Tháng chạp

28/01/2018 11:30 GMT+7

Còn vài hôm nữa là đến ngày rằm tháng chạp, khởi đầu một trong ba lễ cúng quan trọng nhất đối với người Việt trong tháng cuối năm âm lịch.

Một tuần sau đó là cúng tiễn ông Táo về trời rồi cúng tất niên tiễn năm cũ đón năm mới.
Trong ba lễ trên, cúng tất niên được coi trọng nhất vì thời điểm tổ chức hầu như ai cũng được nghỉ tết, cơ hội quý giá để nhiều thế hệ trong gia đình được sum họp sau một năm không có dịp gặp nhau đông đủ. Thức ăn ngon, không khí vui vẻ chân tình càng làm mọi người xích lại gần nhau hơn, con cái ôm chặt ông bà, bố mẹ. Lòng ai cũng muốn "mở" ra để xiết chặt tình thân gia đình.
Nhưng tháng chạp cũng là tháng mà những người có tuổi mơ hồ lo lắng. Lo lắng đến chuyện đoàn viên, bởi ngày càng khó để tụ họp con cháu về đông đủ mấy ngày cận tết hay đầu năm mới. Số thì bận trực công tác trong dịp tết, số khác làm ăn ở xa quê có thu nhập không khấm khá lắm đành quyết định không về quê ăn tết. Một số sinh viên học ở xa đành nuốt vào lòng nỗi nhớ người thân, tự nguyện ở lại thành phố lớn làm thêm trong dịp tết với thu nhập cao hơn bình thường để giảm bớt khó khăn cho gia đình. Nhưng ngay cả người có điều kiện thì lại bận rộn với những kế hoạch đi du lịch xa suốt những ngày nghỉ để tận hưởng niềm vui riêng của mình và bạn bè - để “trốn tết”.
Không có gì sai, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng đừng quên nỗi cô đơn của những người thân lớn tuổi trong những ngày cận tết. Khoảng thời gian muốn điện hỏi lũ nhỏ xem nó có dẫn cháu về không. Là khoảng thời gian tính xem năm nay làm món gì, mua sắm thêm gì để lũ trẻ thành phố về nhà cũng đầy đủ tiện nghi. Là khoảng thời gian khi hằng ngày trông ngóng bước chân con cháu trở về, khi hàng xóm láng giềng rôm rả tiếng chúc tụng nhau, còn nhà mình thì văng vắng...
Tháng chạp với người lớn tuổi là tháng hướng về tổ tiên, ông bà - là tháng mong đợi cuộc đoàn viên.
Thư, bài cộng tác xin gửi về: nhipsongdothi@thanhnien.vn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.