Tháng 7 âm lịch: Vì sao nhiều người thường hay ăn chay cả tháng?

Trần Đồng
Trần Đồng
19/08/2020 12:19 GMT+7

Trong tháng 7 âm lịch hằng năm hay còn gọi là tháng cô hồn, mọi người thường hay ăn chay . Vì sao lại như vậy?

Để tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của việc mọi người thường hay ăn chay vào tháng 7 âm lịch hằng năm, PV Thanh Niên đã trò chuyện với GS Đỗ Thanh Hải (người nghiên cứu sâu Khoa học Tâm Thức dựa trên nền tảng kết hợp hài hoà những tinh hoa của tri thức Đông và Tây phương về các lĩnh vực: Khoa học, Tôn Giáo, Tâm linh).
GS Đỗ Thanh Hải cho biết xét theo góc nhìn khoa học tâm thức, tháng 7 âm lịch là tháng giao thời giữa mùa hạ và mùa thu. Xét theo lý Âm/Dương ngũ hành, mùa hạ tượng Hỏa cục, mùa thu tượng Kim cục, tương khắc xung đối cho nên tương tác Âm/Dương Ngũ hành tạo biến động Thiên-Địa-Nhân mạnh sẽ xảy ra gây mưa, nắng, gió bão thường xuyên. Điều đó khiến cho tâm lý con người, nhịp sinh học động vật, thực vật nói riêng thay đổi theo.

Tháng 7 âm lịch là tháng giao thời giữa mùa hạ và mùa thu

Ảnh: GS Đỗ Thanh Hải cung cấp

Về khoa học, sự sống động thực vật nói riêng và vạn vật nói chung đều tồn tại hai dạng Sóng/Hạt (Âm/Dương) tất thảy đều tuân theo quy luật tương tác Sanh/Trợ/Khắc/Dị/Diệt (Ngũ hành). Xét riêng tính tương hành tương tác giữa Con người/Trái đất/Hệ mặt trời cũng đều là tính chuyển hóa năng lượng Sóng/Hạt, trong thời điểm tháng 7 âm lịch sẽ là chu kỳ tương Khắc/Dị/Diệt. Do đó, sẽ khiến hệ sinh học con người thường ở trạng thái bất ổn, tâm trạng bức xúc, suy nghĩ tiêu cực, dẫn đến xác suất tai nạn, bạo động xảy ra vào tháng cô hồn cũng sẽ nhiều.

Hoàng đạo mặt trời và hiện tượng thời tiết trong tháng giao mùa giữa tháng 6 âm lịch và tháng 7 âm lịch

Ảnh: GS Đỗ Thanh Hải cung cấp

Xét theo quy luật tự nhiên, cuối mùa hạ nóng nực đến tháng 6 âm lịch thì trời mưa nhiều dần. Tháng 7 âm lịch thì trời giông bão nhiều dần có lúc thất thường, lá hoa rơi rụng, cây cỏ trơ cành, nhiều dịch bệnh.
Nhịp sinh học động thực vật nói riêng và tâm thức vạn vật nói chung cùng bị biến động và cùng ảnh hưởng tương ứng lẫn nhau, đó là quy luật tất yếu khiến cho tâm trí đám đông thường hay bồn chồn, lo lắng.
Do đó, tháng 7 âm lịch, nhiều người thường quan niệm ăn chay nhằm giúp cân bằng năng lượng sinh học, giúp nhẹ nhàng tâm trí để thoát khỏi những biến động như đã phân tích.. Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, việc ăn chay trong tháng cô hồn còn tránh sát sinh, tạo phúc cho bản thân và gia đình.
Cũng có hiện tượng nhiều người phát tâm, hoặc ăn chay cả tháng trong suốt tháng 7 âm lịch. Ăn chay nguyên tháng ít nhiều sẽ có xáo trộn về dinh dưỡng cũng như sức khỏe. Do vậy, lời khuyên là mọi người cũng cần lưu ý, cơ địa mỗi người mỗi khác, tu học giác ngộ cần phải nhận định ra sự thật này, nên nhớ rằng căn bản Đạo Phật là dung hòa, diệu dụng hóa độ và tự chủ, tự tha. Cần phải dần khéo léo (thiện xảo) chuyển ly để dần hoàn thiện sự thích nghi của cơ thể sinh học trong việc trao đổi chất, ngược lại không khéo sẽ sản sinh ra bao hệ lụy. Đó là, nhịp sinh học bị rối loạn, dẫn đến thân thể suy yếu, tâm trí bất ổn -> tổn hại tâm trí -> tâm thức sẽ bị đột biến khi cưỡng cố nhập thiền…
Nhắc lại tích xưa, Lục Tổ Huệ Năng lúc lánh nạn sống cùng nhóm thợ săn trong rừng, Ngài cũng từng thọ mặn nhằm giữ sự hòa hợp cùng họ, nhưng khéo léo ăn rau không ăn thịt, vậy thôi…
Thời nay, các vụ việc mà báo chí từng đăng và phản ánh chuyện thực phẩm chay nhiễm bẩn hóa chất nên ta cần phải thận trọng. Với những thực phẩm chay chế biến giả mặn thập cẩm, ăn chay mà tâm mặn sao thực gọi là ăn chay?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.