I có chiều cao 4m, nặng 2.600 kg, có dung lượng 20 bộ phát đáp trên băng tần C và Ku và có tuổi thọ đạt từ 15 - 20 năm. VINASAT-I sẽ đảm bảo các chỉ tiêu về kỹ thuật, chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế, không gây can nhiễu đến các hệ thống thông tin khác trong quá trình khai thác vệ tinh.

* Với tổng mức đầu tư hơn 200 triệu USD, VINASAT-I được kỳ vọng sau từ 8 - 10 năm hoạt động sẽ thu hồi được vốn đầu tư ban đầu.

* Hai trạm mặt đất điều khiển và vận hành VINASAT-1 được đặt tại tỉnh Hà Tây và Bình Dương.

T.S

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.